Ngày 15/3/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Riêng nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế, nhờ sự khai nghề của danh nhân Đặng Huy Trứ, nghề nhiếp ảnh đã từng bước phát triển và khẳng định vị thế.
Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước truy phong danh nhân Đặng Huy Trứ là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam, bởi vào ngày 15/3/1869, một sự kiện gây xôn xao không chỉ ở Bắc Kỳ mà cả ba miền, đó là tại phố Thanh Hà (Hà Nội) khai trương hiệu ảnh đầu tiên mang tên “Cảm Hiếu Đường” do ông Đặng Huy Trứ - một người Việt Nam làm chủ.
Trong đó, chính Đặng Huy Trứ đã làm hai câu đối “quảng cáo” nêu rõ mục đích của việc chụp ảnh:
Câu đối 1: “Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường”, dịch nghĩa là: “Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng”.
Câu đối 2: “Hiếu dĩ thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền”. Khương Hữu Dụng đã dịch nghĩa là: “Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền”.
Từ đó, hằng năm, cứ đúng vào dịp kỷ niệm ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường do danh nhân Đặng Huy Trứ sáng lập, những nghệ sĩ nhiếp ảnh của Huế và các tỉnh, thành lại cùng nhau tụ về từ đường họ Đặng tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà - quê hương của ông để thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ về ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam.