Thừa Thiên Huế là kinh đô Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn; là một điểm đến có 5 di sản. Các giá trị di sản văn hóa nơi đây vừa hội tụ những đặc trưng và tinh hoa của văn hóa dân tộc, vừa thể hiện nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa. Văn hoá Huế phong phú và đa dạng, bao gồm: Văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, môi trường,...Với quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế - Di sản văn hoá thế giới, Thừa Thiên Huế là Trung tâm của con đường hành trình di sản văn hoá thế giới của Việt Nam: Hạ Long - Phong Nha - Huế - Hội An - Mỹ Sơn - đường Hồ Chí Minh đã tạo ra sự liên kết về du lịch với các tuyến du lịch ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam,...
Thừa Thiên Huế còn lưu giữ được giữa lòng đô thị Huế nhiều nhà vườn, phố cổ mang nét đặc trưng của vùng đất cố đô ở Vĩ Dạ, Kim Long, Gia Hội, Bao Vinh. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế là nơi lưu giữ nhiều di chỉ, hiện vật cổ của nền văn hoá Chăm. Mặt khác, đây cũng là nơi có truyền thống cách mạng oanh liệt, còn giữ nhiều di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối và nhiều địa danh lịch sử về hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: chiến khu Dương Hoà, Hoà Mỹ, A Lưới, đường mòn Hồ Chí Minh…
Vùng đất Thừa Thiên Huế còn nổi tiếng với nghệ thuật ẩm thực, các sản phẩm làng nghề và lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội Cầu Ngư, Ðiện Hòn Chén, hội đua thuyền sông Hương và đặc biệt là Festival Huế tổ chức định kỳ hai năm một lần, hội tụ những nét văn hóa tiêu biểu của Huế, Việt Nam và các nước, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và ngoài nước... Bên cạnh đó, Huế là một trong số ít địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch tâm linh. Một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an sinh xã hội. Các điểm đến tâm linh ở Huế được hình thành một cách tự nhiên, do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo.
Tại Huế, ngoài hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn, hiện có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ; trong đó, có những ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như các chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Tra Am, Vạn Phước… Những ngôi cổ tự không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc, là tiềm năng, lợi thế sẵn có để khai thác du lịch tâm linh.Bên cạnh đó, xuất phát từ nền tảng của những lễ hội truyền thống mang đặc trưng đời sống tính ngưỡng của người Huế, các lễ hội hàng năm như: lễ hội điện Hòn Chén, lễ vía Phật Bà, lễ hội đền Huyền Trân, lễ Phật Đản… đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Du lịch cộng đồng được xem là một loại hình du lịch bền vững giúp thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo trong môi trường cộng đồng với mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương trong các sản phẩm du lịch, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích tôn trọng các truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương. Có được điều đó là bởi du lịch cộng đồng có sự liên kết của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, cơ quan bảo tồn, các công ty du lịch, hãng lữ hành, các tổ chức phi chính phủ, và đặc biệt là cộng đồng địa phương và khách du lịch.
Cầu ngói Thanh Toàn được xem là một trong những địa điểm tổ chức du lịch cộng đồng khá thành công ở Thừa Thiên Huế và là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước mỗi kỳ Festival Huế. Với các tour du lịch cộng đồng tham quan cầu ngói Thanh Toàn, du khách có thể tiếp cận các sản phẩm du lịch như tham quan đình làng, nhà thờ cổ, bơi thuyền, trải nghiệm đời sống, làm nón lá, gói bánh tét, thưởng thức ẩm thực từ các sản vật của địa phương...
Làng cổ Phước Tích với hệ thống các đình chùa, miếu, nhà cổ, di tích Chăm pa và nghề gốm truyền thống. Làng cổ Phước Tích đã thu hút được sự chú ý của nhiều đơn vị lữ hành du lịch trong việc đưa khách về tham quan, lưu trú tìm hiểu, khám phá văn hóa, kiến trúc, đời sống của làng, chương trình phục hồi nghề gốm cổ của làng cũng được khởi động. Ở đây, các du khách đã cùng người dân làm bánh ướt, bánh ngọt và món mứt Tết nổi tiếng ở Phong Hoà, vốn được du khách người nước ngoài đến từ Pháp, Nhật Bản thích thú.
Ngoài các lợi thế trên, Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ các tiềm năng thế mạnh về biển, đồng bằng, gò đồi, rừng núi; có bờ biển dài 128 km, với nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô (vừa được công nhận là thành viên của câu lạc bộ những vịnh biển đẹp nhất thế giới), Thuận An, Cảnh Dương và đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích gần 22.000 ha, thuộc vào loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Với di sản văn hoá thế giới, với cảnh quan thiên nhiên, cùng với những danh lam thắng cảnh như sông Hương, núi Ngự, Bạch Mã, Hải Vân, đền đài, lăng tẩm, chùa nổi tiếng, di tích lịch sử và đặc biệt là nhà vườn - một nét độc đáo tiêu biểu của Huế; cho thấy tiềm năng du lịch của Thừa Thiên Huế phong phú, đa dạng, có điều kiện để phát triển nhiều loại du lịch phong phú như: du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch biển, núi, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao… đặc biệt thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam.
Đây là lợi thế rất lớn của Tỉnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mang tầm quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về du lịch.