Theo sử sách thì dưới triều Tây Sơn, nhiều thợ rèn Hiền Lương tham gia quân đội, rèn gươm giáo cho nghĩa quân Tây Sơn, trong số ấy có một người họ Hoàng được tuyển chọn để rèn gươm cho chủ soái Nguyễn Huệ.
Dưới thời nhà Nguyễn, những trai đinh trong làng đã được tuyển mộ vào Dã Tượng cuộc (một tổ chức thợ rèn của nhà nước). Một số người xuất sắc trở thành những vị quản lý, đốc công ở những cơ sở này hay Sở Vũ khố của bộ Công như: Hoàng Văn Gia, Hoàng Văn Cẩn, Hoàng Văn Lịch, Trần Văn Đắc.. Đặc biệt, ông Hoàng Văn Lịch đã làm cho nghề rèn Hiền Lương vang danh khắp thiên hạ. Năm 1840 ông với các binh tượng của triều đình đã chế tạo thành công 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam. Sau sự kiện này, ông được phong tước Lương Sơn Hầu và được xem là người khởi đầu nghề cơ khí của Việt Nam.
Vào cuối thế kỷ 19, theo Chiếu Cần vương, nhiều thợ rèn Hiền Lương hăng hái tòng quân lên chiến khu Tân Sở, mở lò sản xuất vũ khí chống Pháp. Đầu thế kỷ 20, nhiều thợ rèn Hiền Lương trở thành những người thầy dạy nghề rèn và cơ khí tại Trường Bá công (Bách công kỹ nghệ thực hành đầu tiên của Việt Nam) được lập tại Huế dưới triều vua Thành Thái…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều con dân Hiền Lương làm cách mạng, đem nghề rèn phục vụ kháng chiến cứu quốc trong ngành quân giới, súng đạn, hỏa xa tiêu biểu như các vị Hoàng Trình, Trương Công Cẩn, Hoàng Ngọc Diêu, Dương Phước Phùng...Có người như ông Trần Hữu Nam vừa hoạt động cách mạng vừa đem nghề rèn dạy cho người dân miền núi Thừa Thiên, nên được dân kính trọng gọi bằng danh xưng thân thương: “Ông Cu Đe”... Từ người thợ rèn đi làm cách mạng, về sau họ trở thành những tướng lĩnh, cán bộ trung, cao cấp của Đảng, quân đội, Nhà nước... Và cũng chính nhờ nghề rèn truyền thống mà con dân Hiền Lương sớm được học hành đỗ đạt: thời Hán học đã có nhiều người đỗ đại khoa, cử nhân, tú tài; thời hiện đại nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo... đều không quên cái gốc con dân làng rèn.
Những năm gần đây, trong công cuộc đổi mới đất nước, rất nhiều người con của làng rèn Hiền Lương sống ở mọi miền Tổ quốc đã được phong “Nghệ nhân Bàn Tay Vàng” nhờ có kỹ năng nghề rèn – cơ khí tinh xảo, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Hiền Lương. Nhiều doanh nghiệp cơ khí của người Hiền Lương được thành lập và làm ăn phát đạt.
Với bề dày truyền thống và những đóng góp to lớn, làng rèn Hiền Lương đã được UBND tỉnh công nhận Làng nghề và Làng nghề Truyền thống theo quyết định 971/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2016 về việc công nhận Làng nghề, Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.