menu_open
Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh
11/11/2024 5:10:56 CH
Xem cỡ chữ:
 Tác phẩm được trưng bày trong không gian nghệ thuật Nguyen Van He’s Art Barracks
Nguyen Van He’s Art Barracks vừa là không gian sáng tác, vừa là tổ ấm của gia đình nghệ sĩ sinh hoạt hàng ngày. Cũng chính nơi này, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè – chủ nhân của không gian đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trên nền chất liệu do anh sưu tập được từ tàn tích của chiến tranh.
 Tác phẩm được trưng bày trong không gian nghệ thuật Nguyen Van He’s Art Barracks

Không gian nghệ thuật Nguyen Van He’s Art Barracks của nghệ sĩ đương đại Nguyễn Văn Hè nằm ở làng Kim Sơn (xã Thủy Bằng, TP. Huế) đã chính thức mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng thức các tác phẩm vào tối 6/11.

Không gian này rộng hơn 1.300m2, bao gồm không gian nhà và nhà xưởng được Nguyễn Văn Hè sử dụng 4 chất liệu để tạo nên gồm tấm ri nhôm, cọc sắt, tôn hạt mè và ván ép Mỹ.

Ở buổi ra mắt không gian này, Nguyễn Văn Hè đã giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật hàng chục tác phẩm từ sắp đặt, điêu khắc, tranh và phác thảo của anh từ năm 2014 đến nay.

Trong đó đáng chú ý là loạt các tác phẩm về chủ đề “Xếp máy bay” và “Trò chơi”. Đây là những tác phẩm được thai nghén từ dòng ký ức của một người nghệ sĩ sinh ra và lớn lên giữa chiến khu Hòa Mỹ. Khi gấp máy bay giấy cho con, tác giả chợt nhớ về tuổi thơ – nơi những trò chơi đơn sơ đã hòa cùng nỗi đau thể xác và tinh thần, do những cuộc đào xới, dò mìn hậu chiến để kiếm sống gây nên. Với lòng kiên trì, Nguyễn Văn Hè đã thu nhặt từng mảnh vụn, từng nỗi đau còn lại trên mảnh đất bi thương này để biến chúng thành linh hồn, thành chất liệu cho tác phẩm.

Ở đó người xem còn thấy được những tấm ván ép từ thời chiến tranh được Hè mài nhẵn, cắt gọt và tạo hình thành từng nếp gấp như những tờ giấy vụng về, hình thành nên một ngôn ngữ hội họa mới giữa không gian ba chiều. Dấu tích chiến tranh như ngưng đọng trong từng vệt sơn son, đường nét vàng dưới lớp sơn nâu, ánh kim từ thếp bạc hay những mảng màu loang lổ của sơn then, như mùi dầu của cổ máy ẩn hiện trong từng thớ gỗ quân đội. Qua đó, nghệ sĩ truyền tải một thông điệp: Đi kèm với những tổn thất vật lý của chiến tranh là sự mất mát vĩnh viễn của một tuổi thơ hồn nhiên.


 Đông đảo công chúng, người yêu nghệ thuật đến với không gian nghệ thuật Nguyen Van He’s Art Barracks

Đề tài gia đình là một những dấu ấn, điểm nhấn trong thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè được công chúng đón nhận trong dịp trưng bày lần này. Một loạt các tác phẩm được anh vẽ từ giai đoạn năm 2016 – 2022 xoay quanh về vợ và hai người con thân yêu của anh. Đó là những khoảnh khắc và cảm xúc chân thành của đời sống gia đình. Nơi đó, người xem sẽ chậm lại khi được chứng kiến những bức chân dung của các con mang nét đẹp giản dị, nhưng đong đầy tình cảm của người cha dành cho gia đình; chân dung của vợ mang cảm giác gần gũi, tôn vinh và trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ quan trọng nhất.

Nguyễn Văn Hè tâm niệm, với anh, ngôi nhà không chỉ là nơi sống mà còn là không gian nghệ thuật, nơi anh vun đắp và thể hiện tình yêu với vợ con qua từng nét vẽ, tạo dựng một tổ ấm giản dị và đong đầy tình cảm.

Nguyễn Văn Hè (43 tuổi), tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, là một nghệ sĩ đương đại. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hậu chiến, anh thể hiện mối quan tâm sâu sắc với các ký ức và các tàn dư của thời chiến và luôn truy vấn các cảm xúc, suy tư của thế hệ tiếp nối về vòng luân hồi của các xung đột và chiến tranh. Với chủ đề này, thực hành của anh trải dài từ hội họa, điêu khắc, trình diễn tới sắp đặt; anh kiên trì thu thập các mảnh vỡ, phế liệu từ chiến khu quân đội hay các khu tàn tích địa phương.

Trong khoảng thời gian từ 2009 tới 2013, anh thường xuyên tham gia thể nghiệm cùng các nghệ sỹ hàng đầu ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, và mở rộng thực hành với những nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam hoặc khi có cơ hội ra nước ngoài. Với anh, việc sáng tạo trên nhiều loại hình và chất liệu nghệ thuật là một cuộc dạo chơi, nơi anh tìm kiếm cách thức biểu đạt tốt nhất cho ý tưởng của mình.

N. MINH