menu_open
Đồi A Biah (Huế) – Địa danh chấn động trời Tây
Xem cỡ chữ:
Đồi A Bia ngày nay
Từng là một cứ điểm cách mạng quan trọng trong những năm kháng chiến, Đồi A Biah (hay còn gọi Hamburger Hill, Đồi Thịt Băm, Cao điểm 937, đồi A Bia) thuộc địa phận thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay là một địa chỉ đỏ thu hút du khách trong và ngoài nước bởi những câu chuyện liên quan đến chiến tranh, cả trong lịch sử lẫn sự chuyển mình từ huyền thoại.
Đồi A Bia ngày nay

A Bia là điểm cao nhất (937 mét so với mặt nước biển) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt-Lào. Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 mét. Tại đây, sau thất bại trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn Thừa Thiên Huế, trong đó cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới. 

Đồi A Bia là ngọn đồi có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trên địa bàn rừng núi, đứng trên đỉnh đồi có thể quan sát toàn cảnh thung lũng A Lưới. Đường đến A Bia rất hiểm trở nhưng trên đỉnh lại tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình quân sự, kho tàng, sân bay dã chiến, trận địa pháo… Chính vì những lợi thế chiến lược, xung yếu đó mà cả ta và địch đều tìm mọi cách chiếm lĩnh vị trí quan trọng có ý nghĩa chiến lược này.

Lính Sư đoàn Không vận 101 của Mỹ đổ bộ lên Đồi Thịt Băm ở thung lũng A Sầu ngày 18/5/1969.

Vào trung tuần tháng 5 năm 1969 Mỹ, Ngụy mở Chiến dịch tấn công A Bia. Tại đây, đã diễn ra trận đánh lịch sử giữa quân đội Mỹ và quân dân ta, trực tiếp là Sư Đoàn 324 và quân dân A Lưới đã làm nên lịch sử trận đánh đồi A Biah – một trong những “trận đánh ác liệt nhất, khủng khiếp nhất và kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam” đối với quân đội Mỹ và không ai khác chính họ đã gọi tên Đồi A Bia thành đồi Thịt Băm lính Mỹ “Hamburger Hill”.

Địch chọn A Bia làm địa điểm tập kết quân, gồm 13 tiểu đoàn Mỹ-Ngụy kết hợp với lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ, hòng đẩy quân ta ra sát biên giới Việt-Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Song lợi dụng địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt rừng núi, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, tiêu diệt 1.500 tên, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí chiến tranh.

Doi Thit bam Hue

Những người lính Mỹ tham chiến tại đồi A Bia vào năm 1969 - ảnh tư liệu tại nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia.

Cụ thể, Chiến dịch tấn công A Bia của Mỹ mang tên “Tuyết rơi trên đỉnh núi” (Apache Snow), một chiến dịch gồm ba giai đoạn nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong khu vực thung lũng A So (A Shau), một mắt xích trong tuyến đường chi viện vào miền Nam Việt Nam.

Hamburger Hill in Hue

Bản đồ của Quân đội Mỹ về trận đánh A Bia - Hamburger Hill (Ảnh: Tạp chí Sông Hương)

Diễn ra trong vòng 9 ngày đêm (từ ngày 10/5 đến ngày 18/5/1969), với lực lượng 13 Tiểu đoàn, trong đó có 8 Tiểu đoàn lính thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay (Anh cả đỏ) của Mỹ hành quân bằng chiến thuật thiết xa vận và trực thăng vận, dưới sự yểm trợ của Không quân và Pháo binh, hình thành năm tầng hỏa lực trên không và mặt đất, gồm tầng cao nhất là máy bay rải thảm B52; tầng hai là các loại phản lực bổ nhào; tầng ba là trực thăng vũ trang săm soi; tầng bốn Pháo binh mặt đất, cuối cùng là hỏa lực bộ binh đi cùng như Cối 81, ĐKZ57, chống tăng M72 và cối cá nhân M79 đánh vào khu vực A Bia. Mỹ hòng biến đỉnh núi A Bia chỉ còn trắng xóa tuyết rơi nhằm đẩy lực lượng Quân giải phóng sang bên kia biên giới Lào, phá kho tàng, cắt đường vận chuyển từ Bắc vào Nam qua địa bàn A Lưới, ngăn chặn từ xa đề phòng một Mậu Thân 1968 tiếp theo. Nhưng dưới sự đánh trả quyết liệt, anh dũng, quật cường của sư đoàn 324 và quân dân A Lưới, kết cục đã thành “Máu rơi trên đỉnh núi”.

Đối với Quân đội Mỹ, Hamburger Hill được xếp vào hàng: Những trận đánh quyết định trong chiến tranh Việt Nam.

