Di sản sống động, trải nghiệm hấp dẫn
Mới đây, chương trình “Hạo khí Cần vương” diễn ra tại Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đã mang lại những trải nghiệm khó quên cho 80 học sinh Trường THCS Hàm Nghi. Sự kiện là dịp để tưởng nhớ 81 năm ngày mất của vua Hàm Nghi (1944-2025) và 140 năm ban chiếu Cần Vương (1885-2025).
Tại đây, các em được tham gia hàng loạt hoạt động tương tác. Từ trò chơi trí tuệ “Ai là nhà sử học thông thái?” đến trò chơi vận động “Truyền chiếu dụ”… Bằng cách lồng ghép yếu tố giáo dục vào các hoạt động trải nghiệm, chương trình đã tạo nên một sân chơi gần gũi với lứa tuổi học sinh, nhưng vẫn đầy ý nghĩa lịch sử.
Minh Nguyên, học sinh lớp 8 vui vẻ kể: Tương tự như “rung chuông vàng”, “Ai là nhà sử học thông thái?” đem lại cho chúng em nhiều kiến thức lịch sử “không có trong sách vở”. “Em đặc biệt ấn tượng khi được tìm hiểu sâu hơn về vị vua được đặt tên cho ngôi trường mình đang theo học – Hàm Nghi. Qua các trải nghiệm, những kiến thức em học được không chỉ là con số, sự kiện mà còn là câu chuyện về tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của các nghĩa sĩ trong phong trào Cần Vương”, Nguyên nói.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế Trương Quý Mẫn, việc biến di sản thành lớp học mở giúp học sinh hào hứng hơn trong việc học lịch sử, qua đó tạo nền tảng để phát triển kỹ năng tư duy phản biện và khả năng diễn đạt. “Điều chúng tôi mong muốn là thay vì tiếp cận lịch sử qua những trang sách khô khan, các em được “sống” trong không gian của quá khứ, chạm tay vào những giá trị di sản văn hóa. Đây là cách để khơi dậy niềm yêu thích lịch sử, khắc sâu ý thức bảo tồn và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc”, ông Mẫn bày tỏ.
Trăn trở và nỗ lực
Làm thế nào để chương trình giáo dục di sản (GDDS) hấp dẫn hơn, thu hút các em nhiều hơn nữa là điều mà các đơn vị thực hiện luôn trăn trở, ấp ủ.
Từ những trăn trở ấy, chương trình GDDS được Trung tâm BTDTCĐ Huế, Bảo tàng CVCĐ Huế lên kế hoạch “thiết kế” bài bản và đa dạng hơn. “Các nội dung được chia nhỏ, phù hợp với từng độ tuổi, giúp học sinh không chỉ tiếp cận được bề dày lịch sử của Triều Nguyễn, mà còn hiểu sâu hơn về văn hóa, phong tục của vùng đất Cố đô”, ông Mẫn nói. Đặc biệt, thay vì học thuộc lòng những con số hay sự kiện, các em “đến với lịch sử” bằng sự tò mò và trải nghiệm trực tiếp, từ việc khám phá di sản phi vật thể cung đình, các giá trị nghệ thuật truyền thống, đến các sự kiện chính trị, xã hội gắn liền với thời kỳ đó.
Những buổi tham quan, tương tác không chỉ mang lại niềm vui học tập mà còn khắc sâu trách nhiệm bảo tồn di sản trong các em. Không ít học sinh bày tỏ rằng, nếu không trực tiếp tham gia vào các hoạt động này, họ sẽ khó mà cảm nhận được vẻ tráng lệ của Hoàng cung Đại Nội, cũng như sự tinh tế trong văn hóa Huế.
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung cho hay, di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn chứa đựng những bài học quý giá về nhân cách, đạo đức và những giá trị nhân văn sâu sắc. Huế sở hữu một hệ thống di tích đồ sộ, bao gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, các lăng tẩm của các vua Triều Nguyễn, các di tích tôn giáo và những công trình kiến trúc đặc sắc khác. Huế cũng đang sở hữu và đồng sở hữu 8 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tư liệu… được UNESCO vinh danh. Đây là một lợi thế lớn trong việc GDDS cho học sinh, giúp các em không chỉ học lịch sử mà còn hiểu sâu về văn hóa dân tộc, lan tỏa tình yêu văn hóa di sản trong học đường.
“Từ đây, chương trình GDDS tại Huế còn mở ra tiềm năng lớn trong phát triển loại hình du lịch giáo dục”, ông Trung nói. Trung tâm dự kiến triển khai thêm các hình thức trải nghiệm khác, như Trại hè di sản, các lớp học chuyên sâu hay tạo lập giáo trình riêng phù hợp với từng cấp học. Thông qua đó, không chỉ học sinh Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng có thể tiếp cận giá trị di sản của Huế một cách dễ dàng, trực quan và thú vị nhất.
Đến nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã xây dựng 9 chương trình GDDS với 9 chủ đề phù hợp cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, trung học cơ sở; xây dựng ngân hàng 450 câu hỏi “Hỏi đáp di sản”, ứng dụng công nghệ trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, với sự hợp tác từ chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa Đức, 6 chương trình GDDS dành riêng cho học sinh và sinh viên đã ra đời. Sinh viên có cơ hội tham gia các lớp học Bảo vệ Di sản, tìm hiểu triển lãm ngoài trời, kỹ thuật bảo tồn, trùng tu; kỹ thuật vẽ tranh tường truyền thống kết hợp sáng tạo 3D… Bảo tàng CVCĐ Huế cũng đã hoàn thành “Bộ tài liệu GDDS dành cho học sinh phổ thông tại Bảo tàng CVCĐ Huế”; đồng thời, xây dựng 48 trò chơi nhỏ về trí tuệ và vận động phù hợp với từng cấp học.