menu_open
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật
Xem cỡ chữ:
 Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh
“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.
 Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh

Anh vừa trở về sau chuyến triển lãm cá nhân “Một mùa thu chưa xa” diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh vào giữa tháng 11. Ở đó, người họa sĩ tự do sinh năm 1976 đến từ xứ Huế đã gửi đến công chúng yêu nghệ thuật phương Nam 25 tác phẩm về mùa thu qua góc nhìn trừu tượng nhưng đầy mơ mộng, lãng mạn.

Có rất nhiều hướng thực hành hội họa, lối dẫn nào đưa anh đến với dòng tranh trừu tượng?

Ngay từ thời còn đi học mỹ thuật, tôi bị ấn tượng và cuốn hút bởi các tác phẩm trừu tượng của các thầy, các họa sĩ mà mình bắt gặp qua các triển lãm, các trang sách và những postcard về tranh.


 Thưởng lãm tác phẩm của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh

Ngày đó, thông tin về hội họa không nhiều như bây giờ và tôi chủ yếu xem tranh trừu tượng của các họa sĩ Nga, Pháp, Mỹ, Đức… Ở Việt Nam, tôi thích tranh Trịnh Cung, Nguyễn Cầm, Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường. Có lẽ ngay từ nhỏ đã thích phiêu lưu, khám phá nên tôi đã bị cuốn hút ngay bởi những đường nét, màu sắc của các họa sĩ tiền bối trừu tượng. Cũng từ hồi đó, ngoài việc vẽ những bài vở cho trường lớp, thì ở phòng trọ, tôi đã tập tễnh vẽ trừu tượng, đa số vẽ bằng màu bột hoặc các dạng khác. Và dĩ nhiên số tranh bị hư hỏng phải bỏ đi rất nhiều. Tuy nhiên, ngay triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1998 ở Nha Trang thì hơn một nửa tranh trưng bày đã là trừu tượng rồi.

Năm 2024, anh đã có hai triển lãm cá nhân “Hoàng hoa mộng” và “Một mùa thu chưa xa” với gam màu vàng chủ đạo như bộ nhận diện thương hiệu của chính mình. Là hữu ý hay có sự tình cờ nào đó mà anh muốn định hình ở đây?

Thực ra không phải đến 2 triển lãm cá nhân của năm 2024 tôi mới dùng tông chủ đạo là màu vàng, mà chính xác là khoảng mười năm trở lại đây. Từ một bức tranh vàng đầu tiên vẽ năm 2012 đến nay, thì tôi sáng tác đến vài trăm bức màu vàng như thế, một số đã được sưu tập.

Cái duyên với mỗi gam màu đôi khi do sở thích và tính cách của mỗi người, không riêng giới họa sĩ. Với tôi, lúc nhỏ thường hay tiếp xúc với môi trường chùa chiền, nên có phần nào bị ấn tượng bởi sắc vàng y hậu của các tăng lữ Phật giáo. Ngoài ra, tôi còn ấn tượng bởi màu vàng ở cung đình Huế hay màu sắc ở các kiến trúc của những ngôi chùa Á đông cũng gây ấn tượng. Để rồi từ đó, tôi muốn thử sức, muốn trải nghiệm trong các sắc vàng đặc trưng đó.

Nói là màu vàng, nhưng thực ra trong màu vàng lại có nhiều sắc độ khác nhau, nên mới có thể tạo độ đậm nhạt, độ nông sâu cho một bề mặt tranh. Vì vậy trên cơ sở các màu vàng đó, có lẽ tôi vẫn còn tiếp diễn khá lâu nữa với những sắc vàng mà tôi yêu thích.

Trừu tượng vốn đánh đố người thưởng lãm. Với anh, anh muốn gửi gắm thông điệp gì trong mỗi tác phẩm của mình?

Khi tôi vẽ một bức tranh, tôi luôn đặt tâm thế mình thảnh thơi nhất. Khi đặt một nhát cọ khởi đầu cho một bức tranh, tôi thường nghĩ đến, cầu mong cho bất kỳ ai nhìn thấy đều thích và mang lại sự an lạc mỗi khi ngắm bức tranh ấy.

Việc nói trừu tượng đánh đố người xem, theo tôi nghĩ là không đúng. Bản chất nó chỉ là bức tranh như mọi bức tranh khác, nó ra đời không phải để chơi trò đánh đố, mà có thể do quan điểm tiếp nhận… Những năm gần đây, tranh trừu tượng tại Việt Nam phát triển mạnh hơn, số lượng họa sĩ đi theo trường phái này cũng nhiều hơn, các nhà sưu tập mua tranh trừu tượng cũng nhiều hơn. Điều này có lẽ do nhu cầu xã hội, sự tiệm cận với thời đại thông tin cập nhật từng ngày, nên ý thức, quan điểm của người xem tranh cũng cấp số nhân lên, và việc đón nhận trừu tượng là một niềm vui đáng mừng.

