Theo NQ 175, Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày nghị quyết (NQ) này có hiệu lực thi hành.
Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (HĐND, UBND thành phố Huế kể từ ngày NQ này có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tố chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành NQ này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu câu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Trường hợp HĐND quận thuộc thành phố Huế không đủ 2/3 tổng số đại biểu HĐND được bầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Thường trực HĐND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch HĐND quận theo đề nghị của Thường trực HĐND thành phố Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch UBND, UBND quận lâm thời và quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận lâm thời. UBND quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thành lập.
Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Kể từ ngày NQ này có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ chính sách đối với thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huê vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 133 đơn vị hành chính cấp xã
Cụ thể, theo Nghị quyết 1314, sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để làm cơ sở thành lập các quận thuộc thành phố Huế. Đó là, thành lập phường Long Hồ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hương Thọ và phường Hương Hồ; thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Hải Dương và phường Thuận An; thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phú Dương, xã Phú Mậu và xã Phú Thanh; thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số người của xã Thủy Bằng; thành lập phường Hương Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hương Phong.
Đối với các quận thuộc thành phố Huế, thành lập quận Phú Xuân trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quận Phú Xuân có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Long Hồ, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc.
Thành lập quận Thuận Hóa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi điều chỉnh theo quy định tại điểm a khoản này. Quận Thuận Hóa có 19 phường, gồm: An Cựu, An Đông, An Tây, Dương Nỗ, Hương Phong, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Thuận An, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ và Xuân Phú.
Thành lập thị xã Phong Điền thuộc thành phố Huế trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Phong Điền.
Tại thị xã Phong Điền thành lập phường Phong Thu trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu; thành lập phường Phong Hải trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Hải và xã Phong Hải; thành lập phường Phong Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Lộc và xã Điền Hòa; thành lập phường Phong An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phong An; thành lập phường Phong Hiền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phong Hiền; thành lập phường Phong Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phong Hòa; thành lập xã Phong Thạnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Hương và xã Điền Môn.
Sau khi thành lập, thị xã Phong Điền có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường: Phong An, Phong Hải, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Phú, Phong Thu và 6 xã: Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Thạnh, Phong Xuân.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc. Thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Lộc Sơn.
Sau khi sắp xếp và thành lập thị trấn, huyện Phú Lộc có 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã: Giang Hải, Hương Hữu, Hương Lộc, Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân, Lộc An, Lộc Bình, Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Vĩnh, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Xuân Lộc và 4 thị trấn: Khe Tre, Lăng Cô, Lộc Sơn, Phú Lộc.
Thành lập Tòa án nhân dân thành phố Huế trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành lập Tòa án nhân dân quận Thuận Hóa, Tòa án nhân dân quận Phú Xuân. Tòa án nhân dân quận Thuận Hóa, Tòa án nhân dân quận Phú Xuân có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật.
Thành lập Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân. Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huể theo quy định của pháp luật.
Thành lập Tòa án nhân dân thị xã Phong Điền trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Phong Điền.
Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phong Điền trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền.
Giải thể Tòa án nhân dân huyện Nam Đông, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông theo quy định của pháp luật.
Kể từ ngày NQ này có hiệu lực thi hành, thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 133 đơn vị hành chính cấp xã