menu_open
Nghề truyền thống bánh tét, bánh chưng Phú Dương
Xem cỡ chữ:
Ngày 10/8/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 1916/QĐ-UBND về việc công nhận Nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương, xã Phú Dương, thành phố Huế là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.
Địa chỉ: xã Phú Dương, thành phố Huế
Tình trạng: Được công nhận là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022
Giới thiệu:

Được hưởng đặc ân của phù sa sông Phổ Lợi, từ xưa, làng Dương Nổ (xã Phú Dương, thành phố Huế) đã nổi tiếng với nguyên liệu nếp thơm, gần chục mẫu đất trong làng được “quy hoạch” cho dân làng lấy nếp làm nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét trong ngày tết.

Trải qua thời gian, diện tích đất trồng nếp thơm trên nay không còn nhiều nhưng cũng đủ tạo nên thương hiệu bánh Dương Nỗ. Bánh tét, chưng xã Phú Dương không những sắc sảo từ hình thức mà còn rất thơm mùi nếp mới, những hạt nếp thấm đượm mồ hôi do chính tay bà con nơi đây cày cấy nên. 

Lịch sử hình thành:

Nghề bánh tét, bánh chưng xã Phú Dương xuất hiện từ hàng trăm năm trước và đang tiếp tục phát triển đến ngày nay.

Hiện, trên địa bàn xã có 18 hộ thường xuyên gói bánh tét, bánh chưng với số lượng lao động tham gia trên 100 người. Có hơn 50 hộ sản xuất, kinh doanh nghề bánh tét, bánh chưng không thường xuyên, chủ yếu sản xuất để cung cấp trên địa bàn toàn tỉnh và các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt trong những dịp lễ, tết, số lượng lao động hằng ngày tại các hộ gia đình lên đến hơn 700 người/ngày. 


UBND xã Phú Dương đón nhận bằng công nhận Nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 10/8/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 1916/QĐ-UBND về việc công nhận Nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương, xã Phú Dương, thành phố Huế là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nét đặc trưng:

Để “ra lò” các loại bánh tét, bánh chưng theo phương thức bí truyền của Dương Nỗ, từ khâu chọn nếp đến khâu tạo nhân bánh đều hết sức quan trọng, được chọn lọc kỹ lưỡng. Lá chuối sứ được rửa nhiều lần, đến khi nào nước trong thì thôi. Sau đó được “tráng” qua nước ấm một lần nữa để loại bỏ các tạp chất. Tùy vào thời tiết mà lớp lá chuối sứ dùng gói bánh được dùng nhiều hay ít để giữ được bánh lâu hỏng. Nếp thơm sau khi vo sạch sẽ trộn với ít muối, muối giữ bánh không ôi thiu.

Ngoài ra, khi gói bánh, “nghệ nhân” cũng không quên cho thêm nước lá bồ ngót, giúp nếp khi nấu mau chín, dẻo hơn. Cũng nhờ đó khi nấu chín, bánh có màu xanh đọt chuối trông rất “tươi”. Đặc biệt khi gói bánh, người gói phải cột dây lạt vừa đủ độ chặt. Nếu không, khi nấu nước thấm vào bánh sẽ nhanh hỏng. Công đoạn nấu, canh lửa đúng chừng mực cũng không kém phần quan trọng. Củi để nấu bánh là những cây lớn, đặc nhằm duy trì nền nhiệt được lâu. Nếu nước không sấp mặt bánh, lửa cháy không đều nếp sẽ sượng coi như mẻ bánh đã hỏng. Người làm bánh ở Dương Nỗ thường dùng lá chuối sứ dư “nêm” dưới và hai bên nồi để khi nấu bánh không bị cháy, chín đều nên thơm và dẻo hơn…

Tất cả những bí quyết nấu bánh của người dân Dương Nỗ được đúc rút từ những kinh nghiệm truyền đời. Nó thể hiện tính cách bền bỉ, cần mẫn của người dân quanh năm gắn với ruộng đồng.

Giá trị của Di sản ẩm thực:

Bánh tét, bánh chưng xã Phú Dương không những sắc sảo từ hình thức mà còn rất thơm mùi nếp mới, những hạt nếp do chính tay bà con nơi đây cày cấy nên. Lá chuối sứ, dây lạt, nhân đậu xanh… để làm bánh cũng là những nguyên vật liệu có sẵn trong làng.

Với thương hiệu đó, Bánh tét, bánh chưng xã Phú Dương đã có mặt ở nhiều địa phương trong ngoài tỉnh. Việc duy trì nghề làm bánh không chỉ lưu giữ được nét văn hóa truyền thống mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương những lúc nông nhàn. Chính vì vậy mà nghề làm bánh tét, bánh chưng ở đây được truyền từ đời này sang đời khác.
 

Bản đồ: