menu_open
Tình già giữa cánh rừng ngập mặn hoang sơ ở Huế
Xem cỡ chữ:
Câu chuyện tình yêu ấm áp của cặp vợ chồng già sống hàng chục năm nay giữa cánh rừng ngập mặn hoang sơ ở Huế.

Ông bà ta có câu: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Những người con có thể mua cho cha mẹ món ăn thật ngon, gửi cho họ những món tiền thật lớn, nhưng sự chăm sóc ân cần cho nhau thì chỉ có bà với ông, ông với bà mới là ấm áp hơn cả cho tuổi già của họ.

Về rừng Rú Chá ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, TP.Huế, được nghe, thấy, chứng kiến cuộc sống của cặp vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (80 tuổi), bà Trần Thị Hồng (76 tuổi) mới thấy ý nghĩa câu nói trên không sai chút nào.

Rú Chá là một trong những khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và cả nước.

Sau nhiều năm được chính quyền đầu tư trồng mới, cánh rừng nay đã phủ xanh cả vùng một vùng đầm phá, tạo nên một bức tranh thiên nhiên trong lành, đẹp mắt.


Vẻ đẹp hoang sơ của cánh rừng ngập mặn Rú Chá.

Về đây, gặp bất cứ người dân nào đi đường, hỏi vợ chồng ông Đáp, bà Hồng ai cũng biết.  Ông Đáp nổi tiếng bởi cái  biệt danh  “Rô-Bin-Sơn xứ Huế”. Sở dĩ dân địa phương là gọi ông Đáp là “Rô-Bin-Sơn” vì dù đã có gia đình đầm ấm, đông con cháu nhưng do bản tính thích sống gần với thiên nhiên nên suốt 30 năm qua ông dựng lều cùng vợ sống ở rừng Rú Chá. Túp lều của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp nằm xen giữa những rừng cây chá, xung quanh là chỗ nuôi gà, vịt, chim… phong cảnh cũng hữu tình gần gũi với thiên nhiên.

Theo người dân địa phương thì vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp là những người có công lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ  rừng Rú Chá. Sinh sống cùng Rú Chá thành quen, hai vợ chồng ông xin xã ít đất và dựng lều tạm ở ngay tại rừng và tranh thủ nuôi tôm, tép làm kế sinh nhai và được xã đồng ý.


Vợ chồng ông Đáp, bà Hồng đã gắn bó với rừng Rú Chá hàng chục năm nay.

Ngoài thời gian nuôi tôm, vợ chồng ông Đáp tranh thủ chăm nom cho rừng Rú Chá, những cây chá, cây sú, cây đước đua nhau bén rễ ở khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn tồn tại ở khu đầm phá Tam Giang.

Sau này sinh con, đẻ cái dù đã có nhà ở trong làng nhưng hai vợ chồng ông Đáp vẫn không bỏ rừng Rú Chá và đến nay đã 30 năm có lẻ hai vợ chồng ông sống cuộc sống gắn liền với khu rừng ngập mặn nguyên sinh này.

Ông Đáp cho biết, không biết Rú Chá có từ khi nào, chỉ biết nó là một khu rừng nguyên sinh lâu đời, từ kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến đánh đế quốc Mỹ xâm lược, Rú Chá đã là tấm bia tự nhiên đỡ đạn cho lực lượng cách mạng khi giặc điên cuồng nhả đạn bắn phá.


Túp lều nhỏ, đơn sơ của vợ chồng ông Đáp nằm giữa khu rừng.

Nói về cuộc sống hiện tại, ông Đáp bảo rằng, rừng Rú Chá thay đổi từng ngày bởi công tác trồng mới và bảo vệ. Nhờ công tác trồng mới hiệu quả, nay cá tôm cua về trú ngụ càng nhiều nên cuộc sống của vợ chồng ông đã đỡ hơn xưa rất nhiều. Vợ chồng ông có 10 người con nay đã dựng vợ gả chồng gần hết, cuộc sống cũng đã an nhàn. Các con cũng muốn đưa ông bà vào thôn sống để chăm sóc  nhưng ông Đáp tâm sự: “Ở đây quen rồi, vào làng ồn ào, vợ chồng ông không chịu được. Gì chứ đời tui với vợ gắn với Rú Chá này cho đến khi xanh cỏ thì thôi”.

"Về Rú Chá thường xuyên, ít khi tôi thấy vợ chồng ông Đáp lớn tiếng với nhau. Mà thấy lúc nào ông bà cũng ân cần, nhỏ nhẹ, ông nói bà lắng nghe. Đến cái tuổi này, nhìn tình cảm ông bà sống với nhau thật ấm áp", chị Hoàng Kim Quy, cán bộ Hạt Kiểm lâm TP.Huế chia sẻ.

Ở cái tuổi ngoài 80 nhưng trông ông Đáp vẫn còn rắn rỏi, minh mẫn lắm. Còn nụ cười của bà Hồng thì trông thật phúc hậu, hiền lành. Dù không nói, nhưng chỉ cần chứng kiến cách nói chuyện, những cử chỉ ân cần của cặp vợ chồng già này với nhau, mới thấy câu nói mở đầu bài viết này ý nghĩa như thế nào. 


Những sản vật cá tôm của của cánh rừng Rú Chá đã nuôi sống gia đình ông Đáp hàng chục năm qua.

Những ngày này, không khí của một mùa Valentine nữa lại về. Và câu chuyện tình yêu của vợ chồng ông Đáp càng minh chứng cho quan điểm về  ý nghĩa của một tình yêu đẹp. Tình yêu đẹp không phải chỉ thể hiện qua những lời chúc, món quà, mà còn là cùng đi bên nhau không chỉ những lúc thái lai, mà cả trong  những cơn bĩ cực của cuộc đời.

Đời ông Đáp có lẽ đã trải qua biết bao bĩ cực nhưng đến cuối cùng bên ông vẫn có bà Hồng, người vợ đã luôn đồng hành, cảm thông, cùng ông vượt qua những chật vật bởi cuộc sống mưu sinh.

Đàn ông cũng rất mong manh. Những khoảnh khắc khó khăn của cuộc đời, họ cũng cần lắm một bờ vai từ người bạn đời của mình. Và người vợ tốt không phải đánh giá ở nhan sắc mà chính trong bước ngoặt gian khó của chồng, người vợ ấy luôn biết yêu thương, đồng cảm và rất sẻ chia…