menu_open
Đi qua những vườn mai Huế
12/11/2022 6:46:26 SA
Xem cỡ chữ:
Đã từ lâu danh xưng mai Huế như một mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Loài hoa mai ấy chỉ sinh trưởng trên đất Cố đô và cũng là đặc sản của vùng sông Hương núi Ngự.

Hoa mai chỉ dành cho mùa xuân cũng như hoa đào chỉ nở rộ khi tết đến xuân về. Từ miền Trung trở vào, hầu như người ta chỉ chuộng hoa mai. Có lẽ người ta chuộng cốt cách thanh tao và yêu màu vàng vương giả của mai. Ngày còn bé tôi sống ở vùng Kim Long, nhà tôi cũng như hầu hết nhà hàng xóm, trước nhà đều trồng một cây mai. Các cụ bảo mai tượng trưng cho con gái, theo câu nói “Mai cốt cách tuyết tinh thần” vì thế cây mai hay trồng chênh chếch bên trái. Song cũng có nhà cây mai lại được trồng ngay giữa sân, các cụ lại bảo vì mai là tinh thần, chí khí của người quân tử. Với những kẻ hậu sanh như tôi thì các cụ bao giờ cũng đúng vì vừa thông thái, vừa có bồ chữ được chia phần trong thiên hạ. Bởi các cụ luôn đúng nên không những vùng Kim Long mà cả Huế mỗi dịp Tết nhà nào cũng rực rỡ sắc mai.

Ngày tôi về sống ở vùng Gia Hội, dọc con đường Đò Cồn là những vườn mai bát ngát. Nhiều nhà có những cây mai cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người ta gọi mai cổ thụ là lão mai một cách kính trọng như thể mai là một con người. Trong phủ bà Chúa, việc tưới mai, tỉa lá cho mai luôn giao phó cho một gia nhân rành thuộc tính của mai chăm sóc. Vì thế họ biết lúc nào bắt mai rụng lá và thời điểm nào kích thích cho mai ra hoa. Đôi nhà để có tiền tiêu vào dịp tết cũng có thể bán bớt nhánh mai hoặc để cây phát triển tốt hơn. Đi mua một nhành mai là điều không hề đơn giản bởi mua để chưng thì hoa đó phải đủ tiêu chuẩn của nhành hoa đẹp, mà mua để bán thì làm sao kiếm được lời. Đem tặng một nhánh mai làm sao cho người nhận ưng ý lại càng khó hơn. Ngay khi mai được cắt từ cành đem vào cắm ở lọ lục bình cũng phải lựa cành nào có dáng vươn ra sao để cầu may mắn cả năm. Chủ nhân trong nhà quý mai và bắt buộc mọi người cũng phải tôn trọng mai.

Ở con đường này có Hoàng Mai Trang trước sân đầy mai. Mỗi lần có dịp đi ngang tôi lại ngoái nhìn, nhìn những cây mai có hình dáng mỏng manh với những tư thế dịu dàng. Hồi trước mai không được trồng nhiều trong chậu như bây giờ, mai lả lướt hơn và gần gũi với con người hơn. Có nhà mai là bức bình phong ngăn cách giữa con người với những xô bồ bên ngoài. Để khi mai nở thì cái nhìn đầu tiên là bức bình phong màu vàng, đủ để hiểu người Huế yêu mai và mai gắn bó với họ vô cùng.

Mai có một điểm lạ là cứ giữa tháng chạp là lác đác nụ và đúng ngày mồng một thì bung ra những đóa hoa chi chít trên cành. Thời tiết của Huế thường lạnh nên mai ra hoa đúng kỳ. Nhưng có năm nắng ấm, nên mai lại nở sớm so với quy luật, như tháng chạp năm Nhâm Thìn đã thấy nhiều nhà mai vàng nở rực góc sân. Mỗi lần nhìn hoa mai nở cả một cây hoa mai chỉ thấy hoa với hoa. Nhưng mai vàng xứ Huế phải là mai năm cánh, hiếm hoi lắm mới có cây mọc nhiều cánh. Những đóa hoa mỏng manh ấy dù giá rét hay nắng gắt thì vẫn nở rất đúng hẹn. Và lạ thay chúng không hề bị mưa sa hay bão tố làm rơi rụng, thêm vào đó sức sống của nó lại bền bỉ đến lạ kỳ. Hoa mai Huế không có lá màu đỏ như hồng diệp mai của vùng Trung Trung bộ hay nhiều cánh như hoa mai của miền Nam mà mai Huế chỉ năm cánh và lá xanh, đặc biệt màu vàng thì quyến rũ không thể tả. Nếu đặt một chậu mai Huế giữa vô số mai nhập cư khác, người yêu mai sẽ dễ dàng phân biệt được đâu là mai Huế. Danh xưng hoàng mai như đã đóng đinh cho mai Huế vậy.

