menu_open
Lăng vua Dục Đức (An Lăng)
02/01/2025 10:37:55 SA
Xem cỡ chữ:
Lăng vua Dục Đức (An Lăng)
Lăng Dục Đức là một di tích trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993. Lăng được đặt tại Phường An Cựu, thành phố Huế.
Lăng vua Dục Đức (An Lăng)
Địa chỉ: 08 Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế
Tình trạng: Được công nhận Di tích cấp Quốc gia (1997), Di sản văn hóa thế giới (1993)
Giá: 50.000 VNĐ/người - Trẻ em (Từ 7 - 12 tuổi): Miễn phí

Giới thiệu:

Lăng vua Dục Đức tên chữ An Lăng (安陵) là một di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế, ban đầu là nơi an táng vua Dục Đức, vị vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn. Sau này, đây là khu mộ chung của ba thế hệ làm vua: vua Dục Đức (cha), vua Thành Thái (con) và vua Duy Tân (cháu). Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, xưa thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế.

So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Lăng gồm hai khu vực: điện Long Ân và lăng mộ vua cùng Hoàng hậu, đều lấy cồn Phước Quả ở đàng trước làm tiền án, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm hậu chẩm.

Lăng vua Dục Đức được công nhận là Di tích cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Sau thời gian dài trùng tu, tôn tạo lại kiến trúc xưa gần như hoàn chỉnh, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Nguyễn Phúc tộc, đến tháng 8/2024, Lăng vua Dục Đức đã sẵn sàng đón khách tham quan và chính thức mở cửa bán vé đón khách từ ngày 01/01/2025.

Điện Long Ân, nơi thờ vua Dục Đức xưa (trái) và nay (phải)

Lịch sử hình thành:

Lịch sử xây dựng lăng Dục Đức cũng phức tạp theo những biến động trong nội bộ triều đình và hoàng gia nhà Nguyễn, kể từ khi vua Tự Đức thăng hà vào ngày 19-7-1883. Vì vua Tự Đức không có con để nối ngôi, cho nên ngai vàng của triều đình Nguyễn trở nên đẫm máu do sự thao túng để nắm giữ quyền hành giữa một bên là các Phụ Chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, và một bên là Tòa Khâm sứ Pháp. Cái ngai vàng ấy đã được ba đời vua là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc thừa kế liên tục chỉ trong vòng 4 tháng, sử gọi là “Tứ nguyệt tam vương”, rồi tiếp tục được chuyển cho 4 đời vua nữa trong vòng thời gian ngắn là Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái và Duy Tân. 

Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Chân, sinh năm 1852, khi lên 2 tuổi, được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và làm Dục Đức Đường trong kinh thành cho ở. Vị hoàng trưởng tử này lấy con gái của đại thần Phan Đình Bình; đến năm 1879, sinh ra Bửu Lân tức vua Thành Thái sau này. Khi vua Tự Đức qua đời, vị hoàng trưởng tử 32 tuổi lên nối ngôi, nhưng chỉ sau ba ngày thì bị phế (23-7-1883) và bị quản thúc tại Thái Y Viện, cuối cùng chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên sau 7 ngày không cho ăn uống (6-10-1883); để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái. Mộ chôn tạm tại khe cồn Phước Quả, gần chùa Tường Quang. Mấy hôm sau triều đình mới cho người vợ chính là bà Từ Minh được phép lên thăm mộ và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang.

Sau nhiều biến cố khó dự đoán, trong điều kiện cụ thể của bối cảnh lịch sử bấy giờ, người con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua vào năm 1889, với niên hiệu Thành Thái. Sau khi lên ngôi, vua Thành Thái liền cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì có chùa Tường Quang cách 200 mét. Năm 1891, triều đình vua Thành Thái cho xây dựng một ngôi miếu ở phường Thuận Cát, gần bên phải Hoàng thành để thờ vua Dục Đức, đặt tên là Tân Miếu (Năm 1897, đổi tên là Cung Tôn Miếu). Năm 1892, bà Từ Minh Hoàng Thái Hậu - mẹ vua Thành Thái xuất tiền đúc tượng Phật và mở rộng nhà tăng của ngôi chùa Tường Quang, năm sau vua Thành Thái cho đổi tên thành chùa Kim Quang và ban cho chùa tấm hoành phi đề 5 chữ “Sắc Tứ Kim Quang Tự”.

Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (8-1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà của phụ thuộc như Tả, Hữu phối đường, Tả Hữu tòng viện dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu “song táng”, “càn khôn hiệp đức” như ở lăng Thế tổ Cao Hoàng Đế và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (lăng Gia Long).

Sau này, khi vua Duy Tân (1900 - 1945) tử nạn máy bay và vua Thành Thái qua đời đều được mang về an táng và thờ tại đây.

Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, mãi đến năm 2018, di tích Lăng vua Dục Đức mới được phục hồi, tu bổ, đến tháng 8/2024 thì hoàn thành sau 5 năm trùng tu với tổng kinh phí 40 tỷ đồng.

Nét đặc trưng:

🔸 An Lăng - Nơi an nghỉ của 3 vị vua 3 thế hệ

Trong hệ thống các lăng tẩm thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, Lăng vua Dục Đức là lăng mộ duy nhất dùng làm nơi an nghỉ của 3 vị vua với 3 thế hệ: vua Dục Đức (cha), vua Thành Thái (con) và vua Duy Tân (cháu).

🔸 Vua Dục Đức - từ "thiên táng" đến ngôi mộ chung với người hành khất

Nếu có dịp tham quan Lăng vua Dục Đức, du khách sẽ được tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời bi đát của vị vua chỉ lên ngôi được 03 ngày - vua Dục Đức. Tương truyền, sau khi vua Tự Đức thăng hà, Nguyễn Phúc Ưng Chân (con nuôi của vua Tự Đức, sau này sử sách quen gọi là vua Dục Đức) được lựa chọn lên nối ngôi năm 1883. Tuy nhiên triều chính rối ren, ông chỉ làm vua được ba ngày thì bị các quan đại thần lập mưu phế truất với lý do "sửa di chiếu vua cha, đại tang mặc áo màu, thông dâm với cung nữ của vua cha…". Sau đó, ông bị giam và bỏ đói cho đến chết. Thi hài vua Dục Đức được bọc chiếu đem đi chôn, đến đầu làng An Cựu thì đứt dây, thi hài rớt xuống. Cho là ý trời, nên lính đã đắp đất chôn ông sơ sài ngay tại đó. Ít lâu sau, một người ăn mày ngang qua, kiệt sức và chết ngay mộ vua Dục Đức. Do không biết, dân làng đã chôn ông ăn mày ngay trên mộ vua.

Năm 1889, vua Thành Thái (1879 - 1954) lên ngôi đã cải táng cho cha, thấy hai bộ xương bèn lấp lại, xây nơi ấy thành lăng cho vua cha lấy tên là An Lăng. 

lăng Dục Đức, An lăng, lăng vua Dục Đức, mở cửa tham quan lăng vua Dục Đức, Tứ nguyệt Tam vương, 4 tháng 3 vua, triều Nguyễn, cố đô Huế, lịch sử triều Nguyễn, giai thoại vua Nguyễn, vua bị bỏ đói đến chết, chôn với người ăn mày, di sản Huế, kiến trúc lăng vua Dục Đức, Quần thể di tích Cố đô Huế, Huế 1 điểm đến 8 di sản

🔸 Nơi an nghỉ của những vị vua yêu nước

An Lăng còn được biết đến khi nơi đây là nơi an nghỉ của hai vị vua yêu nước và chống thực dân Pháp: Vua Thành Thái và vua Duy Tân. Khu lăng vua Thành Thái và Duy Tân nằm tách biệt về phía sau lăng tẩm vua Dục Đức trong khu vực đất mộ của hệ 4. 

Vua Thành Thái lên ngôi và trị vì được 18 năm (1889-1907), có những tư tưởng và hoạt động chống Pháp nên bị truất ngôi. Con trai vua Thành Thái là Hoàng tử Vĩnh San được đưa lên ngai vàng, đặt niên hiệu Duy Tân, trị vì được 8 năm (1907-1916) thì bị Pháp bắt vì tội “tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Thái Phiên và Trần Cao Vân”. Chính phủ bảo hộ và Nam triều đã đày hai ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân sang đảo Réunion với án lưu đày biệt xứ. Năm 1953, vua Thành Thái được trở về nước, sống ở Sài Gòn. Ông mất vào năm 1954 và được hoàng tộc rước thi hài về chôn trong khuôn viên của lăng Dục Đức.

Sau khi vua Duy Tân chết bởi một tai nạn máy bay rất khó hiểu ở Trung Phi (1945), thi hài của ông được chôn cất ở đó. Năm 1987, hài cốt nhà vua được cải táng từ Trung Phi đưa về chôn cạnh mộ vua Thành Thái.

Đối với hai vị vua này, mọi người vẫn biết đến khi các bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền.. - những di tích lịch sử kiến trúc nổi tiếng ở Huế đều được xây dựng và thành lập dưới triều vua Thành Thái. Và câu nói nổi tiếng giai thoại về vua Duy Tân tại biển Cửa Tùng, Quảng Trị: "Khi tay dơ thì lấy nước mà rửa, khi nước dơ thì phải lấy máu mà rửa".

Kiến trúc:

Theo địa bộ cũ, lăng Dục Đức chiếm một vùng đất rộng 56.144 m2, trong đó có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ; chia ra làm hai khu vực: lăng và tẩm, nằm cách xa nhau khoảng hơn 50 mét. Cả hai khu vực kiến trúc đều xây thành bao bọc chung quanh. Lăng quay mặt về hướng tây bắc, dùng một ngọn đồi thấp, thường gọi là cồn Phước Quả làm tiền án; lấy dòng khe chảy ngang trước mặt làm yếu tố "minh đường" và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm "hậu chẩm".

Đi vào khu lăng mộ - diện tích 3.445m2 bằng một cửa tam quan khá lớn xây bằng gạch, trên làm mái giả. Sau cửa là Bái đình, không có tượng đá như các lăng khác, mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch để trang trí. Trung tâm của lăng mộ nằm ngay sau cửa tam quan thứ hai, có ngôi nhà Huỳnh Ốc được xây dựng trên một nền hình vuông mỗi cạch 8 mét. Nhà xây như một phương đình với dạng cổ lầu, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Bờ nóc bờ quyết chắp hình rồng và phụng, nội thất trang hoàng đơn giản.

lăng Dục Đức, An lăng, lăng vua Dục Đức, mở cửa tham quan lăng vua Dục Đức, Tứ nguyệt Tam vương, 4 tháng 3 vua, triều Nguyễn, cố đô Huế, lịch sử triều Nguyễn, giai thoại vua Nguyễn, vua bị bỏ đói đến chết, chôn với người ăn mày, di sản Huế, kiến trúc lăng vua Dục Đức, Quần thể di tích Cố đô Huế, Huế 1 điểm đến 8 di sản

Các công trình kiến trúc nằm trong khu tẩm điện với diện tích mặt bằng 6.245m2. Công trình chính là điện Long Ân là một tòa nhà kép làm theo kiểu cung điện Huế, với 6 bộ vì kèo nóc ở 5 gian nhà trước được kết cấu theo lối “chồng rường giả thủ”, trang trí mặt hổ phù rất tinh xảo. Đây là một công trình kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật trong hệ thống công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế.

Giá trị nghệ thuật:

Dù không có diện tích to lớn, hùng vĩ như lăng vua Gia Long; không bề thế, uy nghi như lăng vua Minh Mạng cùng các lăng tẩm của các vị vua khác, tuy nhiên An Lăng vẫn mang trong mình những nét đặc trưng rất riêng, mang dấu ấn rõ nét của một giai đoạn lịch sử rối ren của dân tộc. Sự hiện hữu của An Lăng với kiến trúc đơn giản và khiêm tốn góp phần tạo nên sự đa dạng trong thống nhất về một bức tranh chung của Quần thể di tích Cố đô Huế và quá trình thịnh - suy của triều Nguyễn - Triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Bản đồ:

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh, Nguyễn Tấn Anh Phong, ảnh tư liệu
Các bài khác