menu_open
Người “giữ lửa” văn hóa ở A Lưới
Xem cỡ chữ:
Già Hồ Văn Hạnh làm chủ lễ cúng A Da truyền thống. (Ảnh tư liệu)
Rời xa quê hương, thôn bản, cùng vợ khăn gói đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội với mong muốn giới thiệu và quảng bá văn hóa của dân tộc mình đến du khách thập phương, là câu chuyện điển hình về già làng Hồ Văn Hạnh ở thôn A Niêng Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Già Hồ Văn Hạnh làm chủ lễ cúng A Da truyền thống. (Ảnh tư liệu)

Năm 2016, già Hồ Văn Hạnh là Trưởng nhóm nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng và dân tộc Tà Ôi, Pa Cô tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) để bảo tồn, giới thiệu bản sắc văn hóa cộng đồng, tái hiện các ngày lễ, nghi lễ truyền thống cho các đoàn khách trong và ngoài nước.

Với tính cách vui vẻ, hòa đồng, già Hạnh được bầu làm Trưởng ban Đoàn kết cộng đồng của Làng dân tộc Tà Ôi, Pa Cô tại đây. Bằng trách nhiệm, xứ mệnh của mình, già Hồ Văn Hạnh cùng đồng bào trong Làng đã cùng nhau tái hiện các lễ hội văn hoá dân tộc gắn với không gian sống của đồng bào; tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cho đồng bào…

“Trước đây, chúng tôi chỉ quen biểu diễn trong phạm vi cộng đồng thôn bản, việc tiếp xúc với các đoàn du khách lớn, nhất là khách nước ngoài khiến các nghệ nhân có phần e dè. Để khắc phục, chúng tôi dành nhiều thời gian làm quen, học hỏi kinh nghiệm từ các bạn làng xung quanh”, già Hạnh chia sẻ.

Qua các hoạt động đã tạo được niềm tin, sự gắn bó của cộng đồng các người Pa Cô đang hoạt động hằng ngày tại đây. Chính nhờ thế mà đồng bào các dân tộc huyện A Lưới rất tự hào khi được mang bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô giới thiệu với du khách, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, du khách đến với Làng dân tộc Tà Ôi, Pa Cô được tiếp cận và trải nghiệm văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và độc đáo của đồng bào các dân tộc.

Cuối năm 2018, già Hồ Văn Hạnh rời Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam trở về quê hương A Lưới khi hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Chuyến xa quê gần 2 năm, đã để lại cho ông nhiều trăn trở. Ngày trở về là ngày ông vẫn mang trong mình bao nhiêu dự định, ấp ủ với tâm nguyện duy nhất làm sao để văn hóa của người Tà Ôi, Pa Cô không bị mai một mà luôn được phát huy trong cộng đồng.

Khi trở về quê hương, già tiếp tục được bà con tín nhiệm bầu là Người có uy tín. Với kinh nghiệm được học tập từ bên ngoài, già đã vận động bà con tích cực duy trì các câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn hoạt động sôi nổi. Đặc biệt, già Hạnh đã vận động bà con giữ nghề đan lát, thổ cẩm truyền thống làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch, giúp bà con có thêm thu nhập.

Trong mọi hoạt động ở thôn, xã, già Hồ Văn Hạnh luôn tích cực đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm. Nhờ thế, thôn Lê Triêng đã thoát nghèo bền vững bằng mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, ao chuồng, mô hình trồng sắn, kết hợp chăn nuôi dê, gà và đào ao thả cá...

Bên cạnh đó, già Hạnh còn được biết đến như một nghệ nhân văn hóa dân gian thực thụ khi già đã có công sưu tầm, lưu giữ các điệu múa cổ như: Cha chấp, Boi bói, Ca lơi... Già cũng là một trong số ít người biết cách chế tác nhạc cụ của người Pa Cô như Câr dóc Adoll, A bel, khèn, sáo.

Già cũng luôn canh cánh nỗi lo mai một văn hóa truyền thống của dân tộc khi giới trẻ dần không mấy hứng thú với nhạc cụ truyền thống. Già đã tổ chức dạy 2 đội văn nghệ (14 người) học các điệu múa cổ, làn điệu dân gian để phục vụ các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu... “Quan trọng nhất, là tạo được sự hứng thú cho lớp trẻ khi tiếp xúc với văn hóa truyền thống của dân tộc, những hủ tục rườm rà, không hợp thời có thể lược giản để phù hợp hơn với tình hình hiện nay”, già làng Hạnh cho biết.

Vũ Hào