Có lần anh từng chia sẻ “lúc nào cũng cảm thấy như vừa mới bắt đầu chặng đường của mình, chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về việc mình đã làm”. Điều khiến anh chưa hài lòng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật là gì?

Tôi thấy con người mình duy nhất việc ăn uống là ít thay đổi, ví dụ người Việt thì ăn gì rồi cũng phải có cơm, hay thích ăn cơm mẹ nấu, thích ăn cơm vợ nấu, mặc dù lâu lâu ăn thay đổi món khác, nhưng rồi cũng trở về món ăn sở thích ban đầu.

Khi họa sĩ trăn trở với “đất sống”

Theo họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh, không riêng gì họa sĩ ở Huế mà nhiều nơi khác thường muốn làm triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là điều dễ hiểu. Bởi nơi đây nhu cầu đón nhận, tiệm cận khách hàng, người xem, truyền thông… rất tốt. Nói vậy không có nghĩa là chê Huế. Vì Huế cũng là một trung tâm văn hóa có nhiều bản sắc Huế so với cả nước, các ngành nghề văn hóa nghệ thuật cũng không thua kém các tỉnh thành khác.

Còn về thời trang, âm nhạc, phim ảnh, hội họa… thì người ta luôn luôn trông chờ vào cái mới hơn sắp diễn ra, sẽ diễn ra để thỏa mãn sự khác lạ trong mỗi sở thích của con người. Trong các lĩnh vực này nếu anh không liên tục sáng tạo là anh bị lỗi thời ngay. Mục đích cuối cùng của các phong trào nghệ thuật là để phục vụ cho sở thích của con người, mà con người lúc nào cũng mong muốn sự mới lạ.

Trong hội họa cũng vậy, nghệ là nghề, thuật là biến hóa. Trên thế giới này, các phong trào, các trường phái nghệ thuật mới luôn thay đổi từng ngày, từng giờ, cho nên nếu một người làm nghệ thuật không luôn học hỏi, không luôn thay đổi thì sẽ thấy mình trở thành quá độ trong khi mình đang sống. Bởi vậy chính tôi luôn thấy mình lạc hậu khi mỗi ngày trôi qua, nên tôi luôn muốn học hỏi từng ngày, để trong thực hành nghệ thuật mình luôn luôn có sự tươi mới cùng thời đại mình đang sống.

Hành trình sáng tác đầy mơ mộng và “cơm áo không đùa với khách thơ”, chắc hẳn cũng khiến anh phải kiên định và vượt qua chính mình để tìm được nguồn vui riêng trên con đường theo đuổi hội họa trừu tượng?

Đúng vậy! Không những ở Việt Nam, mà cả trên thế giới, những người làm nghệ thuật đa số luôn phải đối mặt với chuyện áo cơm. Cũng có thể đó là những thử thách bước đầu cho các nghệ sĩ khi mới vào nghề, riêng tôi ngoài vẽ thì cũng phải làm thêm vài công việc khác nữa để hỗ trợ đam mê, một phần giúp cho tinh thần đỡ bị nhàm chán khi cứ phải làm mãi một công việc. Nhờ thế tôi không bị nản và luôn cảm thấy có hứng thú trong công việc.

Nói lại chuyện cơm áo với các họa sĩ, tôi cũng thường hay có dịp tiếp xúc với các họa sĩ thế hệ sau 1975 đến nay, thì thấy khoảng chục năm trở lại đây anh em cả ba miền đều sống ổn. Tuy không giàu có, nhưng đa số anh em sống, làm việc và lo cho gia đình ổn định. Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì hiện nay số các nhà sưu tập là người Việt mua tranh ngày càng nhiều, điều đó một phần nào giúp các họa sĩ được cải thiện hơn, có đất sống hơn.

Các họa sĩ sau khi thai nghén ra các tác phẩm, họ không có nhiều tài lực để tự túc triển lãm, nên phải kiếm một nơi có địa điểm tốt, có người đầu tư tốt để tổ chức. Mà vấn đề này hình như Huế chưa có, hoặc nếu có thì cũng ở mức độ “cho có”. Anh nghĩ sao về điều này?

Thường mỗi triển lãm chỉ có hôm khai mạc là đông đúc, những ngày sau đó chỉ thưa thớt. Và dù không nói ra nhưng trong thâm tâm ai cũng mong muốn bán được, để còn tái đầu tư, để lo cho cuộc sống, nên chi buộc lòng họ cũng phải tìm đến những địa phương có nhiều người xem tranh hơn, nhiều người mua tranh hơn, mức độ lan tỏa tốt hơn để triển lãm. Hy vọng một ngày gần Huế sẽ có những địa điểm triển lãm tốt, những nhà đầu tư tốt để các họa sĩ Huế không phải băn khoăn đi tìm đất sống ở nơi khác.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhật Minh (Thực hiện)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>