menu_open
Những người mang âm nhạc cung đình ra thế giới
31/12/2010 3:37:08 CH
Xem cỡ chữ:
Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế Trương Tuấn Hải từng phải làm công việc của một người chỉ ghế cho khán giả xem video vào những năm 1986 và 1987, khi tuồng cổ không còn được nhiều người ưa chuộng.

Bằng tâm huyết và lòng yêu nghề của một nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ tư trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc, ông đã cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế khôi phục được nhiều bài bản đặc sắc của âm nhạc cung đình Việt Nam và đem đi biểu diễn ở hơn chục nước trên thế giới.

Mái nhà chung của những nghệ sĩ giàu tâm huyết

Biểu diễn nhã nhạc tại Nhật Bản

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông bà, cha mẹ đều là những nghệ sĩ hát tuồng và nhạc công trong các dàn đại nhạc, nhã nhạc cung đình, đạo diễn Trương Tuấn Hải sớm có niềm đam mê đối với bộ môn âm nhạc này. Từ nhỏ, ông đã được các nghệ sĩ trong gia đình dạy học hát, học múa và đánh trống.

Năm 9 tuổi, ông đã lên sân khấu để đảm nhận những vai diễn nhỏ trong các vở tuồng. Cũng chính diễn viên “nhí” ấy được giao việc ngồi xích lô dạo quanh các con đường của cố đô Huế để quảng cáo cho những buổi biểu diễn đặc sắc hằng đêm. Có lẽ, những điều đó là chất keo gắn kết người nghệ sĩ này với âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Năm 1994, khi Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quyết định thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, đạo diễn Trương Tuấn Hải cùng các nghệ sĩ khác đã sưu tầm và phục dựng trên 40 bài nhạc lễ, xây dựng nhiều tiết mục múa cung đình đặc sắc như Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi... Bên cạnh đó còn có các trích đoạn tuồng cung đình tiêu biểu như Sơn hậu, Tam nữ đồ vương, Quần phương tập khánh

Những tiết mục này được các nghệ sĩ biểu diễn thường xuyên, chủ yếu để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay, nhà hát có bốn suất diễn mỗi ngày và thu hút hàng chục ngàn lượt người xem mỗi năm. Không dừng lại ở đó, âm nhạc cung đình Việt Nam đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để đến các nước như Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Giới thiệu tinh hoa dân tộc ra thế giới

Đạo diễn sân khấu Trương Tuấn Hải

Đạo diễn Trương Tuấn Hải cho biết: “Nhã nhạc cung đình Huế khi ra nước ngoài không chỉ để biểu diễn phục vụ các hoàng tộc, các nhà lãnh đạo cấp cao hoặc giới nghiên cứu, mà còn đến với đông đảo công chúng của nước bạn. Đó là những lần đoàn chúng tôi sang Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc tham gia các lễ hội truyền thống hoặc những cuộc triển lãm văn hóa của họ.

Ở đó, mỗi đoàn có một khu vực riêng để trình diễn nghệ thuật truyền thống của nước mình. Đa số khán giả trong các sự kiện này là những người dân bình thường. Dù biểu diễn cho thành phần nào, nhã nhạc cung đình Huế cũng luôn được ca ngợi và đón nhận nồng nhiệt”.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nhạc công của dàn nhạc cung đình Huế nói riêng cũng như nghệ sĩ âm nhạc truyền thống nói chung chưa được quý trọng và tôn vinh xứng đáng như người Nhật quý trọng các nghệ sĩ Kịch Nô, người Trung Quốc quý trọng các nghệ sĩ Kinh Kịch...

Ông tâm sự: “Có đi ra nước ngoài mới thấy thương các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Thu nhập của các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống ở các nước bạn rất cao, chúng ta không thể so sánh được, nhưng nếu quá đặt nặng vấn đề tiền bạc thì khó lòng theo đuổi được nghề này. Các nghệ sĩ âm nhạc cung đình hiện nay đa số xuất thân từ các gia đình có truyền thống hoặc được các nghệ nhân tên tuổi như cụ Trần Kích, cụ Lữ Hữu Thi, cụ Nguyễn Kế… truyền nghề nên có mối gắn bó rất sâu nặng với bộ môn này”.

Biểu diễn âm nhạc cung đình Huế tại Pháp năm 2004

Giữ vai trò giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, đạo diễn Trương Tuấn Hải cho rằng ông khá may mắn khi vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà quản lý. Là nghệ sĩ, khi tham gia tập dượt, biểu diễn với các đồng nghiệp, ông mới hiểu được đời sống và nắm bắt được tâm tư, tình cảm của họ. Còn ở vị trí của một nhà quản lý, ông có điều kiện để thực hiện những hoạt động cần thiết nhằm giữ gìn và phát triển bộ môn âm nhạc truyền thống này của dân tộc.

Cho đến nay, dù Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế đã khôi phục, dàn dựng và biểu diễn được nhiều bài bản đặc sắc của nhã nhạc, ca múa và tuồng cung đình nhưng so với lịch sử hàng trăm năm của bộ môn nghệ thuật này, đó chỉ mới là bước khởi đầu và cần sự nỗ lực của nhiều thế hệ tiếp theo.

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>