menu_open
Nét Việt Nam là nét Huế
Xem cỡ chữ:
Dù là lần đầu đến Huế, nhưng trong tôi không có một chút gì lạ lẫm. Mỗi bước chân ở Đại Nội Huế tạo một cảm giác thân quen khó diễn tả. Sự thân quen đó có lẽ đến ở “chất Việt”. Chưa nơi nào ở Việt Nam cho tôi thấy hồn Việt như nơi này.

Một mái ngói đỏ đủ đến khiến ta thẫn thờ, một tay nắm cửa giản dị chứ ko phải đầu rồng như anh hàng xóm phía Bắc. Những chiếc cửa thuần mộc, thuần Việt, tối giản và không phô trương. Tôi đã đến Hội An ba lần, nhưng tôi không cảm được, có lẽ tôi thấy thiếu “chất Việt”.

Tôi đã đến cung điện Versailles của Pháp, đến cung điện Dolmabahce của đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), kỳ vĩ thật, hoành tráng thật, tinh tế thật...nhưng sao vẫn lạ quá. Cảm giác ngưỡng mộ chỉ diễn ra trong chốc lát chứ không kéo dài tới tận bây giờ. Hôm qua, khi rảo bước trên Đại Nội Huế nhiều hình ảnh trong đầu hiện ra. Ở đó là cả một cuộc hành trình cuối cùng của chế độ phong kiến, ở đó là ý chí, là tinh thần không khuất phục, là sự bạc nhược, và hơn tất cả là nỗi đau của dân tộc.

Lướt trên những con đường là hình ảnh của những vị vua cuối cùng, nhưng không vị vua nào khiến tôi dừng lại. Có thể vì tôi từng biết về họ, có thể họ không làm tôi tò mò, hoặc có thể tôi không muốn lưu lại những năm tháng đó trong bộ nhớ của mình.

Bức ảnh tôi chụp dưới đây rất bình thường, nhưng cánh cổng này, con đường này là thứ tôi nhớ nhất. Cánh cổng này dẫn đến Cung Diên Thọ, nơi an dưỡng của Hoàng Thái Hậu, người cuối cùng sống ở đây là Thái Hậu - Từ Cung. Trước đó, là Hoàng Thái Hậu - Từ Dũ, người nổi tiếng thương dân, gần như cả đời chưa bao giờ tổ chức sinh nhật hay mừng thọ. Đích thân Hoàng Thái Hậu đã từng hạ mình đứng ra xin “quan tây” miễn thuế cho dân, khi chúng áp bức dân ta xây cầu Trường Tiền. Thời thế thế thời thời đó phải thế.

Có lẽ chính sự đức hạnh của những vị Hoàng Thái Hậu đã tạo cho Cung Diên Thọ một cảm giác bình yên khó diễn tả bằng lời. Ngay cả khi trên bức tường cổ là chi chít những chữ viết “bậy” khiến ta giận dữ, nhưng cảm giác đó cũng không ở trong lòng quá lâu. Khung cảnh ở đây thật khó để ta âu lo. Người ta nói “đất lành chim đậu”, trong buổi chiều tà xứ Huế thì tiếng chim lảnh lót là thứ âm thanh duy nhất được vang lên.

Nếu đây chỉ là nơi tĩnh dưỡng của các Hoàng Thái Hậu thì thật tầm thường. Từ bối cảnh lịch sử, Cung Diên Thọ đã trở thành nơi các Hoàng Thái Hậu cầu cho “quốc thái dân an, thiên hạ thái bình”. Tôi may mắn được đến những nơi ít người được lui tới tại Cung Diên Thọ. Ở đây thờ đạo phật, thờ đạo mẫu, thờ bà Thánh Mẫu (Nha Trang)...Bắc - Trung - Nam đều đủ cả. Mẫu nghi thiên hạ không phân biệt vùng miền, không phân biệt tôn giáo, thật đáng ngưỡng mộ lắm thay!

Cái duyên được khấu đầu, cái duyên được thắp một nén hương trong Cung Diên Thọ, chắc sẽ mãi chẳng thể quên. Huế là nơi tôi cảm nhận rõ nét nhất linh hồn và sự trong trẻo của người Việt. Rất nhiều người bạn nước ngoài từng hỏi tôi “Việt Nam có gì?”, tôi luôn lúng túng với câu hỏi này, giờ thì tôi đã tìm được câu trả lời : “Việt Nam trong tôi là Huế”.

Nguồn: @BáPhú