menu_open
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Xem cỡ chữ:
  Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế
Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.
 Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế

Bà Oanh nhìn nhận: Nhiều độc giả, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ đã sử dụng các ứng dụng đọc sách trực tuyến để duy trì tình yêu với sách. Đó cũng là cách các bạn trẻ tiếp cận với sách và văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Vậy thưa bà, về phần thư viện, những năm qua đã có những đổi mới gì trong việc thu hút độc giả nói chung và lan tỏa văn hóa đọc nói riêng?

Những năm qua, ngoài việc tập trung bổ sung nguồn tài liệu có chất lượng, đầu tư trang, thiết bị vật chất, chúng tôi chú trọng tìm hiểu nhu cầu đọc sách của bạn đọc để có hướng xây dựng vốn tài liệu và tổ chức phục vụ bạn đọc phù hợp.

Chúng tôi còn chú trọng việc sắp xếp, thay đổi và mở rộng không gian phòng đọc, tổ chức cấp thẻ trực tuyến, tăng cường đổi mới, sáng tạo các hình thức phục vụ bạn đọc, cách thức tuyên truyền, nhân rộng văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt tùy từng đối tượng bạn đọc mà có cách thức, mô hình tuyên truyền khác nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bạn đọc tiếp cận được nhiều thông tin hơn.

Bà có thể rõ nói rõ hơn những thay đổi hướng đến công nghệ số để phục vụ bạn đọc?

Để bắt kịp xu thế đọc sách trong thời đại số hiện nay, ngoài việc đổi mới, đa dạng và nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút bạn đọc đến với thư viện, chúng tôi đang tập trung xây dựng “Thư viện điện tử”. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh số hóa tài liệu, thường xuyên cập nhật thông tin vào hệ thống phần mềm chuyên ngành thư viện để phục vụ bạn đọc tra cứu trên môi trường mạng.

Bạn đọc có thể tra cứu tài liệu tại các thư mục điện tử đã được thư viện số hóa và đọc sách trực tuyến qua các kênh đọc sách online của thư viện. Ngoài ra, vào các dịp sự kiện, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, chúng tôi còn xây dựng các video clip giới thiệu sách chuyên đề, sách mới có tại thư viện trên nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền sự kiện cũng như giới thiệu các sách liên quan đến bạn đọc.

Mặt khác, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, chúng tôi duy trì, đổi mới hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tăng cường các hoạt động khuyến đọc. Hàng năm, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động gắn liền với sách như Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày hội đọc sách, các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, giới thiệu sách trực tuyến, thi vẽ tranh theo sách, đố vui về sách, thi thuyết trình và giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, tọa đàm giới thiệu sách mới… Đồng thời, chúng tôi cũng luôn chú trọng việc đổi mới phương thức hoạt động “vui đọc, vui học” để tạo sân chơi thân thiện, nhất là đối với lứa tuổi thiếu nhi, học sinh.


 Sách vẫn mang giá trị riêng có của nó, vẫn tồn tại với một vị trí và chỗ đứng không thể thay thế

Từ góc nhìn chuyên môn lẫn sự quan sát cá nhân, bà thấy gì ở việc đọc sách của giới trẻ thời gian qua?

Trong thời đại công nghệ số, tôi thấy độc giả trẻ đã chú trọng đến sử dụng các loại hình công nghệ để duy trì niềm đam mới với việc đọc. Không chỉ đọc sách giấy truyền thống, công nghệ số đã hỗ trợ giới trẻ rất nhiều trong thời buổi hiện nay, tất nhiên văn hóa đọc cũng nằm trong đó.

Những năm gần đây, các ngày hội sách được tổ chức nhiều hơn và khi nào cũng thấy đông độc giả, trong đó đa số là giới trẻ đến tìm đọc và mua sách tại các gian hàng. Ở các thành phố lớn có đường sách, cà phê sách cũng đông bạn đọc trẻ đến đọc sách. Các bạn trẻ cũng tích cực tham gia nhiều vào các hoạt động khuyến đọc, tổ chức nhiều điểm đọc sách cộng đồng tại công viên, trường học… Điều này cho thấy bạn đọc trẻ cũng rất quan tâm đến sách giấy truyền thống và văn hóa đọc đã dần quay trở lại.

Nhưng đâu đó vẫn còn không ít bạn trẻ, em nhỏ chưa có thói quen đọc sách. Theo bà nguyên nhân do đâu?

