menu_open
A Lưới (Thừa Thiên Huế): Bảo tồn, phát huy giá trị những thiết chế văn hoá gắn kết cộng đồng
Xem cỡ chữ:
Thời gian qua, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng truyền thống.

Nhà sinh hoạt cộng đồng, thiết chế văn hoá giúp gắn kết cộng đồng dân cư tại huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế). Ảnh tư liệu

Mới đây, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 (thuộc Quân khu 4 đóng tại huyện A Lưới) đã tổ chức bàn giao 2 nhà văn hóa cộng đồng tại các xã Lâm Đớt và A Roàng, huyện A Lưới. Các công trình này thuộc dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế - Quốc phòng A So, huyện A Lưới, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, học tập, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án.

Ông Hồ A Lua – Chủ tịch UBND xã A Roàng, huyện A Luới cho biết, toàn xã A Roàng có 7 thôn với 704 hộ dân, trong đó người Tà Ôi chiếm đa số (637 hộ). Hiện, trên địa bàn A Roàng có 5 nhà sinh hoạt cộng đồng tại 5 , trong đó có 2 công trình được xây dựng kiên cố hoá, số còn lại làm bằng các vật liệu truyền thống.


Công trình nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà Rông, nhà dài) thôn A Roàng 2, xã A Roàng, huyện A Lưới do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 hỗ trợ xây dựng

Trước đó, tháng 3/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế đã đến thăm, tìm hiểu đời sống của đồng bào xã Hồng Hạ, địa bàn với đa số dân cư người Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Pa Cô thuộc huyện A Lưới. Tại đây, Tổng Bí thư đã đồng ý chủ trương hỗ trợ đầu tư xây dựng cho xã Hồng Hạ một nhà Gươl để cán bộ, đảng viên và nhân dân có nơi sinh hoạt và góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào. Công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng tháng 11/2018 với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu phát triển Văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich cấp.

Công trình thể hiện truyền thống đoàn kết dân tộc, công trình của "ý Đảng, lòng dân"

Theo phòng Văn hoá và Thông tin huyện A Lưới, hiện này toàn huyện hiện có 140 nhà sinh hoạt cộng đồng. Thời gian vừa qua, A Lưới đã đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án "Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020". Đề án đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nơi đây, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, du lịch công đồng.

Qua 6 năm triển khai thực hiện Đề án, huyện A Lưới đã khôi phục được 15 nhà Rông Tà Ôi, 3 nhà Gươl Cơ Tu và 1 Târ đah Pa Cô; đồng thời xây dựng 5 nhà Văn hóa xã tại các xã Hồng Bắc, A Ngo, Phú Vinh, Trung Sơn và Lâm Đớt.

Huyện A Lưới cũng đã xây dựng 1 Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc A Lưới tại trung tâm huyện với 3 nhà sàn truyền thống, gồm: Trung tâm Thông tin Du lịch, Nhà Trưng bày hiện vật Văn hóa và hiện vật chiến tranh,Nhà thờ Bác Hồ.

Ngoài ra, A Lưới đã khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị không gian làng, bản theo kiến trúc truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các làng A Nôr (xã Hồng Kim), Pa Ris – Ka Vin (xã Lâm Đớt) A Hưa (xã Quảng Nhâm) và Pa Riing (xã Hồng Hạ). Đã phục dựng được 3 khu nhà Piing truyền thống của dân tộc Pa Cô tại các làng Ân Trieng (xã Hồng Trung), A Năm (xã Hồng Vân), A Tia 2 (xã Hồng Kim) và 1 khu nhà Piing truyền thống của dân tộc Cơ Tu tại làng Kâr So (xã Lâm Đớt).


Nhà sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong đời sống của người dân A Lưới. Ảnh tư liệu

Theo các nhà nghiên cứu, nhà sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa, vai trò và chức năng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi thành viên và cộng đồng tộc người, mang đầy đủ chức năng của một thiết chế văn hóa trung tâm của thôn, làng. Nó tượng trưng cho sức mạnh, hào khí của làng, là tâm điểm gắn bó mọi thành viên trong làng thành một khối đoàn kết thống nhất chống lại thiên tai địch họa, là nơi để mọi người con của dân tộc hướng về… Nhà làng còn là nơi các già làng trưởng bản tụ họp tranh thủ ý kiến của cộng đồng trong quá trình sản xuất, trong những tình huống khó khăn.




Nhiều hoạt động đời sống thường ngày diễn ra tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh tư liệu

Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại A Lưới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, du lịch công đồng. Các thiết chế văn hóa từng bước được xây dựng, củng cố hoạt động có hiệu quả đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo huyện A Lưới cũng thẳng thắn nhìn nhận: hiện nay còn nhiều nhà sàn, nhà dài, nhà cộng đồng chưa phát huy hết giá trị truyền thống dân tộc. Nhiều nơi nhà cộng đồng được xây dựng bê tông hóa, nhà Piing xây dựng không đúng theo mô hình truyền thống làm mất đi giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc. Các loại hoa văn trang trí nhà Rông, Gươl, Târ đah, Piing truyền thống có nguy cơ thất truyền.

Cao Tiến