menu_open
Niềm nở sẽ giải quyết được nhiều điều
Xem cỡ chữ:
Du khách trải nghiệm làm bánh ngũ sắc. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN
Dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua nghỉ dài ngày, ngành du lịch khắp nơi được hưởng lợi. Ngay những địa phương không phải là những địa chỉ có thế mạnh du lịch cũng công bố đón được một lượng khách lớn. Con số vài chục ngàn, vài trăm ngàn khách đón được ở các địa phương, tăng mấy trăm % không còn là của hiếm. Kéo theo đó là doanh thu vượt trội.
Du khách trải nghiệm làm bánh ngũ sắc. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Mà đúng là như vậy, qua truyền hình, qua mạng… chúng ta không khó bắt gặp những dòng người đông đảo ở bãi biển, ở các di tích, thắng cảnh, trên đường phố. Nếu nhìn ở những “đợt du lịch” cao điểm như vậy, chúng ta không sợ bị “hớ” khi khẳng định du lịch đã phục hồi mạnh mẽ.

Dự kiến người đi du lịch sẽ bùng nổ trong những dịp này nên thời gian trước đó, chúng ta thấy nhiều địa phương đã chuẩn bị nhiều chương trình để thu hút khách như tổ chức các lễ hội, mở ra các tour tuyến mới, các sản phẩm mới để tạo nên sức hấp dẫn. Ai (địa phương) cũng tranh thủ hút khách trong dịp này chứ sợ “chậm chân” là thua thiệt, cho nên nhiều địa phương đầu tư rất mạnh để tạo bề nổi (kể cả tư nhân và ngân sách Nhà nước).

Khách đến đông thì mừng chứ sao. Đông thì vui đã đành mà ở đây đông lại còn có tiền, thậm chí là nhiều tiền thì càng vui. Cái hay của “du lịch đợt” là tạo ra tính cạnh tranh thấy rõ, ít nhất là bề nổi. Nhiều địa phương, nhiều cơ sở dịch vụ làm cho khuôn mặt của mình rạng ngời, bất kể những thứ có thể xài chỉ một lần.


Du khách được nhân viên cơ sở lưu trú giới thiệu về điểm đến. Ảnh: Đức Quang

Nhưng đã nói đến “đợt”, đến “dịp” thì có nghĩa là không không thường xuyên nên cũng tạo ra không ít phiền phức, thậm chí là hệ lụy.

Điều đầu tiên là ai cũng tranh thủ để đạt được doanh thu. Trong những dịp như thế này, doanh thu du lịch vượt trội cũng là điều dễ hiểu. Vì người đông. Nhưng còn một lý do khác là không ít loại hình dịch vụ tranh thủ nâng giá. Người thì sử dụng những từ ngữ mỹ miều hơn như “phụ thu ngày lễ”. Mà phần lớn các loại hình dịch vụ như nhà hàng, quán ăn… thì đưa thẳng vào giá sản phẩm, tức là tăng giá bán. Tăng ít thì người tiêu dùng cũng chẳng lấy đó để làm phàn nàn vì một lý do rất nhân văn “trong khi mình đi chơi thì người ta lại cật lực làm việc, để phục vụ mình”, cho nên cao hơn tí đỉnh cũng chẳng sao. Chỉ có đáng phàn nàn là chất lượng dịch vụ không tương xứng và tình trạng “chặt chém”. Mà điều này thì nhiều nơi năm nào cũng diễn ra.

Tất cả các nơi đều đầu tư theo tín hiệu thị trường trong điều kiện bình thường. Có lẽ đây cũng là nguyên tắc của đầu tư. Cho nên ở đây cũng cần những con số thống kế tương đối chính xác. Đã có những cảnh báo về những con số thống kê không chính xác, đó là cách tính trùng lắp, trong đó không loại trừ một phần “thổi phồng”. Thống kê rất quan trọng, nó là một tín hiệu để mà đầu tư. Vì đầu tư để phục vụ thời gian cao điểm thì thời gian thấp điểm trở nên thừa thãi. Cho nên tốt nhất là ở mức quân bình, tạm gọi là tăng trưởng bền vững. Nếu cầu nhiều quá thì chúng ta thiếu một ít, khi cầu ít quá thì chúng ta cũng chỉ thừa một ít. Nhưng xem ra rất khó cân bằng được việc này.

Cho nên cái gì cũng vậy, phát triển đột ngột chưa chắc là cách phát triển bền vững. Ví dụ như cơ sở hạ tầng lưu trú, chúng ta chỉ đầu tư trong điều kiện bình thường, chẳng hạn như tăng trưởng trên dưới 10%. Có những thời điểm tăng trưởng nhiều chục % thì chúng ta thiếu là điều không có gì ngạc nhiên. Làm sao chúng ta làm hài lòng du khách trong thời điểm “múc một tô bún cũng không kịp tay”. Sự bù đắp ở đây tốt nhất là tinh thần phục vụ. Đức tính niềm nở, thân thiện. Đức tính này cần thiết trong mọi thời điểm. Mà Huế đã được vinh danh là một địa chỉ du lịch thân thiện rồi. Chúng ta chỉ gìn giữ và bồi đắp cho nó ngày càng dày thêm.