menu_open
“Huế là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác của tôi”
Xem cỡ chữ:
  Nhà văn Trần Thùy Mai được trao tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII
Nhà văn Trần Thùy Mai - tác giả của tác phẩm “Công chúa Đồng Xuân” vừa được vinh danh trong Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Cố đô lần VII (2018 – 2023) đã dành thời gian trò chuyện cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần.
 Nhà văn Trần Thùy Mai được trao tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII

Chia sẻ cảm xúc khi “Công chúa Đồng Xuân” được vinh danh, nhà văn Trần Thùy Mai cho biết:

Thật ra, lúc đầu tôi không có ý định tham dự Giải thưởng VHNT Cố đô, vì tôi nghĩ mình cầm bút cũng khá lâu rồi, các giải thưởng nên vinh danh một gương mặt mới, trẻ trung thì sẽ có tính phát hiện hơn. Sau khi được ban tổ chức và một số bạn viết nhiệt tình khuyến khích, tôi đã quyết định gửi tác phẩm. Cũng cần nói thêm một chút, trong khoảng thời gian 5 năm qua tôi có hai bộ tiểu thuyết, Từ Dụ Thái hậu và Công chúa Đồng Xuân. Nếu đưa “Thái hậu” thì rõ là an toàn hơn, nhưng tôi chọn đưa “Công chúa” vào “trường thi”, vì tôi cho rằng Giải thưởng Cố đô là một phép thử với tiểu thuyết này. Tôi đã xây dựng tác phẩm với sự trải nghiệm về văn hóa, phong tục xứ Huế, cùng những suy nghĩ có tính phản biện về một số xung đột lịch sử. Bởi vậy, sự đánh giá của cộng đồng Huế là hết sức quan trọng đối với tôi.

“Công chúa Đồng Xuân” khắc họa một bức tranh sống động về lịch sử Triều Nguyễn trong giai đoạn đầy biến động. Tiểu thuyết nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình và độc giả. Xin bà chia sẻ thêm về ý tưởng cũng như thông điệp mà bà muốn gửi gắm qua tác phẩm này?

Về giai đoạn lịch sử 1858 - 1885, tức là từ lúc thực dân Pháp chính thức nổ súng tấn công vào Đà Nẵng cho đến sự kiện Thất thủ Kinh đô, trước đây đã có một vài tiểu thuyết rồi. Điểm chung của những tiểu thuyết trước là chủ yếu đề cao lòng yêu nước, ca ngợi khí tiết của nhà nho, cổ xúy cho chủ nghĩa anh hùng.

Trong tiểu thuyết này, tôi chủ ý trình bày cuộc đối đầu trong quy mô tổng thể của nó, qua sự so sánh với các nước gần gũi. Trong nội bộ đất nước, tôi cũng trình bày toàn cảnh của trí thức Việt, với hai tuyến rõ rệt: Một bên là lớp nhà nho khẳng khái, dũng cảm, khí tiết nhưng cố chấp, thiển cận; một bên là nhóm trí thức Công giáo có học vấn, có trình độ, hiểu biết về thế giới, nhưng không đủ uy tín để thuyết phục đại chúng và triều đình. Bi kịch của đất nước là hai tuyến này, đều yêu nước và đều ưu tú, nhưng không thể tìm được tiếng nói chung, để vuột mất cơ hội canh tân đất nước. Bởi vậy khi sắp mất, Nguyễn Trường Tộ đã khóc cho sự lỡ vận của cả dân tộc “Nhất thất túc thành thiên cổ hận” - Một bước lỡ, khiến nghìn năm hận!

Với các tác phẩm như Từ Dụ Thái hậu và Công chúa Đồng Xuân, bà đã chuyển hướng từ những câu chuyện đời thường sang tiểu thuyết lịch sử, tạo ra một sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong cảm nhận của độc giả về phong cách sáng tác của mình. Điều gì đã thôi thúc bà thay đổi thể loại và nội dung sáng tác, để đi sâu vào những câu chuyện lịch sử và văn hóa này? Và Huế giữ vai trò là nguồn cảm hứng như thế nào trong các tác phẩm của mình?

Tôi sống hơn năm mươi năm ở Huế và đã nghĩ rằng, mình sẽ sống với Huế suốt đời. Tôi viết về những chuyện đời thường chung quanh tôi, những lời ăn tiếng nói mình nghe thấy thường ngày, những tâm sự mà bạn bè tôi ký thác, thổ lộ… Có thể nói là, chỉ cần sáng sớm ra ngồi ở quán cà phê ven bờ sông Hương thì có thể “nhập tâm” được cả bầu trời, cả cõi người, và chạm được vào rất nhiều số phận, nhiều nỗi niềm ở quanh mình. Có thể nói Huế là nguồn dưỡng chất nuôi sống tác phẩm của tôi!


 Nhà văn Trần Thùy Mai (bên phải) và tác giả

Sau này, vì lý do gia đình, tôi vào Nam, rồi vì sự đẩy đưa của duyên phận tôi lại sang Mỹ. Mặc dầu vẫn về Huế thường xuyên, nhưng “nguồn dưỡng chất” của đời thường không còn được cung cấp liên tục. Mỗi lúc nhớ quê hương tôi chuyển sang viết về lịch sử. Vì, lịch sử luôn còn trong ký ức, đi đâu cũng có thể đem theo, ở đâu mình cũng có thể tiếp cận… Huế là thủ phủ miền Nam, rồi là Kinh đô cả nước trong suốt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX, nên lịch sử Huế thời đó cũng chính là lịch sử Việt Nam. Từ những câu chuyện của Huế xưa, mình có thể gửi gắm rất nhiều suy nghĩ về dân tộc mình, đất nước mình.

