Hoa mai chỉ dành cho mùa xuân cũng như hoa đào chỉ nở rộ khi Tết đến xuân về. Từ miền Trung trở vào, hầu như người ta chỉ chuộng hoa mai. Có lẽ người ta chuộng cốt cách thanh tao và yêu màu vàng vương giả của mai. Mai Huế thường có bông nở ra 5 cánh, đăc biệt là có hương thơm rất đặc trưng.
Mai là một loài cây hết sức nhạy cảm với thời tiết trong khi Huế lại là một địa bàn có thời tiết khí hậu khá khắc nghiệt, thế nhưng cây mai vàng xứ Huế vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Vì thế, vào mỗi dịp Tết, Huế lại là nơi mà hoa mai đua nhau khoe sắc, làm đẹp thêm cho mảnh đất Cố đô này.
Trong những ngày Tết, người Huế chơi mai không chỉ là nhu cầu làm đẹp cho không gian, mà còn là văn hóa tinh thần, thể hiện nét sinh thái nhân văn truyền thống. Mai Huế có những nét đặc trưng mà không 1 loài hoa mai vùng nào có được. Đó chính là hình dáng và mùi hương rất riêng… Tất cả tạo nên sự thu hút của mai Huế.
Mai có một điểm lạ là cứ giữa tháng chạp là lác đác nụ và đúng ngày mùng Một thì bung ra những đóa hoa chi chít trên cành. Hoa mai Huế không có lá màu đỏ như hồng diệp mai của vùng Trung Trung bộ hay nhiều cánh như hoa mai của miền Nam mà chỉ có 5 cánh và lá xanh, cánh dày, vàng tươi rực rỡ, mang hương thơm nhè nhẹ, tịnh khiết và thanh thoát rất riêng biệt. Với những cái đặc trưng ấy, mai Huế cũng cần những cách chăm sóc riêng mà không phải ai cũng biết.
Mai Huế dù phải chịu nhiều nắng, gió, mưa, bão nhưng vẫn vững vàng theo năm tháng, vươn sức sống để đâm chồi nảy lộc dường như là nét tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại, kiên trì và can đảm trước mọi khó khăn thử thách của con người xứ Huế. Mỗi độ xuân về, hoa mai vàng chớm nụ chuẩn bị kheo sắc thì cũng là lúc những thành viên trong gia đình lại được tụ họp, quây quần bên nhau. Bên cạnh đó, nhánh mai vàng ngày Tết còn giúp ta giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.