Công bố Nghị quyết điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế
25/06/2021 3:08:38 CH
Xem cỡ chữ:
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và tặng hoa chúc mừng cho các đơn vị
Sáng nay 25/6/2021, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy – HĐND – UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Hội nghị Công bố, bàn giao và triển khai thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và tặng hoa chúc mừng cho các đơn vị

Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Về phía lãnh đạo thành phố Huế có UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Huế Phan Thiên Định; Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Huế, lãnh đạo Sở, ngành, các Thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang…

Diện tích thành phố Huế tăng gần 04 lần, quy mô dân số tăng gần 02 lần, phát huy thế mạnh toàn diện

Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Theo đó sẽ sắp xếp 9 phường thuộc TP Huế như sau: Thành lập  phường Gia Hội trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp. Nhập toàn diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Bình và Thuận Lộc để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Thuận Lộc. Thành lập phường Đông Ba trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Hòa và Thuận Thành. Điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và dân số 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,80km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.

Điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thủy Vân và xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy vào thành phố Huế; Điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô của phường Hương Hồ, phường Hương An. xã Hương Thọ, xã Hương Phong, xã Hương Vinh và xã Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà vào thành phố Huế; Điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 20.850 của xã Phú Thượng, xã Phú Dương, xã Phú Mậu, xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang vào thành phố Huế.

Sau khi điều chỉnh địa giới và sắp xếp, thành lập các phường, TP Huế có 265,99km2 diện tích tự nhiên (tăng 3,76 lần), dân số 652.572 người (tăng 1,8 lần), phát huy thế mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay

Thành lập 04 phường thuộc thành phố Huế gồm: Thành lập phường Hương Vinh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Hương Vinh; Thành lập phường Thủy Vân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thủy Vân; Thành lập phường Phú Thượng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Phú Thượng; Thành lập phường Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Thuận An. 

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 07 xã. Thành phố Huế giáp huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và biển Đông. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Thừa Thiên Huế có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 06 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố; 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phường và 07 thị trấn.

Người dân các địa phương phấn khởi, vui mừng trước ngày trở thành Công dân thành phố Huế - Ảnh minh họa: Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà) trước ngày "lên" TP Huế

Sớm hoàn tất các công việc liên quan, ổn định bộ máy, tạo động lực tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện phải bám sát Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định của Trung ương; đồng thời vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn địa phương. Phải tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo động lực tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Quá trình thực hiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; không có sự gián đoạn giữa đơn vị hành chính cũ và đơn vị hành chính mới; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và Nhân dân; không làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. Việc bàn giao tổ chức bộ máy, tài sản, hồ sơ, tài liệu... và chuyển giao trách nhiệm quản lý theo đơn vị hành chính mới phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời, theo nguyên tắc thuộc địa bàn đơn vị hành chính nào thì được nhập, bàn giao nguyên hiện trạng. Trước khi bàn giao phải thực hiện thống kê, kiểm kê theo từng lĩnh vực quản lý, đảm bảo chính xác theo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ký biên bản tổng hợp chung, giao nhận giữa các bên. Các cơ quan chuyên môn thực hiện việc thống kê, kiểm kê theo từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đúng quy định.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh đã thông báo về địa điểm, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, các tổ chức hội đoàn thể và Công an của các phường mới sau sáp nhập; Công bố Quyết định chỉ định triệu tập viên để triệu tập kỳ họp đầu tiên của HĐND khóa mới. (Ảnh dưới)

Tiếp đó, lãnh đạo tỉnh đã chứng kiến các địa phương có liên quan thực hiện ký bàn giao các nội dung theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lãnh đạo thành phố Huế và lãnh đạo huyện Phú Vang ký bàn giao

Lãnh đạo thành phố Huế và lãnh đạo thị xã Hương Trà ký bàn giao

Lãnh đạo thành phố Huế và lãnh đạo thị xã Hương Thủy ký bàn giao

Ngày 27/4/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là một bước quan trong trọng tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, đó là: Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với thành phố Huế là “hạt nhân”, trung tâm.

Nghị quyết của Quốc Hội điều chỉnh để mở rộng TP Huế theo trục kéo dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương, như vậy, ngoài phát huy thế mạnh về các di sản, di tích thu hút du khách, TP còn  phát huy được thế mạnh về dịch vụ - du lịch, dịch vụ sinh thái, du lịch biển... Khi mở rộng, không gian đô thị Huế không chỉ có di sản hiện có mà Huế còn trở thành đô thị có đủ địa hình đồng bằng, biển, đầm phá và cả vùng núi.

Việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Huế là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân Thừa Thiên - Huế nói chung, TP Huế nói riêng qua nhiều nhiệm kỳ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát huy thế mạnh toàn diện của Huế có điều kiện thực hiện tốt "sứ mệnh" gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi mà tổ tiên đã để lại; song song với việc thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm; là trung tâm hành chính, tri thức, công nghệ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có nhiệm vụ tạo ra những cơ sở nền tảng để thúc đẩy toàn tỉnh phát triển. Huế hướng đến là thành phố sáng tạo, trù phú, yên bình, phát triển, hạnh phúc là “hạt nhân” trung tâm của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường. Hướng tới phát triển TP Huế là một TP di sản với tư cách “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”...

Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)