Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Hiện nay, đây là địa điểm thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Huế.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin, với những giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, nhân Ngày Du lịch thế giới (do Liên Hiệp Quốc sáng lập) 27/9, Lăng Tự Đức đã được Google lựa chọn cùng với các kỳ quan, danh lam khác của thế giới để đưa lên Google Tìm kiếm bằng công nghệ AR trong thời gian tới đây. Qua đó người dùng toàn thế giới có thể tìm hiểu thêm thông tin và trải nghiệm hình ảnh về Lăng Tự Đức theo định dạng AR.
Google cho biết, Google Arts & Culture ra mắt bộ sưu tập mới với hàng nghìn bảo tàng và điểm đến văn hóa trên thế giới. Với sự giúp đỡ của đối tác CyArk, 37 di sản văn hóa khắp thế giới sẽ được xuất hiện trên Google Tìm kiếm bằng công nghệ AR, bao gồm Lăng Vua Tự Đức tại Huế.
Lăng Tự Đức là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được số hóa và có mặt trong dự án Di sản Mở (Open Heritage) do Google phối hợp cùng CyArk thực hiện vào ngày Di sản Thế giới 18/4/2019. Câu chuyện về việc đưa Lăng Tự Đức vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè năm 2018 khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế để số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và lăng Hoàng Hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ.
Ngoài những hình ảnh di tích được quay, chụp từ bên trong và bên ngoài lẫn trên cao từ flycam, đội ngũ chuyên gia còn dùng cả máy quét laser cùng tái hiện chính xác hơn các khắc họa bề mặt cũng như các chi tiết toàn cảnh khuôn viên, trong và ngoài khu Lăng và điện với video cũng như ảnh 360 độ.
Đây là di tích đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại được lựa chọn và thực hiện trong dự án này. Điều này rất có ý nghĩa trong việc lan tỏa hình ảnh văn hóa, du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung.