Tăng gấp 3 lần sau 30 năm
Bệnh ung thư thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành y tế và toàn xã hội. Theo cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế - Globocan với số liệu mới nhất là Globocan 2022 (công bố vào năm 2023), có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới, tăng so với 18 triệu ca năm 2020.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm, bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Globocan 2022 công bố tỷ lệ mắc mới ung thư nước ta xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Việt Nam có hơn 350.000 người sống chung với ung thư. Tại một nghiên cứu của BVTW Huế về các ung thư vùng đầu - cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.
Theo một khảo sát mới đây của Hội Ung thư Việt Nam, 5 loại ung thư đang dẫn đầu là vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng. Riêng ung thư vú có thể phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao hơn 4 loại còn lại. Ở nam giới, số ca mắc ung thư gan dẫn đầu; ở nữ giới, số ca mắc ung thư vú cao nhất rồi mới đến các loại ung thư khác.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ người bị ung thư gan cao nhất; trong khi trước đây, số ca ung thư tử cung nhiều nhất, tiếp đến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày... Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân ung thư gan ở nam giới cao hơn nữ giới là do việc tiêu thụ nhiều rượu bia, thuốc lá, lối sống kém lành mạnh...
PGS.TS.BS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam lý giải có nhiều nhóm nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh này liên quan đến ăn uống, thói quen sinh hoạt, thói quen kiểm tra sức khỏe… Một số thể bệnh còn do gen, đây là nhìn nhận có cơ sở giúp cán bộ y tế phát hiện bệnh từ sớm. “Trong chương trình Phòng chống ung thư, Bộ Y tế giao các BV chuyên ngành cùng với Hội chú trọng tăng cường truyền thông để người dân nhận biết 10 bệnh ung thư thường gặp là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng, bệnh bạch cầu, ung thư tuyến tiền liệt, vòm họng, ung thư tuyến giáp", PGS Diệu nói.
Tiếp cận tiến bộ công nghệ
Điều trị ung thư là chuyên ngành áp dụng nhiều phương pháp: Phẫu thuật, xạ trị, điều trị miễn dịch… Sự phát triển của xã hội cùng những tiến bộ y học vượt bậc, việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã có những bước phát triển mới, nhiều thành tựu đáng khích lệ. Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư được chữa khỏi hoàn toàn. Điều đáng mừng là chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới. Bên cạnh đó, các BV tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư giúp người dân tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, nâng cao chất lượng điều trị.
Đốt sóng cao tần điều trị bướu giáp tại Trung tâm Ung bướu BVTW Huế
Tại BVTW Huế, bên cạnh đội ngũ nhân lực chất lượng cao, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, những liệu pháp và kỹ thuật điều trị tiên tiến. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư được điều trị trên cơ sở phối hợp đa chuyên khoa, thông qua sự đồng thuận hội chẩn từ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế để có được phác đồ điều trị tốt nhất.
Năm 2023, Trung tâm Ung bướu BVTW Huế tiếp đón, điều trị gần 18.400 lượt BN; công suất sử dụng giường bệnh đạt gần 85%. Đơn vị tiếp tục các kỹ thuật thế mạnh: Phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường vú, phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua đường miệng, tạo hình tuyến vú bằng vạt TRAM, phát triển kỹ thuật cắt tử cung, vét hạch chậu… Trong xạ trị đã ứng dụng các kỹ thuật xạ trị tiên tiến: Xạ trị điều biến liều-IMRT, xạ trị điều biến hình cung theo thể tích-VMAT, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh-IGRT, xạ phẫu định vị, xạ trị trong mổ-IORT… Các kỹ thuật mới được phát triển nâng cao chất lượng điều trị như đốt sóng cao tần điều trị bướu giáp kết hợp khoa Thăm dò chức năng; sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không; kết hợp khoa Bỏng tạo hình các khuyết hổng tầng sinh môn bằng vạt THẸN; đẩy mạnh điều trị sinh học…
“Đặc biệt, BVTW Huế là nơi duy nhất trong cả nước có xạ trị ung thư nhi. Muốn thực hiện được lĩnh vực này cần có sự phối hợp đồng bộ, đa mô thức trong hệ thống BV hoặc các BV với nhau”, GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam thông tin.
Rất nhiều bài nghiên cứu đề cập đến việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ung thư, trong đó có chăm sóc giảm nhẹ. “Trong điều kiện hiện nay, cần quan tâm đến nhiều góc độ. Tôi cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông để người bệnh không có tâm lý sợ hãi. Bệnh nhân phải hiểu, phối hợp, tin tưởng vào hệ thống y tế thì điều trị sẽ hiệu quả. Việc tham gia bảo hiểm y tế cũng góp phần giảm gánh nặng bởi điều trị ung thư thường lâu dài, tốn kém”, PGS.TS.BS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ quan điể.
Yoga cho nữ bệnh nhân, tạo niềm tin, động lực giúp họ chiến đấu với bệnh tật
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh là người có nhiều công sức trong xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư tại Việt Nam cho rằng, qua các hội thảo, ghi nhận và quản lý bệnh đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phòng chống ung thư. Ông nói về ung thư bằng góc nhìn nhẹ nhàng qua một tác phẩm đã xuất bản: “Y học ngày nay có mắt thần/ Nhìn sâu nhìn suốt thấy ung thư. Trong đó, ''mắt thần'' chính là các trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như MRI, CT, siêu âm, nội soi… giúp kết quả chẩn đoán chính xác. Ung thư biết sớm, trị lành/ Nếu mà để trễ, dễ thành nan y nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Đây cũng là khuyến cáo chuyên gia đầu ngành nhắc nhở người dân quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ, một biện pháp ngăn ngừa, phòng bệnh hiệu quả hiện nay.
Hội nghị thu hút 600 đại biểu về tham dự, trong đó có gần 40 chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế. Có hơn 190 báo cáo khoa học, bài giảng, thảo luận ca bệnh, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và điều hành các tổ chức phòng chống ung thư… được trình bày tại các phiên của hội nghị.