Bà có thể nói rõ hơn về những yếu tố của Huế đã tác động mạnh mẽ đến nguồn cảm hứng viết truyện của mình?

Thứ nhất, không gian thơ mộng tĩnh lặng của Huế, rất dễ khơi nguồn cảm xúc, mà theo tôi cảm xúc là cái cần nhất khi viết truyện ngắn. Sự tĩnh lặng cũng giúp mình rất nhiều khi mình cần “nhiếp tâm”, cần tập trung tinh thần cao độ cho sáng tác. Tôi thường vận dụng kinh nghiệm của người tập khí công, xem tập trung cao độ là yếu quyết để đẩy mạnh năng lực tinh thần, chính là điều người xưa thường nói “Chính kỳ tâm, thành kỳ ý”.

Thứ hai, nhịp sống không quá hối hả ở đây, khiến người ta dễ duy trì một cuộc sống đầy cảm hứng. Bạn bè có thời gian để tâm tình, chia sẻ buồn vui với nhau. Người với người thỉnh thoảng có soi nhau một tí nhưng đồng thời quan tâm nhau nhiều hơn. Và cũng nhờ vậy mà ta có dữ kiện và thời gian để suy tư về những việc  quanh mình. Phần lớn những truyện tôi viết như Thương nhớ hoàng lan, Trăng nơi đáy giếng… đều có thấp thoáng những nhân vật, những câu chuyện có thực ở Huế. Tất nhiên những con người, những chuyện đời ấy khi vào truyện đã được biến hóa, thêm bớt rất nhiều chứ không còn nguyên xi chính bản. Bởi mục đích người viết truyện là chia sẻ một thông điệp cuộc sống, chứ không phải là để kể chuyện của riêng ai.

Thứ ba, Huế là vùng đất có rất nhiều di tích, danh lam, nhiều giai thoại lịch sử, và vốn kiến thức dân gian (folklore) hết sức đặc sắc. Văn hóa và lịch sử Huế đã giúp tôi viết nhiều truyện ngắn có nội dung về các nhân vật Triều Nguyễn, như Tống Nương, Thể Cúc, để rồi sau này tôi bước hẳn sang thể loại tiểu thuyết lịch sử với nhân vật đầu tiên là Từ Dụ Thái hậu.

Nhà văn Trần Thùy Mai đã thể hiện tình cảm mãnh liệt, sâu sắc dành cho Huế cùng những đổi thay của thành phố qua từng thời kỳ lịch sử ngay trong tác phẩm của mình. Xin bà chia sẻ về những điều mà bà tự hào nhất khi nhắc đến quê hương xứ Huế, đặc biệt là sau khi Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025?

Đối với tôi thì Huế thì lúc nào cũng là Huế, thời còn chiến tranh, tôi còn đi học thì Huế nho nhỏ dễ thương, thơ mộng hiền hòa, bây giờ càng ngày Huế càng rộng lớn hơn, đẹp hơn, càng có nhiều cái bóng bẩy hào nhoáng hơn. Huế nhỏ hay lớn, khiêm tốn hay kiêu sa thì đối với tôi đều thân thương hết, cho nên thú thật việc Huế lên thành phố Trung ương không phải là quan tâm lớn của tôi. Nhưng tôi cũng biết rằng việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một nỗ lực rất lớn của cán bộ và dân chúng ở quê hương mình. Bởi vậy lòng tôi rất vui khi biết bà con bạn hữu của mình đang đón một niềm vui mới!

Huế là thành phố đẹp, đẹp từ xưa đến giờ và ngày càng được chăm sóc cho đẹp hơn. Tuy vậy khi về đây tôi cảm thấy dường như Huế đang mất đi một thứ, đó là sự yên tĩnh. Tôi thấy rất nhiều bạn bè đưa lên facebook những hình ảnh nên thơ của Huế với bình luận tự hào “Một thành phố yên tĩnh không nơi nào có được”. Nhưng trên thực tế, tôi thấy rất nhiều nơi karaoke, nhạc sống, loa tập thể dục buổi sáng… mở ầm ĩ một cách vô trật tự. Nhiều bạn cho rằng điều đó là tất nhiên vì phát triển sẽ đi đôi với ồn ào, náo nhiệt. Không phải như vậy, các thành phố lớn ở Âu, Mỹ cũng như các nước phát triển ở châu Á đều rất tĩnh lặng. Sở dĩ vậy là vì họ có những quy định chặt chẽ về âm thanh. Tôi nghĩ Huế đang cần gấp những quy định như vậy! Thơ mộng và yên tĩnh, đó là vẻ đẹp đặc trưng của Huế, nếu đánh mất điều đó thì Huế sẽ không còn là Huế, dù có đẹp và có sang trọng bao nhiêu đi nữa.

Xin cảm ơn nhà văn Trần Thùy Mai về cuộc trò chuyện này!

Lê Vũ Trường Giang (Thực hiện)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>