Khai mạc: 16h ngày 28 tháng 4 năm 2015
Địa điểm: Sân Điện Cần Chánh- Đại Nội Huế
Đơn vị tổ chức: Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố đô Huế
Đồng tác giả thực hiện:
- Nhà Nghiên cứu NGUYỄN HỮU THÔNG và Phân viện VHNT Việt nam tại Huế- (VICAS Huế)
- Họa Sỹ PHAN HẢI BẰNG và Dự án Nghệ thuật TRÚC CHỈ Việt nam- Huế
Chủ đề:
- Dự án “Đồng Vọng” được xây dựng trên cơ sở hệ thống hoa văn, họa tiết của mỹ thuật thời các Chúa Nguyễn …là kết quả nghiên cứu “Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông và cộng sự thuộc Phân viện Nghiên cứu VHNT Việt nam tại Huế.
Mô tả:
- Dự án “Đồng Vọng” bao gồm từ 50 bức Đồ họa TRÚC CHỈ khổ lớn (~80x190cm) được sắp đặt ngoài trời, trong khuôn viên sân Điện Cần Chánh, theo cấu trúc ứng biến từ cấu trúc la thành lăng thời Chúa Nguyễn, hài hòa với cảnh quan thực tế, nhằm khai thác hiệu ứng ánh sáng tự nhiên (có thể được hỗ trợ bởi ánh sáng nhân tạo ở thời điểm chiều tối) cho đặc tính hình chìm trên TRÚC CHỈ, kết hợp yếu tố ngoại cảnh: thiên nhiên, kiến trúc cung đình… như một sự đối thoại hỗ tương giữa tác phẩm nghệ thuật-kết quả sáng tạo của con người với tự nhiên: ánh sáng, cây, cỏ…
Triển lãm lần này bao gồm 50 Bức Đồ họa Trúc Chỉ ứng biến theo 5 chủ đề của công trình “Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn”: Tổng quát, Lăng, Bia, Mộ, Trang trí Mỹ thuật. các hoa văn, hình ảnh, đồ hình đặc trưng của các chủ đề sẽ được xử lý và sắp xếp vào bố cục trên các bức Đồ họa Trúc Chỉ trở thành các tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ còn là những tư liệu đơn thuần nữa, tiếp đó được trưng bày với hình thức nghệ thuật sắp đặt.
Đây là bước đầu tiên của dự án, “Đồng vọng” sẽ vẫn được tiếp tục phát triển theo các chủ đề nói trên, sẵn sàng cho các triển lãm tiếp theo, nhằm thể hiện hết tinh thần của dấu ấn Mỹ thuật thời các Chúa Nguyễn với sự chuyển hóa từ tư liệu nghiên cứu thành nghệ thuật thị giác và nghệ thuật Trúc Chỉ.
|
|
Ý nghĩa:
- Những giá trị văn hóa truyền thống- đại diện là dấu ấn Mỹ thuật thời các chúa Nguyễn; một giá trị vừa được nghiên cứu và công bố chính thức- kết hợp với TRÚC CHỈ, một loại hình nghệ thuật mới được xây dựng trên cơ sở giá trị truyền thống; được trình bày dưới hình thức nghệ thuật đương đại, trong một không gian có nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa của sân Điện Cần Chánh, Đại Nội Huế…như một tiếp biến của văn hóa truyền thống trong bối cảnh đương đại…bằng những hình thức biểu hiện, chất liệu mới, khác. Dự án này mong muốn là một minh chứng về thuộc tính vận động và thích nghi của văn hóa, đồng thời cũng là một trong những cách ứng xử với các giá trị truyền thống bằng cách tạo một tiếp biến trong môi cảnh đương đại.
|