menu_open
Đến Cố đô những ngày đầu đông
Xem cỡ chữ:
Ở Huế có rất nhiều lăng tẩm - nơi an nghỉ ngàn năm của các vị vua triều Nguyễn. Mỗi lăng mang một vẻ đẹp khác nhau, thể hiện tính cách riêng của mỗi vị vua.

Huế những ngày đầu tháng 12 chào đón chúng tôi bằng những cơn mưa và cái lạnh run người. Chắc sẽ có người nghĩ rằng đi du lịch trong thời tiết như vậy là không bình thường, nhưng chính những cơn mưa và bầu trời lúc nào cũng xám xịt ấy làm chúng tôi cảm nhận rõ hơn cái nét buồn hoài cổ của một kinh thành xưa. Hãy tưởng tượng xem còn gì tuyệt vời hơn cầm ô đi dạo giữa những không gian xưa cũ của khu Đại nội, lăng Khải Định, lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ…, chạm tay vào những bức tường rêu phong nhuốm màu thời gian, nghe những câu chuyện của người xưa để rồi thấy mình như đang lạc vào một miền kí ức xa xăm nào đó.

Huế nổi tiếng với sông Hương, núi Ngự - những biểu tượng đã trở thành đề tài quen thuộc trong nhiều tác phẩm thơ ca. Sông Hương thơ mộng chia cắt thành phố Huế thành hai khu với những nét đặc thù khác nhau. Nếu như bên tả ngạn là một Huế năng động với những khu mua sắm hiện đại, khách sạn, trường đại học…thì bên hữu ngạn là những gì thuộc về kinh thành Phú Xuân xưa: khu Đại nội, lăng tẩm, chùa chiền. Và cây cầu Trường Tiền như một dấu gạch nối mềm mại giữa hiện đại và cổ xưa.



Nét trầm mặc của cố đô


Sau hành trình dài 8 giờ đồng hồ từ ga Quy Nhơn đến ga Huế, chúng tôi bắt taxi về khách sạn đã đặt phòng trước. Cảm nhận đầu tiên là anh quản lí cực kì thân thiện và dễ thương, phòng ốc thì sạch sẽ và tiện nghi. 8h sáng, sau khi thuê xe máy của khách sạn, việc đầu tiên chúng tôi làm là tìm quán bún bò Huế theo hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm - một người Huế chính gốc. Ngồi trong quán bún, nghe mưa rơi tí tách trên mái tôn, xoa hai bàn tay vào nhau để giảm bớt cái lạnh và cả bốn đứa cười òa thích thú khi phát hiện mình đang thở ra khói. Cái lạnh ấy như một thứ gia vị đặc biệt làm cho món bún bò Huế trứ danh đã ngon càng ngon hơn. Có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cái vị đậm đà của nước lèo, vị ngọt mềm của thịt bò và cả cái vị cay không lẫn vào đâu được của món ăn xứ Huế.



Món bún bò Huế trứ danh.


Đã đến Huế thì không thể không tham quan Đại nội và Tử Cấm Thành - nơi ở của hoàng gia nhà Nguyễn. Cảm giác lần đầu tiên khi được tận mắt nhìn thấy những cảnh vật mà mình đã từng bắt gặp rất nhiều lần qua sách báo quả thật rất tuyệt vời. Không gian rộng lớn bên trong khu Đại nội với rất nhiều cây xanh, hồ cá, vườn hoa, cầu đá làm nổi bật vẻ uy nghi trầm mặc của điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, điện Phụng Tiên…



Cửu Đỉnh trước thế miếu trong khu Đại Nội.

Một góc yên bình trong Tử Cấm Thành.


Ở Huế có rất nhiều lăng tẩm - nơi an nghỉ ngàn năm của các vị vua triều Nguyễn. Mỗi lăng mang một vẻ đẹp khác nhau, thể hiện tính cách riêng của mỗi vị vua. Nếu lăng Minh Mạng bề thế uy nghiêm, lăng Khải Định với lối kiến trúc tinh xảo thì lăng Tự Đức khoác lên mình vẻ đẹp thơ mộng thể hiện tâm hồn lãng mạn của vị vua thi sĩ này. Quang cảnh trong lăng tựa như một bức tranh hữu tình với hồ nước, cầu đá, rừng thông xanh ngát. Đi dạo giữa những hàng thông, ngắm nhìn những công trình rêu phong cổ kính, cảm nhận vẻ u tịch của không gian nơi đây làm lòng người thư thái nhẹ nhàng, trong phút chốc như quên hết tất cả những bộn bề của cuộc sống xô bồ, tấp nập.


Con đường thơ mộng trong lăng Tự Đức.

Những bậc thang nhuốm màu thời gian.

Phong cảnh hữu tình.


Một địa chỉ không thể bỏ qua ở Huế chính là chùa Thiên Mụ, hay còn gọi là chùa Linh Mụ - ngôi chùa cổ nhất xứ Huế. Đến đây ngắm nhìn tháp Phước Duyên lặng lẽ soi mình xuống dòng sông Hương, những bức tượng Phật uy nghiêm, nghe những câu chuyện kể về sự tích ngôi chùa, về đình Hương Nguyện, chiếc chuông Đại Hồng Chung với âm thanh ngân nga, thanh thoát gợi buồn,…chúng tôi đã hiểu thêm rất nhiều điều về thành phố thơ mộng êm đềm này.



Chùa Thiên Mụ - tháp Phước Duyên cổ kính…

...soi bóng bên dòng sông Hương thơ mộng.


Sau một ngày dài tham quan, tuyệt vời nhất lúc này là tìm một gánh hàng rong để thưởng thức một bát bánh canh Nam Phổ ấm nóng, ghé chợ Đông Ba ăn vài đĩa bánh nậm, bánh lọc hoặc tìm đến quán bánh khoái trên đường Nguyễn Du để cảm nhận cái tinh túy của ẩm thực Huế qua những món ăn tưởng chừng hết sức bình dân này.



Món bánh canh Nam Phổ nóng hổi làm ấm lòng du khách một buổi chiều mưa. Bánh canh Nam Phổ không bày hàng quán mà chỉ có những gánh hàng rong, bán kèm bánh nậm, bánh lọc.


Buổi tối là thời gian để dạo quanh khu phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên cầu Trường Tiền. Ở đây bày bán rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo với giá cả phải chăng, người bán nhiệt tình, niềm nở và rất thân thiện. Đi dạo một hồi, bốn đứa quyết định ghé quán chè hẻm đường Hùng Vương vốn ngon nổi tiếng nơi đây, ăn xong mới biết quả là danh bất hư truyền.

10h đêm, chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi và háo hức chờ đón ngày mới để khám phá những nhà vườn cổ, ghé thăm thôn Vĩ Dạ và thưởng thức món cơm hến trứ danh.

Kể sao cho hết những điều thú vị, hấp dẫn nơi đất kinh kì này. Hãy xách ba lô lên, tự mình trải nghiệm và cảm nhận nhé!