Với “cốt cách” cao sang là thế, nhưng đến nay Hoàng mai Huế vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, trong khi loài hoa này xứng đáng trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch; một sản phẩm chủ lực đặc trưng của địa phương và hơn nữa là hướng đến một biểu tượng Mai vàng của Việt Nam. Đó cũng là những trăn trở của các ngành, địa phương, nghệ nhân, chủ các vườn Hoàng mai Huế để làm sao có các giải pháp bảo tồn, phát triển loài hoa này một cách tương xứng nhất.
Từ bao đời nay, trong muôn vàn bông hoa, Hoàng mai Huế vẫn là loài hoa được ưa chuộng nhất, một biểu tượng sắc xuân không thể nào thiếu trong đời sống thường nhật của người dân xứ Huế mỗi dịp tết đến xuân về. Hoàng mai Huế có lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, có mùi thơm dịu nhẹ, được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, cửa ngõ, sân nhà người dân,.... Hình tượng hoa mai kết hợp với kiến trúc tạo nên một khí chất sinh động qua các nhân tố tạo hình. Từ trang trí chạm khắc ở kiến trúc cung đình đến các mảng chạm, phù điêu tư gia khiến hoa mai mang một nét đẹp sâu sắc. Hơn nữa, Hoàng mai Huế không chỉ ghi dấu ấn trong văn hóa lễ hội mỗi độ tết đến xuân về, mà còn được khẳng định thương hiệu bởi những giá trị nghệ thuật bonsai tạo nên từ những bàn tay khéo léo của nghệ nhân, từ đó giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế được nâng cao cho những người trồng mai.
Tuy nhiên điều đáng lo ngại hiện nay là tiềm năng, giá trị của Hoàng mai Huế vẫn chưa phát huy tương xứng, giống Hoàng mai Huế bị lai tạp khá nhiều, việc nhân giống còn theo thói quen đơn lẻ, tự phát; chưa có nhiều nghiên cứu về Hoàng mai Huế mang tính chuyên sâu, khép kín theo chuỗi; việc trồng mai, “chơi mai” chưa có quy mô, hệ thống; chưa tận dụng tốt tiềm năng ngành kinh tế sinh thái hoa - cây cảnh để tạo nên một thương hiệu tầm cỡ như Hà Lan - xứ sở hoa Tulip; Nhật Bản - xứ sở hoa Anh Đào; Bulgaria - xứ sở hoa Hồng,... Bên cạnh đó, loài hoa quý này chưa được nghiên cứu bài bản về đặc tính sinh thái, bảo tồn nguồn gen và các giải pháp để phát triển Hoàng mai Huế trở thành một sản phẩm đặc trưng độc đáo của vùng đất Cố đô, mặc dù là một loài hoa quý, nổi tiếng nhưng chưa được nghiên cứu để nâng tầm phát triển thương hiệu thành một biểu tượng, một sản phẩm văn hóa, du lịch, một sản phẩm chủ lực của địa phương cũng như xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.
Người dân Huế thích thú với vườn Hoàng mai Huế trước Đại nội (Ảnh: Sưu tầm)
Với quyết tâm khôi phục và phát triển Hoàng mai Huế, dưới sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự chung tay của các ngành, sự hưởng ứng của đông đảo người dân, phong trào “Mai vàng trước ngõ” bước đầu đã đem lại nhiều hiệu ứng, kết quả tích cực, điển hình với hình ảnh lung linh, sang trọng, rực rỡ, thu hút người dân và du khách mỗi khi tết đến xuân về của hai vườn mai trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn; hay tại cơ quan, đơn vị, nhà dân,... trồng mai vàng trước ngõ ngày càng nhiều.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển tiềm năng tài nguyên bản địa của một loài sinh vật cảnh nổi tiếng, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 26/4/2021 phê duyệt Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, Dự án đã xây dựng và bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế tại Việt Nam với số văn bằng 00134 cấp ngày 18/01/2024 theo Quyết định số 10/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hoàng mai Huế” cho 100 tổ chức, cá nhân thuộc hội viên Hội Hoàng mai Huế đáp ứng các tiêu chí theo quy định.
Với nỗ lực cao “làm sao phát triển được những giá trị vốn có của Hoàng mai Huế”, đánh giá được tiềm năng phát triển của Hoàng mai Huế; phát huy, khai thác giá trị văn hóa - kinh tế của Hoàng mai Huế, đưa các sản phẩm từ cây Hoàng mai Huế trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, hỗ trợ các hoạt động phát triển giống cây và các sản phẩm Hoàng mai Huế thành sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội ở địa phương và các tỉnh duyên hải miền Trung - hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam,... Đó là những vấn đề cần có những giải pháp sớm triển khai, cũng là những mục tiêu đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm Hoàng mai Huế thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức vào ngày 07/12/2024.
TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh sáu vấn đề trong việc bảo tồn phát triển Hoàng mai Huế. Một là, cần khẳng định tiềm năng to lớn của một loài hoa quý, đây không chỉ là một loài hoa quý, mà giá trị hơn là biểu tượng của một vùng đất, của một nền văn hóa truyền thống, vừa có giá trị văn hóa du lịch, tâm linh và giá trị kinh tế - xã hội to lớn. Chúng ta cần đánh giá được tiềm năng phát triển của Hoàng mai Huế, từ đó phát huy, khai thác giá trị văn hóa - kinh tế của Hoàng mai Huế, đề xuất các giải pháp đưa các sản phẩm từ cây Hoàng mai Huế trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hai là, để phát triển Hoàng mai Huế đúng tầm, giải pháp nào để bảo tồn cây giống, giải pháp nào để thống nhất việc nhân giống, quy trình trồng, chăm sóc Hoàng mai Huế nhằm mang lại các sản phẩm có giá trị cao. Nên chăng cần xây dựng kế hoạch xác định, chọn lọc và bảo tồn một số cây đầu dòng Hoàng mai Huế, xây dựng các vườn mai giống đảm bảo đủ cung ứng cho phát triển quy mô thương mại. Giải pháp nào để bảo tồn các giống Hoàng mai Huế, trong đó lựa chọn giống mai gốc Huế để phát triển, nhân rộng. Ba là, việc quy hoạch vùng trồng mai, quy hoạch sử dụng đất để phát triển các vườn mai, phát triển không gian trồng như công viên, tuyến phố, đường mai, rừng mai cảnh quan; Quy hoạch các khu vực để triển lãm trưng bày mai cảnh, các khu vực kết hợp trưng bày, kinh doanh, triển lãm Hoàng mai Huế,... cần những giải pháp nào tạo môi trường thuận lợi cho các nghệ nhân, các chủ vườn mai nâng tầm thương hiệu. Bốn là, làm sao để các vườn mai khoe sắc, khơi dậy niềm đam mê của các nghệ nhân, niềm đam mê khởi nghiệp từ loài hoa quý, chúng ta cần sự đồng hành của các doanh nghiệp, cần nghe đề xuất các giải pháp về mô hình sản xuất, cung cấp giống Hoàng mai Huế đáp ứng nhu cầu trồng mai ở địa phương hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Hay cần thiết có những mô hình sản xuất giống, trồng, chăm sóc làm mô hình điểm để nhân rộng. Năm là, cần hỗ trợ phát triển Hội Hoàng mai Huế - nơi quy tụ các nghệ nhân, những người yêu thích “chơi mai” trên toàn tỉnh, là nơi để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp phát triển Hoàng mai Huế, là cầu nối giữa nhà khoa học, chính quyền, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy phát triển, quảng bá các hoạt động liên quan đến Hoàng mai Huế. Đây cũng là nơi bàn những giải pháp để phát triển Hội Hoàng mai Huế, liên kết, mở rộng giao lưu, hợp tác với các Hội Mai vàng Bình Định, Yên Tử tạo kết nối Mai vàng giữa ba miền Bắc - Trung - Nam nhằm lan tỏa Mai vàng Huế trên khắp mọi miền đất nước. Sáu là, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, đây được xem là công cụ, giải pháp không thể thiếu trong định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Tiếp tục vận động, tuyên truyền phong trào “Mai vàng trước ngõ”, từ đó trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình “Huế - Thành phố bốn mùa hoa”. Kết hợp tuyên truyền, quảng bá Hoàng mai Huế thông qua việc tổ chức các Cuộc thi, triển lãm nghệ thuật bonsai Mai vàng Huế; tổ chức các Lễ hội Hoàng mai Huế vào dịp tết Nguyên Đán hướng đến tổ chức Lễ hội Festival Hoàng mai hằng năm.
Được biết, để tuyên truyền quảng bá, trưng bày, giới thiệu các tác phẩm Hoàng mai Huế nhằm tôn vinh, quảng bá, lan tỏa những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, kinh tế và thương hiệu Hoàng mai Huế, từ năm 2022 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế,.. tổ chức 02 Lễ hội Hoàng mai Huế với các hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm Hoàng mai Huế, các Cuộc thi “Hoàng mai Huế - Tuyệt tác mùa xuân”,.... Và dự kiến chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ hội Hoàng mai Huế lần thứ III trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Phước Nhân - Trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình bày tham luận với nội dung “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế”. Ông Lê Đoàn Tấn Phát - Phó Chủ tịch Hội Hoàng mai Huế cũng đã chia sẻ thêm về vai trò của Hội Hoàng mai Huế trong việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hoàng mai Huế”. Nhiều đại biểu, đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương, các chuyên gia, nghệ nhân, chủ các vườn Hoàng mai Huế đã mạnh dạn chia sẻ, thảo luận những vấn đề cần quan tâm, đề xuất nhiều giải pháp hay, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc đưa Hoàng mai Huế trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương và là biểu tượng Mai vàng của Việt Nam.
Có thể thấy rằng, việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam là một việc làm lâu dài, kiên trì, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực đó sẽ tiếp tục mở ra những hướng đi mới nhằm thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”, đưa Hoàng mai Huế trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.