Bây giờ ở Huế vườn nhà bị thu hẹp đi nên nhiều nhà không còn hoa mai trước sân. Thú chơi cây cảnh đã làm ít đi những vườn mai nhưng lại thêm rất nhiều hoa mai trồng trong chậu. Lợi thế của mai chậu là người ta có thể trưng từ năm này rồi mùa hoa sang năm lại trưng tiếp. Trong khi đó hoa mai cành được chặt từ một cây mai, sau tết là chết vì khó tái sinh. Nhìn người Huế trưng mai vào dịp Tết đủ thấy địa vị độc tôn của loài hoa này không thay đổi. Mai trồng trong chậu được chăm sóc công phu, uốn thế đẹp có giá hàng trăm triệu đồng. Như những lão mai trong vườn hoa của chị Tôn Nữ Hà ở Lê Thánh Tôn hay của anh Trần Dũng ở đường Nguyễn Chí Thanh tập hợp nhiều cây mai quý của Huế. Có năm trời rét, chính chủ nhân của những vườn mai này đã cho mai vào thành phố Hồ Chí Minh trốn rét mới có hoa ra đúng kỳ. Rõ ràng “yêu hoa mới đánh đường tìm hoa” là vậy.

Tôi đã có dịp về thăm làng hoa mai bên kia phá Tam Giang khi nơi này mở hội hoa xuân. Đúng là cái thú yêu hoa khiến con người bất chấp gió rét để hoa nở đúng dịp xuân về. Có về đây lại gặp được những người Huế yêu mai, đi ngắm mai. Nhìn hoa mai nở đẹp trăm người nhìn ngắm vậy mà sao tôi vẫn thích những cây hoa mộc mạc đứng giữa sân hay góc nhà nào đó. Như một lần tình cờ đi qua Đập Đá ngày 30 tết tôi thấy một lão mai nở hoa rực rỡ ngay đường Nguyễn Sinh Cung. Nhìn hoa và màu hoa sao thấy rung động lạ kỳ. Nghe đâu cây mai này đã hơn trăm tuổi và chưa bao giờ chủ nhân chặt một nhánh nào. Để rồi chiều ba mươi tết đi ngang qua Thương Bạc trong giá rét cuối năm vẫn thấy những người bán mai đứng sau những cành mai chờ khách đến mua. Chợ hoa chiều 30 vẫn hàng năm một đều đặn đi qua ký ức bao người dân Huế. Không hiểu có ai trong họ đã đau xót khi phải chặt đi cây mai mà mình chăm bẳm yêu quý? Tôi không quên được ngày còn bé theo mẹ vào Thành nội đến nhà cụ Án ở đường Nguyễn Huệ mua mai về bán. Chị con gái chủ nhà đã ôm cây mai già khóc không cho mẹ tôi chặt mai, mới thấy thấm thía tình người đối với cây mai thân quý. Bởi vậy tôi không ngạc nhiên khi trong nhà người Huế, lúc gia chủ mất đi người ta lại chít dây tang cho hoa và cây. Với người Huế, cây cối là người thân trong gia đình. Riêng mai thì tình thân đó càng mặn nồng hơn.

Bây giờ Huế đã có thêm vườn mai trước kinh thành để ai ngang qua đều có dịp ngắm nhìn mỗi độ xuân về. Tôi vẫn đến thăm vườn mai này khi có dịp về Huế mỗi lần tết đến. Quý hơn hết là những cây mai đó được trồng tự nhiên, không gò bó trong những cái chậu sành sứ. Những vườn mai như thế gợi cho tôi về những tháng ngày năm cũ và thú chơi hoa đầy tao nhã của người Huế. Với tôi tình yêu dành cho loài hoa này vẫn nồng nàn như một gợi nhớ về quê hương và năm tháng tuổi thơ.

Võ Ngọc Lan