Phải đến khi vua Tự Đức lên ngôi, nghi lễ này mới được chuyển vào Phú Xuân, trở thành một thắng lợi ngoại giao lớn của triều đình Đại Nam.
Thắng lợi này có công lớn của vị đại thần là Nguyễn Đăng Giai. Nhờ công đó, Nguyễn Đăng Giai được Vua Tự Đức và triều đình khen thưởng lớn.
Trước đó, Vua Gia Long sau khi lên ngôi năm 1802, đến năm Gia Long thứ 3 (1804), nhà vua mới ra Thăng Long nhận lễ tuyên phong của sứ nhà Thanh. Lúc đó, Vua Gia Long đề nghị xưng quốc hiệu Nam Việt, nhưng nhà Thanh cho rằng sợ nhầm với nước Nam Việt thời Triệu Đà, nên đề nghị đổi quốc hiệu là Việt Nam. Cũng như các triều Lý, Trần, Lê, Hồ, Mạc, các vua Việt Nam sau khi được sứ thần Trung Quốc tuyên phong thì đều được vua Trung Quốc ban cho những chiếc ấn quốc vương, như thời Lê về trước đúc chữ “Đại Việt quốc vương chi ấn”. Thời Nguyễn, Vua Thanh Nhân Tông (Gia Khánh) ban cho Vua Gia Long chiếc ấn đúc chữ “Việt Nam quốc vương chi ấn”.
Theo sử sách, chiếc ấn này có hình vuông, mỗi cạnh 111mm, dày khoảng 27mm, bằng bạc mạ vàng, nặng 5,9 kg, tay nắm tạc hình con lạc đà ở tư thế ngồi. Chiếc ấn này chỉ được triều đình Việt Nam dùng để đóng vào các bức quốc thư gửi sang giao thiệp với nhà Thanh chứ không dùng để đóng vào các văn bản đối nội. Tuy nhiên, sau khi quân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, bắt triều đình nhà Nguyễn phải thần phục và ký hiệp ước Patenotre (còn gọi là Hiệp ước Giáp Thân, năm 1884), các đại diện của Pháp như các quan Toàn quyền, Khâm sứ đã bắt các quan triều Nguyễn đem chiếc ấn đó đem nấu chảy ra, đúc thành khối bạc để xác nhận nước ta đã nhận nước Pháp là nước bảo trợ, không làm phiên phục nước Thanh nữa.
Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi, vào năm thứ hai (1821), cũng ra Thăng Long thực hiện nghi lễ này. Sau đó, vào năm 1839, Vua Minh Mạng đã quyết định đổi quốc hiệu nước ta thành Đại Nam. Vua Thiệu Trị cũng vậy, sau khi lên ngôi, vào năm thứ hai (1842), nhà vua “ngự giá Bắc tuần” ra Thăng Long và nhận lễ tuyên phong của sứ thần nhà Thanh.
Vua Thiệu Trị qua đời tháng 11 năm Đinh Mùi (1847). Ngay sau đó, theo di chiếu của cố hoàng đế, triều thần tôn hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm lên ngôi, mà không phải hoàng tử cả Hồng Bảo. Tháng Chạp năm đó, tân vương lấy Hữu tham tri bộ Hình là Bùi Quỹ sung làm Chánh sứ sang nước Thanh, Lễ bộ Hữu thị lang là Vương Hữu Quang, Quang lộc tự khanh (nguyên sung Sử quán Toản tu) là Nguyễn Du làm Phó sứ, đi sang báo với nhà Thanh việc quốc tang (tức Vua Thiệu Trị băng hà). Sau đó, nhà vua sai phái quốc thư giao cả cho sứ bộ ấy đệ sang, để xin nhà Thanh sai sứ đến kinh đô, cử hành lễ lớn về việc bang giao, tuyên phong cho vua nối ngôi. Việc này, theo sử nhà Nguyễn, “đó là theo lời tâu xin của hai vị đại thần Nguyễn Đăng Giai và Tôn Thất Bật”.
Tháp Hòa Phong xưa, một trong những công trình do đại thần Nguyễn Đăng Giai đề xuất và xây dựng.
Theo “Truyện Nguyễn Đăng Giai” trong bộ “Đại Nam liệt truyện”, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép rằng: “Khi ấy, vua mới lên ngôi, sai sứ sang nước Thanh cầu phong. Đăng Giai dâng sớ nói: Phép của tiên vương, phàm có nước tất có đô thành, triều kiến hội đồng, giảng điều tin, sửa điều hòa mục, không gì là không làm ở đấy, là để cho vững cội gốc của nước, trọng phong hóa của nhà vua để bớt sự khó nhọc cho người mà đỡ phí hao”.
