menu_open
Không thể chậm chân với rác
Xem cỡ chữ:
Tốc độ phát sinh rác thải cũng như tình trạng ô nhiễm từ nhiều nguồn thải ngày càng phức tạp. Điều này đang đặt ra bài toán cấp thiết từ khâu thu gom, vận chuyển đến khâu xử lý rác phải đảm bảo hiệu quả đồng bộ.

Đồ dùng, đồ chơi thông minh từ phế liệu của nhóm tác giả Trường TH Dạ Lê, TX. Hương Thủy


Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 650 tấn/ngày; dự báo, đến năm 2030 sẽ tăng lên gấp 2,5 lần.

Trong khi lượng rác phát sinh và rác gom được ngày càng tăng thì một số bãi chôn lấp theo quy hoạch đang có dấu hiệu lấp đầy hoặc trong giai đoạn quá tải. Chỉ còn chưa tới một năm nữa, nếu những bãi chôn lấp xử lý rác chưa hoàn thành hoặc Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn vẫn chưa khởi động xây dựng thì sẽ không kịp để gối đầu xử lý hơn 450 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày của TP. Huế và một số huyện, thị xã khu vực phía Nam tỉnh.

Thử hình dung tình huống, nếu trong khoảng 3 ngày ngưng hoạt động dịch vụ thu gom, xử lý rác trên địa bàn TP. Huế, sẽ có gần cả nghìn tấn rác ứ đọng trong dân cư. Lúc đó, bao nhiêu hệ lụy sẽ nảy sinh và việc khắc phục xử lý càng tốn kém gấp nhiều lần.

Như cách đây chưa lâu, việc người dân ở Nam Sơn, TP. Hà Nội tổ chức chặn xe chở rác vào bãi xử lý không phải mới diễn ra lần đầu chung quy cũng vì khâu xử lý rác đã đến mức quá tải trầm trọng, khiến người dân “bức xô” vì quá ô nhiễm.

Tình trạng này đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngay cả các nước phát triển ở khu vực châu Âu cũng đang phải gánh chịu nạn ô nhiễm rác thải trầm trọng, do một lượng lớn rác ứ đọng lộ thiên không biết xử lý bằng cách nào.

Điều này chứng tỏ, rác thải sinh hoạt đang và sẽ là nguồn “nguy hiểm”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội một khi còn chậm chân, thiếu quan tâm trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý.

Thừa Thiên Huế đang xây dựng hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, đồng thời phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2020 có 95% các khu đô thị, 70% khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Nên việc trước mắt, ngoài đẩy mạnh thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh, Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” và phát triển mạng lưới dịch vụ môi trường chuyên nghiệp hơn, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư các bãi xử lý rác dự phòng và dự án xây dựng nhà máy xử lý rác Phú Sơn, TX. Hương Thủy.

Xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) cũng phải thực hiện mạnh mẽ hơn. Xã hội hoá ở đây không đơn thuần huy động các nguồn lực để hình thành bộ máy dịch vụ môi trường mà cần phát triển ý thức, sự chung tay của toàn xã hội trong việc giảm thiểu, phân loại, tái chế và tái sử dụng hợp lý nguồn thải mọi lúc, mọi nơi.

Cùng với đó, cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư để giải quyết các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân, tránh để “tích tụ” bức xúc trong cộng đồng vì rác thải.

Song hành với đó là hình thành và phát triển lực lượng tình nguyện viên BVMT, tăng cường sự giám sát trong cộng đồng dân cư, các đoàn thể đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc quản lý chất thải nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng.
Vi Quân
Các bài khác