Hamburger Hill in Hue

Hình ảnh chiến sự ở Đồi A Bia - nơi được mệnh danh là Đồi thịt băm (Hamburger Hill) trên báo chí Mỹ. Nguồn ảnh: Pinterest

Chiến thắng A Bia không chỉ làm phá sản ý đồ tìm kiếm một chiến thắng để rút ra trong danh dự cho quân đội Mỹ, trấn an quân đội Sài Gòn, mà còn tạo ra một chấn động dữ dội ngay trong lòng nước Mỹ. Chiến thắng A Biah đã góp phần chôn vùi giấc mộng chiếm đóng, làm chủ căn cứ chiến lược này của các đời Tổng thống và chỉ huy đạo quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam; là dấu chấm hết cho chiến lược chiến tranh Cục Bộ, buộc Mỹ chuyển sang giai đoạn thực hiện chiến lược Việt Nam Hóa Chiến Tranh và mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương.

Chiến thắng đồi A Bia được xem là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến tranh Việt Nam, kể cả mức độ ác liệt của chiến tranh, sự leo thang hiếu chiến của quân địch và sự thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Mỹ; là một dấu son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta.

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, Đồi A Bia đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 13/10/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đầu năm 2021, di tích này được UBND tỉnh gửi tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

doi a bia hue

Đường lên đỉnh đồi A Bia - Huế (Ảnh: Hà Thiêm/aluoi.thuathienhue.gov.vn)

Ngày nay, từ xã Hồng Bắc, nơi UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư một tuyến đường khá rộng dẫn tới chân núi. Từ đây, chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567 mét và lên tới đỉnh A Bia, một hành trình ngắn nhất nhưng phải trải qua sự thử thách là những con dốc ngày càng nhiều, ngoằn ngoèo, trơn trợt và độ dốc càng khủng khiếp. 

doi thit bam hue

(Ảnh: @mapio.net)

Bước qua chiến tranh, đồi Thịt Băm ngày nào từng là nỗi khiếp đảm của bao lính Mỹ nay được phủ bởi một màu xanh của cây cối tốt tươi. Một con đường bê tông dài 3,5 km, nối từ trung tâm xã Hồng Bắc đến đồi A Bia đã được cây dựng để phục vụ khách du lịch chinh phục quả đồi này.

Để lên tới đỉnh A Bia, du khách phải chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567 mét với nhiều đoạn đường ngoằn ngoèo, trơn trợt và độ dốc khủng khiếp. Càng vào sâu và lên cao, sự bí ẩn của núi rừng càng trở nên hấp dẫn, nhất là bắt đầu nghe được tiếng chim rừng kêu, khám phá những cây cỏ lạ và đặc biệt là những dấu tích chiến tranh còn lại. Len lỏi giữa đất đai và cây cỏ, thỉnh thoảng bắt gặp những mảnh bao cát hay đồ nhựa còn lại của lính Mỹ. Dưới những gốc cây còn có cả những đoạn công sự ngày nào. 

Thỉnh thoảng xuất hiện những biển chỉ dẫn, gợi nhớ về một ký ức xưa: Trạm xá A Bia, điểm rơi máy bay trực thăng Mỹ… 

Đồi Chiến Thắng A Lưới Huế

Nhà bia tưởng niệm trên đỉnh đồi A Bia (Ảnh: Hà Thiêm/aluoi.thuathienhue.gov.vn)

Nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về khu di tích đồi A Bia với hàng trăm bức ảnh tư liệu và hiện vật đã phần nào tái hiện lại sự khốc liệt của chiến tranh năm xưa.

Tại khu vực đỉnh đồi, địa điểm sân bay trực thăng A Bia cũ đã được dựng một nhà bia tưởng niệm. Còn tất cả đều là rừng già. Từ đỉnh A Bia, mọi người có thể phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh thị trấn A Lưới, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, bao bọc bởi trùng điệp núi rừng. Chợt nhận ra lý do tồn tại cái tên đồi Thịt Băm và vị trí chiến lược của nó trong chiến tranh...

Đến với A Bia là hành trình tìm hiểu lịch sử, là điểm đến của hoài niệm về chiến trường xưa cũng như là nơi thử thách các bạn trẻ muốn chinh phục và tìm hiểu về quá khứ hào hùng mà cha ông đã ghi dấu vào sử sách.

Đến với A Lưới, một huyện miền núi của Thừa Thiên Huế là đến với vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, khám phá những giá trị văn hóa nguyên bản của bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi… với những nét văn hóa cộng đồng, với ẩm thực vùng cao, với những giá trị thẩm mỹ trong những sản phẩm Dèng độc đáo, cộng hưởng trong đó là những chứng tích chiến tranh, những địa đạo và hệ thống hang động đã vang danh trong các trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: A Đon, A Nôr, A Púc, A Ting, Còng A Pó, Động So A Túc, Cà Vá, Động Tiên Công, Kòng… Và Đồi A Bia mãi mãi là biểu tượng chiến thắng và sự hy sinh xương máu của quân và dân ta, nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.