Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765), húy là Hiểu và Khải, đạo hiệu Từ Tế Đạo Nhân, hiệu Võ vương, là vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765.
Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát là con trai trưởng của Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ và Thục phi Trương Thị Thư, được kế vị ngôi chúa ngày 7/6/1738, lấy Phú Xuân (Huế) làm kinh đô. Ông là vị chúa đầu tiên xưng vương ngay trong đời sống của mình vì những vị chúa trước chỉ tự xưng Thái bảo Quận công, rồi sau vài năm được suy tôn Thái phó Quốc công, và sau khi tạ thế, các chúa mới được truy tặng vương hiệu.
Thời Chúa trị vì, đất đai, điền thổ được mở mang, góp phần hoàn thành công cuộc Nam tiến của dân tộc. Lãnh thổ Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản đã được định hình xong. Lúc bấy giờ, có nhiều cải cách được ban hành như: Phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Bộ máy hành chính chia làm 6 bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công.
Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Ngày 7/7/1765 (20 tháng 5 Ất Dậu), chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại lăng Trường Thái, làng La Khê, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Triều Nguyễn truy tôn ông là Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế.