menu_open
Mộc bản triều Nguyễn
19/07/2022 11:52:13 SA
Xem cỡ chữ:
Mộc bản triều Nguyễn - Giá trị trường tồn
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31 tháng 7 năm 2009, gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Hiện nay, trên thế giới hiếm có Mộc bản là những bộ chính văn, chính sử do triều đình tổ chức biên soạn, khắc in như Mộc bản Triều Nguyễn.
Mộc bản triều Nguyễn - Giá trị trường tồn

MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

Giá trị trường tồn

 

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31 tháng 7 năm 2009, gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Hiện nay, trên thế giới hiếm có Mộc bản là những bộ chính văn, chính sử do triều đình tổ chức biên soạn, khắc in như Mộc bản Triều Nguyễn.

Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử..., triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản.

Tất cả nội dung các bản thảo được khắc trên mộc bản đều được hoàng đế trực tiếp ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý. Gỗ dùng làm ván khắc mộc bản triều Nguyễn cũng rất đặc biệt, là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng, vừa mềm, vừa mịn, thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Đây là những tài liệu gốc, độc bản, có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.

ĐẶC TRƯNG VÀ sỐ LƯỢNG

 

Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (được thành lập năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng) tại Huế. Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

Đây là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng.

Nội dung của khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển, ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy và có tính chính xác cao. Trong 34.619 tấm Mộc bản, có một bản khắc bài “Nam quốc sơn hà”. Đây là bản khắc gỗ cổ nhất bài thơ “Nam quốc sơn hà” còn lại cho đến ngày nay. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định chân lý: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng, cương giới rạch ròi, quyền độc lập tự chủ của dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Về địa lý: có hai bộ sách gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý của nước Việt Nam đã thống nhất và ghi chép về hoàng thành Huế. Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này có những bản khắc mộc bản mang nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bản gốc sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép về các sự kiện xảy ra từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, trải qua chín đời chúa (1558 - 1777), đã khẳng định: quần đảo Hoàng Sa (tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi.

Về chính trị xã hội: có năm bộ sách gồm 16 quyển, ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Về quân sự: có năm bộ sách gồm 151 quyển, ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.

Ngoài ra còn có các tài liệu mộc bản quý với các chủ đề: Về pháp chế (có 12 bộ sách gồm 500 quyển), văn hóa - giáo dục (31 bộ sách gồm 93 quyển), tư tưởng triết học - tôn giáo (13 bộ sách gồm 22 quyển), văn thơ (39 bộ gồm 265 quyển), ngôn ngữ văn tự (14 bộ sách gồm 50 quyển) và quan hệ quốc tế.

HÀNH TRÌNH LƯU GIỮ GIÁ TRỊ MỘC BẢN

 

Trước năm 1960, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế. Từ năm 1960 được chuyển từ Huế về Đà Lạt. Quá trình di chuyển tài liệu mộc bản triều Nguyễn từ Huế về Đà Lạt rất công phu và cẩn trọng, phải di chuyển làm ba lần mới hoàn thành. Từ năm 1961 - 1975, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được cất giữ tại chi nhánh văn khố Đà Lạt; do điều kiện bảo quản không tốt nên bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng

Sau năm 1975, số tài liệu này được giao về Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), bảo quản tại tòa nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984, được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).

Hiện nay, khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đã phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng.

NGUỒN SỬ LIỆU QUÝ GIÁ

 

Trong kho tàng Mộc bản mà Triều Nguyễn để lại cho hậu thế, có rất nhiều pho sách quý, đặc biệt là những bộ quốc sử, được triều đình biên soạn hết sức công phu, có giá trị lớn, chứa đựng nhiều thông tin chân xác về thời cuộc.

Bên cạnh đó, các vua Triều Nguyễn cũng rất coi trọng những bộ sách được biên soạn và khắc in từ thời Lê. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Vua sai quan Bắc thành “kiểm xét những bản in nguyên trữ ở Văn Miếu về các sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Vũ kinh trực giải (bản in của Quốc Tử giám nhà Lê) cùng Tiền Hậu chính sử (bản in riêng của Hậu quân tham mưu Nguyễn Bá Khoa) và Tứ trường văn thể (bản in riêng của Trấn thủ Hải Dương Trần Công Hiến), gửi về Kinh để ở Quốc Tử Giám”. Do vậy, Mộc bản của Triều Nguyễn vừa phong phú, chuẩn xác về nội dung vừa đa dạng về nguồn gốc xuất xứ.

Ngày nay, khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội thời cổ đại, trung đại và cận đại Việt Nam, các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa trên những cứ liệu của các tác phẩm còn lưu giữ được như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam nhất thống chí,… Các bộ sách này đều được in từ khối Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.