menu_open
Ngọt ngào những trang văn về Huế
Xem cỡ chữ:
Sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Huế là “chốn đi về” trong nhiều trang văn thơ của các tác giả chuyên và không chuyên. Cùng với các dòng sách nghiên cứu, khảo cứu về văn hóa, lịch sử, du lịch, ẩm thực, tản văn và tùy bút về Huế những năm gần đây cũng được “nở rộ”.

Miền đất di sản cố đô Huế để lại niềm thương nỗi nhớ cho người dân trong lòng thành phố, cũng như cho khách du lịch đôi lần ghé thăm, không chỉ bởi hệ thống những kiến trúc đền đài lăng tẩm hay cảnh quan thiên nhiên với dòng sông Hương thơ mộng... mà còn bởi biết bao những gì “rất Huế” có thể khiến người ta kể mãi không hết. Dù rằng đến nay, đã có bao nhiêu văn sĩ nổi tiếng từng dành tặng Huế nhiều tình cảm nặng sâu như Thanh Tịnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường... thì những tản văn, tùy bút về mảnh đất này của những tác giả đương thời vẫn tiếp tục được xuất bản. Không ngại “bao nhiêu cái sâu sắc, uyên bác, dường như các vị ấy đã khai thác hết” bởi còn quá nhiều tình cảm để viết, quá nhiều điều để kể về xứ Huế mộng mơ.

Dường như đàn ông Huế có một mối tình gắn bó kỳ lạ với quê hương, thế nên những trang “nhớ Huế” từng rải khắp năm châu: “Nào nhớ Huế của bác sĩ Tùng, rồi Quốc học Đồng Khánh của bác sĩ Phạm Cơ, rồi nhớ Huế của Châu Ngọc Bính tài hoa kiêu kì đến nhớ Huế của Lê Khắc Trực son trẻ như trai Huế lên mười, rồi nhớ Huế của Trần Hữu Lục lão luyện đứng đắn như cộc cờ Phu Văn lâu ở Sài Gòn, rồi học trò Huế ở Mỹ, Hội người yêu Huế ở Paris... Cung đàn “nhớ Huế” như được căng giây trên khắp mọi nẻo, chỉ cần một giọt nước mưa rơi trên cầu Bến Ngự, một chút nắng trên tàu chuối trong vườn Vỹ Dạ, một câu hò vẳng xa mô đó trong một bài thơ hay một tiếng rao hàng não nuột trên một trang giấy, là y như “Huế của tôi”, “Huế của anh”, “Huế của chị”, “Huế của em” rộn ràng lên tiếng đồng ca” (tập tản văn “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” của tác giả Thái Kim Lan).

Chẳng thế mà biết bao nhiêu chàng trai Huế đã viết rất hay, rất nhiều về Huế. Là tác giả Nguyễn Xuân Hoàng với tùy bút “Hương mùa thu”, “Cỏ hoa xứ Huế”, “Ký ức quỳnh hương”; tác giả Trần Kiêm Đoàn, sau tập truyện “Con yêu bánh nậm” và tập ký sự - biên khảo “Từ ngõ Huế xưa” là tập tùy bút “Về Huế”; tác giả Minh Tự với “Trước nhà có cây hoàng mai”; hay tác giả Phi Tân với vệt tác phẩm “Ngoại ô thương nhớ”, “Bên sông Ô Lâu”, “Về Huế ăn cơm”, “Chuyện xưa thành cũ”... Những trang tản văn, tùy bút đều giàu cảm xúc và đậm dấu ấn văn hóa với những ký ức Huế xưa và nay.

Theo nhà văn Phi Tân, “để đi hết chiều sâu của Huế thì... thăm thẳm như lòng sông Hương, không biết đi mãi đến bao giờ!”, chả thế mà các trang sách về Huế cứ liên tục tiếp nối. Tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà sau tập tản văn “Ở xứ mưa không buồn” đã cho ra mắt “Một thời mạ Huế” độc đáo, không chỉ gợi lại những ký ức Huế xưa mà còn thông tin thêm cho độc giả về những phong tục, nghi lễ, con người Huế, chia sẻ nỗi lòng của hậu thế dành cho bậc tiền nhân. Còn tác giả Hoàng Thị Thọ thì nhớ Huế ngay cả khi đang ở trong lòng Huế với hai tập sách “Xin đi từ thơ ấu” và “Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế”. Chị viết về một Huế vừa mộc mạc vừa cao sang mà chị yêu và viết bằng cả trái tim mình với mong muốn “để người đọc, đã yêu Huế rồi thì yêu Huế thêm nữa”.

Chọn viết về Huế qua góc nhìn ẩm thực của “Vị quê thương nhớ”, tác giả Lê Hà chia sẻ: “Ẩm thực luôn mở ra những chân trời thật rộng, ở đó không chỉ là hương vị thơm ngon của món ăn mà còn có mùi của ký ức, có vị của đắm say khi được tận hưởng một món ngon. Để rồi qua bao nhiêu thời gian, những hương sắc ngọt lành ấy sẽ theo ta mãi mãi”. Bởi thế, Lê Hà viết về bản đồ ẩm thực xứ Huế quê mình, từ bữa cơm quê mẹ nấu ngày thơ bé đến những món ăn mang hương vị núi rừng mà chị được thưởng thức giữa lồng lộng non cao. Với Lê Hà, ẩm thực Huế làm nên vị Huế gây thương nhớ - nỗi nhớ ngọt lành và đằm sâu.

Hạ Yến
EMC Đã kết nối EMC