Bộ sử “Đại Nam thực lục”, Tập 3, Chính biên, Nhị tập - Thực lục về Dực Tông Anh Hoàng đế (tức Vua Tự Đức), cũng do Quốc sử quán biên soạn, chép tiếp nguyên văn lời tâu của Nguyễn Đăng Giai về lý do việc xin chuyển lễ bang giao về Phú Xuân rằng: “Nước ta từ nhà Lê trở về trước, quốc hiệu gọi là An Nam, đóng đô ở Thăng Long, cho nên lễ bang giao của các triều đều thi hành ở đấy cả. Đó là chính lý, Liệt thánh hoàng đế ta dựng mở cõi Viêm Bang (ý nói các chúa Nguyễn mở mang cõi Đàng Trong), nguyên cùng với nước An Nam riêng làm một nước. Thế tổ Cao hoàng đế ta (tức Vua Gia Long), cõi bờ thống nhất, đóng đô ở Phú Xuân.
Buổi đầu trong nước dẹp yên, thông hiếu sang nhà Thanh, trước hết cải chính quốc hiệu, gọi là nước Việt Nam, đô ấp đều mới, không còn như Đinh, Lý, Trần, Lê cũ nữa. Thăng Long ở nhà Lê làm Đông Đô, ở ngày nay là một tỉnh thành, việc khác thế khác, người Thanh sao được giữ chỗ ấy để ấn định làm nơi bang giao. Huống chi, Kinh sư là nơi căn bản trọng địa, nghìn dặm tuần du, không khỏi không lo về sự xảy ra bất ngờ. Lần này việc bang giao xin phát thư cho sứ bộ đệ đi, cốt khẩn xin sứ nước Thanh về Kinh làm lễ là tiện”. Sau đó, Tổng đốc Hà - Ninh Tôn Thất Bật cũng nối tiếp trình bản tâu với nội dung như thế.
Phố mang tên Nguyễn Đăng Giai tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Theo “Đại Nam liệt truyện”, thì lúc đó, Nguyễn Đăng Giai giữ chức Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang). Ngay sau đó, vào đầu năm Tự Đức thứ nhất (1848), Nguyễn Đăng Giai được thăng chức Thự Hiệp biện Đại học sĩ, triệu về triều giữ chức Thượng thư bộ Hình kiêm sung Tổng tài Quốc sử quán.
Vua Tự Đức cho việc này quan hệ đến bang giao là việc rất lớn, lại là lần đầu chưa có tiền lệ, chưa chắc nước Thanh đã nghe, nên xuống chiếu cho đình thần và các quan địa phương được vua điểm chấm son hội đồng bàn luận rồi làm bản tâu lên. Các quan đều cho rằng: “Làm lễ ở Kinh sư, ở ta có lợi vô cùng. So sánh với sự thế, cũng có thể làm được. Vì hội họp áo xiêm, tất phải ở tại kinh đô của mình đó là lễ của đời xưa. Lấy thế mà nói đối với lẽ phải cũng thuận. Mà nước Thanh cùng với bản triều ta từ trước đến giờ, việc giao tế không chút nghi ngờ ngăn trở, nay nếu lời lẽ cho khéo, lấy thành thực mà cảm người, chắc nước Thanh cũng có lẽ tất phải theo. Xin cho Lễ thần soạn sửa quốc thư, phát giao sứ bộ đệ đạt, yêu cầu sứ thần nhà Thanh thẳng một đường tới Kinh, cử hành lễ lớn. Lại dự nghĩ sẵn những lời vấn đáp, giao cả cho sứ bộ đem đi theo đó mà làm, cần sao cho lời nói đó thực hiện được thì mới có thể trọng nơi căn bản mà đỡ phiền phí, thì lợi to lắm”. Vua Tự Đức y theo lời bàn này.
Những khó khăn trong việc đề nghị nhà Thanh làm lễ tuyên phong tại kinh đô Phú Xuân đã được sử sách triều Nguyễn ghi lại chi tiết. Đầu tiên, vào thời Vua Gia Long, khi bàn định về nghi lễ bang giao giữa hai nước trong năm Gia Long thứ nhất (1802), nhà vua đã đưa thư sang Trung Quốc, đề nghị xin tiếp sứ nhà Thanh ở trên cửa ải Lạng Sơn (cửa Nam quan, tức Hữu Nghị quan ngày nay), để đỡ phiền phí. Theo “Truyện Nguyễn Đăng Giai” phân tích thì việc chưa thành bởi lý do: “Tiếc vì lúc ấy các bề tôi chưa hay thể theo ý ấy, nhân cơ hội lớn ấy làm thành một kế nghi lớn”.
Đến sau khi Vua Minh Mạng lên ngôi và chuẩn bị ra Thăng Long nhận lễ tuyên phong, cũng từng có lời dụ rằng việc “bỏ nước đi tuần xa thì ở chỗ đất căn bản quan trọng há không có sự lo ngại không ngờ ư?".
Theo các quan đại thần ở triều Vua Tự Đức, thì việc thực hiện lễ bang giao ở Kinh sư, “thì ở ta có lợi vô cùng, mà ở người có lẽ tất phải theo, không có gì đáng ngờ nữa”. Các quan cũng tự tin cho rằng, “vả lại, nước ta là nước văn hiến, nước Thanh cũng là nước giữ lễ, theo hay không theo, coi ở lễ có nên hay không. Ta lấy lễ mà nói, thì lời rõ ràng, nghĩa chính đáng, người nước Thanh sẽ nói thế nào để chối được ư?”.
