Thế và lực cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương
02/12/2024 8:58:01 SA
Xem cỡ chữ:
Với việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày 01/01/2025 theo Nghị quyết số 175/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội, Huế đã khoác lên mình chiếc áo mới với vị thế mới, tầm cao mới, đây là cơ hội và động lực để Huế khẳng định mình là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.

Đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị

Trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Huế mang trong mình sứ mệnh vừa đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.

Huế, định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống,... Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Trong quá trình phát triển, Huế đã luôn chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển đô thị; theo đó, quá trình xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng. Với các bài toán quy hoạch cụ thể đã xây dựng được, các khu vực không gian đô thị không làm ảnh hưởng đến các khu vực có di tích, việc này nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.

"Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa" vừa được hoàn thành và đưa vào hoạt động

Trên cơ sở định hình về phương án quy hoạch và kịch bản phát triển, Huế đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển mới như: Tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3,... Tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị,…

Đối với công tác bảo tồn di sản, Huế tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích Cố Đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản.

Nhờ vào các giải pháp này, Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.

Thu hút nguồn lực để phát triển

Để giải quyết bài toán cân đối thu chi ngân sách và bảo tồn di sản, thu hút đầu tư dự án cho Huế, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Huế đang tập trung xây dựng quy hoạch phát triển theo hướng bền vững: Ưu tiên phủ kín quy hoạch phân khu, triển khai đồng bộ quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó xác định rõ các khu vực cần bảo tồn di sản và các khu vực có thể phát triển dự án.

Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới; phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với vị thế 04 trung tâm của vùng và cả nước. Nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và Quần thể di tích Cố đô Huế,..

Nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

Bên cạnh đó, với việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực để Huế phát triển nhanh hơn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng được đồng bộ và hiện đại, có các chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần đẩy mạnh nguồn thu ngân sách xứng tầm đô thị của quốc gia.

Hiện nay, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có thương hiệu đã và đang hoạt động, nghiên cứu đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, như: VinGroup, Banyan Tree, BRG, AEON Nhật Bản… Đáng chú ý, một số dự án tạo năng lực mới đã đi vào hoạt động, như: Dự án Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1) công suất 3.500 chiếc/năm; Nhà máy Kanglongda (giai đoạn 1), Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên, nhà máy Scavi Huế 02, Trung tâm Thương mại AEON Mall Huế chính thức mở cửa đón khách; khai trương Sân Golf Golden Sands Golf Resort tại huyện Phú Vang… Kinh tế biển và đầm phá cũng đang trở thành động lực phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho toàn vùng, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản. 

Sức bật mới, niềm tin mới

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Với việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, trong thời gian đến, Huế sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển Thành phố trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa Cố đô và bản sắc văn hóa Huế

Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phù hợp với các quy hoạch. Đầu tư hạ tầng Thành phố Huế đạt chuẩn đô thị loại I; tiếp tục đầu tư nâng chuẩn đô thị các quận: Phú Xuân, Thuận Hóa, các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, đô thị Chân Mây.

 “Để thực hiện mục tiêu phát triển Huế theo hướng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện, cởi mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Huế sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ. Ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế” Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định.