menu_open
Đôi điều về văn hóa Huế
11/06/2013 8:22:30 SA
Xem cỡ chữ:
Huế là nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, đã yêu thương, đã sống một đời công dân và một cuộc đời riêng tư. Vậy Huế tuy không phải là nơi quê gốc của tôi nhưng tôi vẫn tự xem là Dân Cột Cờ. Tôi ngẫm lại thấy người Huế chưa hẳn là người gốc Huế và người gốc Huế chưa hẳn là người Huế. Nơi nào đã từng là kinh đô lại không là như thế, lại không có cư dân tứ xứ.

 

Theo tâm lý học của Biaget, tính cách của con người hình thành từ năm 1 đến 8 tuổi. Vậy thì, tôi nghĩ, con người lớn lên mang tính cách của môi trường. Và chánh quán thì không gây ảnh hưởng đến tính cách bằng sinh quán ở lý lịch con người. Con người sinh ở đâu, thì mặt mày giống cha mẹ, còn diện mạo tinh thần thì lại giống xứ sở nơi nó sinh ra. Sau đây là "diện mạo tinh thần" của những người sinh ra ở Huế.

1. Hệ thiên nhiên Huế: Hệ thiên nhiên Huế bao gồm phía Tây là núi Trường Sơn, một dải đất hẹp gọi là đồng bằng, ôm lấy một dòng sông đẹp; mặt phía Đông là biển và đầm phá. Gần gũi với chúng ta hơn, thiên nhiên Huế bao gồm hai yếu tố là Núi và Sông. Núi Ngự sông Hương, và bốn mùa khác nhau gồm Xuân Hạ Thu Đông: mùa Xuân còn kéo dài cái rét và ẩm ướt của mùa Đông năm trước; mùa Thu kéo dài cơn nóng của mùa Hè; mùa Xuân thơm lừng hương lạ của trăm loài hoa; mùa Thu còn rộn ràng màu sắc của cây cỏ. Thật quả là ít có thành phố nào thiên nhiên đã giữ một vai trò quan trọng như vậy trong ý thức môi trường của con người. Các vua Nguyễn đã biết đào sông đắp hồ, dựng nên một kinh thành dài đến 11km. Vua Minh Mạng biết che chở sân chim ở Hà Tiên, đã trồng thông ở núi Ngự Bình, đã xuống dụ và đề ra chính sách cho nông dân trồng mít ở đèo Hải Vân và ở kinh thành Huế v.v... Đấy toàn là ý thức môi trường cả.

2. Hệ vườn Huế: Vườn Huế thể hiện đầy đủ tính đa khí hậu của thiên nhiên Huế. Từ ngoài vào trong, mỗi khu vườn ở vùng Kim Long, chúng ta đều có rừng - đồi - khuôn viên vườn - vườn cây ăn quả - sân trồng hoa - nhà. Nhà làm ở cuối sân, giữa vòm lá um tùm của cây ăn quả, nhờ thế, phù hợp với thiên nhiên bên ngoài.

Ta thấy rằng vùng Kim Long đã từng là kinh đô trong 50 năm. Vườn Huế vốn đã có từ thời phủ Quốc mẫu, Quốc chúa như đã thấy trong sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết vào thế kỷ thứ 18. Sau này, kinh đô Huế dời xuống một quãng 5km dọc sông Hương đến chỗ hiện nay như đã thấy, vườn Huế để lại như một dấu ấn một vệt vườn từ vùng Kim Long đến lúc chạm bờ thành Đại Nội, và thành phố nó tạo nên gồm những công dân không ưa làm giàu bằng thương nghiệp mà chỉ thích nghi với nghề làm vườn, gọi là thành phố vườn.

3. Hệ ngũ sắc Huế: Ta nhớ rằng Huế là nơi giáp ranh giữa hai nền văn hoá Đại Việt và Chăm Pa. Sống ở một biên giới như vậy nơi người Huế buộc phải phát huy hết sức mạnh của vốn văn hoá Việt để tiếp thu những yếu tố vượt trội của văn hoá Chăm Pa. Đám cưới Huyền Trân Công Chúa (1306) rốt cục là đám cưới hai nền văn hoá...

Người Huế đã tổng hợp màu của Hệ Ngũ Sắc truyền thống Đỏ Xanh Vàng Trắng Đen với ảnh hưởng chàm thành Hệ Ngũ Sắc riêng của Huế là Đỏ Tím Vàng Lục Xanh. Từ năm màu cơ bản này, người Huế chọn năm màu đối tác thành một hệ màu sắc rất lạ: hoà thanh màu chỉ gồm toàn những cặp màu mâu thuẫn vừa toàn là những màu căn bản vừa là những màu đối tác. Hệ ngũ sắc của Huế nhờ thế rất chói lọi, lại vừa rất êm mắt. Gọi là hiệu quả trắng trong dĩa màu Huế. Thí dụ cặp màu điều lục vừa chói lọi vừa hoà màu; để tạo nên chiếc áo cô dâu ở Huế, vừa làm mảng màu hoa phương vĩ giữa tán lá màu xanh của nó, dù tương phản nhưng vẫn mát mắt với thành phố mùa hè.

4. Hệ ngũ âm Huế: Cũng bởi sự trà trộn giữa hai nền văn hoá, chúng ta có hệ ngũ âm Huế, tương đương với hệ ngũ sắc Huế. Giáo sư Trần Văn Khê trong bản luận án tiến sĩ của ông đã nói rằng: "sau mấy thế kỷ giao lưu, nhạc Huế đã nhuốm mùi chàm". Ngày nay chúng ta biết được rằng chỉ có giọng Huế mới hát được nhạc Huế. Chắc điều đó chứng tỏ rằng âm nhạc Huế không thể thích dụng với hệ thống dân ca khác, như hệ mỹ học Huế, hệ chùa Huế, hệ món ăn Huế...

Nhưng thôi, vì giới hạn được phép nói đến những hệ gây ấn tượng nhất. Và bây giờ, những hệ ấy vẫn được bảo tồn trong cách sống của người Huế như những yếu tố thầm kín của một nền văn hoá.