Do đó, trong Quốc thư gửi sang nhà Thanh, triều Nguyễn đã mạnh dạn xin rằng: “Từ nay về sau, sứ đoàn đến thẳng Kinh sư để làm điển lễ lớn”. Các lợi ích đạt được trong nước được kể ra rất nhiều, từ bớt được khoản tiêu phí không có hạn, đến giảm các nguy cơ mất an toàn cho vua và đoàn tùy tùng khi phải đi xa kinh thành… Sử triều Nguyễn không ghi chi tiết việc biện bạch của sứ đoàn Bùi Quỹ khi ở nước Thanh, chỉ chép rằng: “Khi tiếp được Quốc thư, sứ nước Thanh đã thuận theo. Đấy là nghĩa lớn về việc giao thiệp với nước gần bên, càng làm rạng vẻ cho quốc thể. Tuy đó là nhờ về uy linh của nước, nên sứ đoàn không đợi phải biện bạch khúc chiết”. Do đó, các viên chánh phó sứ đều được đặc cách gia ơn, mỗi viên gia thưởng một một cấp, đồng thời được hậu thưởng theo thứ bậc khác nhau. Sau đó, Vua Thanh Tuyên Tông (Đạo Quang) đã sai sứ thần là Lao Sùng Quang đến kinh đô Phú Xuân làm lễ bang giao, mọi việc đều ổn thỏa.
Sử triều Nguyễn tự khen rằng: “Làm lễ ở quốc đô lần này là lần đầu, trong đó, nghi văn nghiêm chỉnh, thể thống tôn nghiêm, cùng sự giao tế thành thực, tặng đưa ưu hậu, trước đây chưa có vậy”. Khi nghi lễ này kết thúc, Vua Tự Đức cho rằng Nguyễn Đăng Giai là người đầu tiên kiến nghị việc này, giữ được quốc thể rất nhiều, nên đã ban thưởng cho ông một đồng kim tiền có chữ "Long vân khế hội", cùng ba tấm nhiễu màu.
Lần bang giao đó cũng là lần cuối nhà Thanh thực hiện lễ tuyên phong cho vua nhà Nguyễn, vì sau khi Vua Tự Đức qua đời, quân Pháp đã xâm lược nước ta, thay thế triều đình nhà Thanh trong vai trò bảo hộ vương quốc Đại Nam.
Nguyễn Đăng Giai sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông nội ông là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoàn, cha ông là Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân, là người được Vua Minh Mạng sai dạy dỗ Hoàng tử Miên Tông, tức Vua Thiệu Trị sau này.
Nguyễn Đăng Giai thuở nhỏ theo học với thân phụ, năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông thi đỗ Hương tiến (cử nhân), sau đó được bổ vào làm ở Hàn lâm viện, rồi thăng Lang trung bộ Hộ. Năm 1830, ông được cử làm Tham hiệp trấn Sơn Nam, rồi lần lượt được cử làm Khảo thí trường thi Nghệ An, Bố chánh sử Thanh Hóa, có nhiều công đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở miền Bắc, trước khi được thăng làm Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên).
Mặc dù Nguyễn Đăng Giai có nhiều công lao với triều đình, nhưng ở trong triều, ông lại là người không hòa hợp với các bậc đồng liêu. Do đó, “Đại Nam liệt truyện” mới chép chuyện, khi ở Nghệ An khuyết chức Tổng đốc, các quan trong triều đều đề cử Đăng Giai đi nhậm chức ấy, nhưng ông dâng sớ xin từ chối và giải thích rằng, “đình thần bàn cử thần đi, hoặc là vì thần vốn tính ngu và thẳng, lúc ở thường nói năng không khỏi trái ngược họ, phàm việc bàn luận, trong đó có điều khác điều cùng, cho nên họ không thích với thần cùng hàng”.
Năm Tự Đức thứ 6 (1853), Nguyễn Đăng Giai được cử làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) kiêm coi công việc ở Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên), Lạng Bằng (Lạng Sơn và Cao Bằng). Kỳ xét thưởng năm ấy, ông thưởng một cái kim khánh hạng lớn có chữ "Liêm bình cần cán". Đến mùa thu năm ấy, ông qua đời ở Hà Nội, được nhà vua khen thưởng rất hậu để nêu người trung tiết, tặng hàm Thiếu bảo, ban cho tên thụy là Văn Ý. Năm Tự Đức thứ 11, ông liệt vào thờ ở đền Hiền Lương. Các sử quan triều Nguyễn bình luận về công lao của ông: “Đọc đến những biểu chương sớ tấu của ông thì kiến thức lúc bình sinh, đầy rẫy ra ở lời nói, tuy bề tôi có danh tiếng đời xưa cũng không hơn được”.