Theo kế hoạch, UBND TP Huế sẽ triển khai các nội dung cụ thể để xây dựng hồ sơ, như: Thành lập Tổ công tác xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực của TP Huế; tổ chức xây dựng hồ sơ với các bước khảo sát, thu thập số liệu và mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài để xây dựng báo cáo đánh giá về lĩnh vực được lựa chọn (ẩm thực) và tư vấn xây dựng hồ sơ.
Cùng với đó là tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế và hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, có 2 cuộc tọa đàm và 1 hội thảo chuyên đề, dự kiến tổ chức trong tháng 8 và tháng 9/2024 và tổ chức hội thảo Quốc tế với chủ đề “Huế - Hướng tới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Ẩm thực” vào cuối năm nay.
Sau khi nộp hồ sơ, TP Huế cũng sẽ triển khai các hoạt động xuất bản các ấn phẩm, sách, phim tư liệu giới thiệu về tiềm năng của TP Huế trong lĩnh vực ẩm thực. Tổ chức các không gian ẩm thực, các hoạt động trình diễn, chế biến món ăn dân gian và cung đình để góp phần quảng bá tiềm năng của Huế trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực.
Nhiều ý kiến đánh giá Huế là địa phương có tiềm năng và thế mạnh tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực ẩm thực. Lâu nay, Huế vẫn được coi là “kinh đô ẩm thực Việt” với những món ngon đậm chất cung đình, được trang trí rất kì công đẹp mắt. Món ăn Huế có hương vị rất đậm đà, rất riêng, bởi người Huế coi món ăn như triết lý nhân sinh của cuộc đời.
Với hơn 1.700 món ăn từ cung đình đến dân gian, ẩm thực Huế chính là sự giao thoa của nhiều vùng miền, kết tinh và lan tỏa của các miền văn hóa. Sự phong phú trong ẩm thực Huế chính bởi các món ăn vừa sang trọng, cao lương mỹ vị, vừa có món mộc mạc, chân quê mà ai đến Huế chỉ thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời từ năm 2004, với 7 lĩnh vực: Thiết kế, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc, điện ảnh, thủ công và nghệ thuật dân gian. Đến nay, đã có hơn 350 thành phố của hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia.
Tới nay, sau Hà Nội - năm 2019 về lĩnh vực thiết kế, Việt Nam đã có thêm 2 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo UNESCO, gồm: Hội An (tỉnh Quảng Nam) với lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với lĩnh vực âm nhạc, cùng được công nhận vào tháng 10/2023.
Được biết, theo lộ trình từ nay đến năm 2030, cứ 2 năm sẽ có tối đa 2 thành phố của Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4 - 6 thành phố được công nhận là thành phố sáng tạo UNESCO.