Trẻ con ngày nay không thích đọc sách xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sức hấp dẫn của các thiết bị điện tử thông minh, máy tính bảng công nghệ cung cấp nhiều chương trình giải trí như game online, phim hoạt hình… khiến trẻ bị lôi cuốn vào và không dành thời gian cho việc đọc sách. Thứ hai, trong một số gia đình, phụ huynh hay những người lớn tuổi hiện nay có xu hướng giảm, ít quan tâm đến việc định hướng trẻ em tự tìm tòi và đọc sách. Thứ ba, các cuốn sách bản giấy ngày càng thiếu sự cuốn hút, không tạo sự thích thú cho trẻ so với khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, tivi... Thứ tư, tâm lý sợ hãi, cảm thấy bị áp lực trước kỳ vọng của cha mẹ mong muốn con mình đọc sách để trở thành người tài giỏi.


Trẻ em thích thú đọc sách ở không gian dành cho thiếu nhi bên trong Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế 

Trong tất cả, nguyên nhân trẻ không thích đọc sách bởi vì cha mẹ chưa tạo thói quen cho trẻ ngay từ bé, cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Vậy việc gieo mầm yêu thích đọc sách cho trẻ cần phải bắt đầu từ đâu?

Muốn tạo cho con thói quen đọc sách, trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ tại sao trẻ em không thích thú với việc này. Các bậc phụ huynh nên giúp trẻ em tiếp cận với sách và hình thành thói quen đọc sách ngay từ bé, xem việc đọc sách là điều tốt đẹp. Và nếu trẻ ý thức đọc sách là tốt và hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ thì sau này lớn lên dù bận rộn đến mấy cũng sẽ dành thời gian đọc sách.

Cần tạo lập một không gian đọc sách thoải mái cho trẻ, trong nhà thì nên có một tủ sách nhỏ, có một giá sách riêng để các loại sách, báo dành cho các bé để bé có thể dễ dàng tiếp cận. Tìm hiểu sở thích đọc của con trẻ, không tạo áp lực cho các con và hướng cho con đọc đa dạng các loại sách. Và chính bạn cũng phải làm gương cho các bé, chăm đọc sách và đọc sách cùng con. Cả gia đình cùng nhau đọc sách và phụ huynh phải rèn luyện kỹ năng đọc sách cho trẻ.

Vậy nghĩa là việc phát triển văn hóa đọc quan trọng phải được khởi nguồn từ gia đình?

Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ chưa có thói quen đọc sách như trên đã nói một phần do ảnh hưởng của gia đình. Khi cha mẹ, người lớn trong gia đình chưa có thói quen đọc sách và đọc sách cùng con thì trẻ sẽ không được tạo thói quen, sự thích thú khi đọc sách. Nếu như con bạn không bao giờ thấy cha mẹ đọc sách thì rất khó để có thể ép con phải đọc sách. Vì thế, nếu bạn muốn con đọc sách thì chính bạn phải làm hình mẫu cho con. Nếu trẻ thường xuyên nhìn thấy cha mẹ đọc sách, chúng sẽ có nhiều khả năng tự lấy sách ra đọc hơn.

Nếu cha mẹ không hướng trẻ vào các hoạt động phù hợp như đọc sách, nguy cơ trẻ lạm dụng các thiết bị số sẽ rất cao. Vì vậy, các thành viên trong gia đình cần trao đổi với nhau về chuyện đọc sách và nội dung các cuốn sách đang đọc. Khi cha mẹ, người lớn trong gia đình hướng cho con đọc những cuốn sách hay, có nội dung tốt, đọc sách cùng con để tạo hứng thú trong việc đọc, điều đó sẽ có ích rất nhiều trong việc thúc đẩy phát triển tư duy, nhân cách của trẻ trong tương lai.

Đọc sách có thể cải thiện khả năng diễn đạt ngôn ngữ và kích thích kỹ năng giao tiếp của trẻ, có thể mở rộng tầm nhìn và kiến thức, trí tuệ, cảm xúc, sáng tạo… Khi có đam mê đọc sách sẽ giúp trẻ hình thành nên con người tốt, có ích cho cộng đồng, xã hội. Đồng thời cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tham gia các hội, nhóm và câu lạc bộ về sách… nhằm giúp trẻ có môi trường hoạt động gần gũi, thân thiện và lành mạnh.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Nhật Minh (Thực hiện)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>