menu_open
Lễ hội vật làng Sình
Xem cỡ chữ:
Hội Vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là hoạt động mang đậm tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ…
Địa chỉ: Đình làng Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế
Thời gian hoạt động: Mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch)
Giới thiệu:

Hằng năm cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch, người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thừa Thiên lại giong trống mở cờ, đến hẹn lại lên tổ chức Hội Vật làng Sình. Hội Vật làng Sình là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy suốt mấy trăm năm qua kể từ thời chúa Nguyễn.

Hội vật được diễn ra tại Lại Ân hay còn gọi là làng Sình. Đây là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình (rước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài), nay là xã Phú Mẫu huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Sình cũng là địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống vật võ.

Lịch sử hình thành:

Hội vật làng Sình truyền thống đã có lịch sử hơn 200 năm và phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật này khác hẳn với hội vật ở các làng quê khác bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ.

Thuở xa xưa, làng Sình chỉ là bãi đất bồi của 3 nhánh sông hợp lại. Nơi đây địa thế bằng phẳng, rộng rãi nên được các chúa Nguyễn trưng dụng làm nơi luyện tập võ thuật của quân lính triều đình. Khi quan quân triều đình chúa Nguyễn về nơi đây luyện tập võ công, làng Sình có một trang thiếu niên vì say mê với những chiêu đấu vật của các võ tướng nên đã đi theo tòng quân.

Trải qua nhiều trận mạc, chiến tranh kết thúc, trang thiếu niên này trở về làng lập gia đình rồi sau này bày ra hình thức đấu vật cho con cháu trong nhà cùng luyện tập nâng cao sức khỏe. Người này sau này được làng tôn lên làm ông tổ môn vật.

Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng và ăn sâu vào máu của mỗi người dân ở làng Sình. Hội vật còn là một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, là điểm du lịch lý thú cho du khách để cứ mỗi độ xuân về.

Nét đặc trưng:

Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh truyền thống còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ. Kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ. Hội vật cũng nhằm mục đích lưu giữ truyền thống vật võ - Một sinh hoạt văn hoá đặc trưng của người Việt với niềm mong ước cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người.

Nét đặc trưng của hội Vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng. Qua đó cũng thể hiện tinh thần đồng đội ở các địa phương cũng như là dịp để đô vật rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức chờ đầu xuân tham dự, tranh tài. Về phần thưởng, ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn trao thưởng cho tất cả những đô vật tham gia tranh tài.

Hội vật làng Sình bao gồm: phần Lễ và phần Hội

1. Phần lễ

Từ sáng sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng, tiếng trống rộn rã, băng rôn và cờ hoa rực rỡ đầy màu sắc. Người xem người dự nô nức, chen lấn tạo nên sức nóng của ngày hội. Hội vật làng Sình có hai phần: phần lễ và phần hội và chỉ diễn ra trong một ngày. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu.

Ngoài sức khoẻ, các đô vật còn phải có kỹ thuật, nhanh nhạy mới mong giành được thắng lợi - Ảnh: Sưu tầm

2. Phần Hội

Các đô vật dự đấu không nhất thiết là người địa phương, bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Võ đài là sới vật bằng đất bột, mỗi bề rộng khoảng bốn năm sải tay, cao hơn một mét, bốn bề có giăng dây bảo vệ. Người điều khiển đô vật mặc áo dài khăn đen, điều khiển trận vật bằng cường độ trống.

Trọng tài là người am hiểu luật, nhạy bén và kiên quyết. Các đô vật mặc quần và quấn thêm một cán ngang lưng. Trước khi vào thi đấu chính thức, các đô vật sẽ hướng vào tổ đình và quỳ xuống vái lạy 3 lạy theo hiệu lệnh của tiếng trống. Đây cũng là nét khác biệt của vật làng Sình và hội vật các nơi trên cả nước.

Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Luật quy định: phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng” đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng.

Cũng vì rất chú trọng tinh thần thượng võ nên tại hội vật những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… là hoàn toàn cấm. Các đô vật sẽ được phân thành nhóm lứa tuổi, cứ đô vật nào thắng 3 trận sẽ được vào vòng bán kết. Vượt qua vòng bán kết mới được vào vòng chung kết.

Tinh thần đồng đội ở các địa phương rất quan trọng, một đô của làng nào bị thua tức khắc có đô khác lên tiếp sức. Các đô vật giải nhất được nhận cau, trầu, rượu, đầu heo cùng cờ, huy chương và tiền thưởng.

Sau này, hội tuỳ số đô vật lọt vào vòng hai mà quy định thể lệ, thông thường là loại trực tiếp. Với vật võ thì ngoài sức khoẻ, các đô vật còn phải có kỹ thuật, nhanh nhạy mới mong giành được thắng lợi. Vật có nhiều miếng đẹp mắt, quyết liệt thường được các đô sử dụng là xốc nách, vạch sườn, miếng bò, miếng háng (thò tay vào háng rồi lựa thế tấn công) nâng đối thủ vật ngã bổng, miếng bành (xốc nách bế ngửa), miếng táng (nâng đối thủ lên)...

Một đô vật được ngưỡng mộ thường có tay chân cân đối. Chân mạnh để trụ vững, tay mạnh để vật ngã đối phương. Nhưng to chưa hẳn đã mạnh, mạnh chưa hẳn đã thắng. Vì thế cần phải nhanh, kiên trì và mưu trí thì mới nhìn ra được sơ hở của đối phương, chớp lấy thời cơ vàng trước mắt.

Cùng với Sới vật chính, đêm hôm trước và suốt ngày hội, khắp nơi trong làng các quán hàng ăn: bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bán bột lọc, cháo lòng, bánh canh, chè… các gian trò chơi thu hút đông đảo khách chơi xuân. Cho đến khi tắt nắng, cuộc vui mới chịu dừng. Và, hôm sau mọi việc trở lại nhịp đời thường. Một năm làm lụng mới lại bắt đầu.

Làng Sình hôm nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng không gian văn hoá xưa vẫn còn lưu lại những dấu ấn rất rõ nét về một vùng đất thượng võ. Đó như là những minh chứng cho một giá trị văn hóa trường tồn của người dân làng Sình. Đây cũng chính là điều ấn tượng còn lại trong lòng du khách khi đặt chân đến với mảnh đất thân thương này./.

Video Youtube:
Bản đồ:
Khám phá Huế tổng hợp