menu_open
Ngẫm về tà áo dài tím Huế
Xem cỡ chữ:
Chẳng quá lời đâu nếu bảo rằng, Huế hôm nay là thành phố áo dài.

Chẳng quá lời đâu nếu bảo rằng, Huế hôm nay là thành phố áo dài. Ở Huế, người ta không vì nghèo mà lạ lẫm với áo dài, không vì thiếu một chỗ làm trang trọng mà mất cơ hội mặc áo dài, cũng không vì giàu sang phù hoa mà quay lưng với áo dài. Tất cả cứ không hẹn mà tự nhiên dành một tình yêu giản dị và sâu sắc cho áo dài.

Ở Huế, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh tà áo dài trên mọi góc phố sầm uất bờ Nam, nơi công viên, bảo tàng, hay giữa chốn vàng son kinh thành Huế uy nghiêm, trầm tư bên bờ Bắc. Có khi ở giữa khu chợ Đông Ba nhộn nhịp, thấp thoáng tà áo dài của các chị, các mẹ đang gánh gồng hàng đi cho kịp buổi chợ sáng.  Tôi hay vướng vít một Huế thơ mộng đến khôn cùng trong những buổi trưa mùa hạ, từng giọt nắng mềm còn quyến luyến trên phiến lá xanh um, và những cô nữ sinh Đồng Khánh túa ra khỏi cổng trường rập rờn như đàn bướm trắng…

Áo dài là trang phục mà người Việt Nam từ lâu đã luôn coi là quốc phục trong tâm thức, dù chưa có một văn bản chính thức nào quy định. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử ra đời của chiếc áo dài bắt nguồn từ năm 1744 sau khi lên ngôi ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Chính vì thế chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài với nhiều thăng trầm. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài đàng trong mà vạt được xẻ thành tà áo. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó. Tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử, tà áo dài của thiếu nữ Huế có khi mang sắc trắng, khi sắc xanh, và khi sắc tím. Bàn về màu tím, sắc tím không phải là màu riêng của Huế, nhưng không hiểu sao cứ phải đến Huế mới thấy màu tím đúng là tím nhất qua tà áo dài. Và cứ thế, màu áo tím trở thành nét duyên của con gái Huế, màu của tình yêu, màu của nỗi nhớ, nỗi ám ảnh dịu dàng trong tâm thức bao người... Chính vì lẽ đó mà khi nhắc đến áo dài tím, mọi người trong nước cũng như nước ngoài thường nghĩ ngay đến kinh đô Huế, đây là một hiện tượng hiếm thấy khi gắn phong cách của một địa phương với màu sắc và từ đó trong bảng màu dân gian, màu sắc mang tên một địa phương.

Tôi vẫn cứ băn khoăn mãi, tại sao các o, các mệ Huế lại yêu màu tím đến thế. Tôi đem câu hỏi ấy đi hỏi một người bạn của mình, anh Võ Quang Trung – giảng viên khoa Mĩ Thuật ứng dụng, trường Đại học Nghệ thuật Huế. Anh đã có lý giải thật thú vị. Thứ nhất, màu tím là màu trung tính. Vì sao lại cho rằng màu tím là màu trung tính? Vì nếu ai từng học qua lý thuyết màu trong hội họa đều biết rằng, màu tím là kết quả pha trộn của hai màu: đỏ (hành Dương) và xanh dương (hành Âm). Cho nên trong màu tím đã có đủ âm dương trung hòa nên gọi là màu trung tính. Cũng vì trung dung cho nên không rơi vào nhị biên của thái quá, của cực đoan, thành thử hợp với lẽ Đạo, có khuynh hướng lâu bền, trường tồn. Từ chỗ này chúng ta hiểu được vì sao màu tím thường đại diện cho sự chung thủy, sự lâu bền của một mối quan hệ. Người Huế chung thuỷ, ít thay đổi và ít thích sự thay đổi nên màu tím là gam màu tương hợp với tính cách của người Huế. Thứ hai, màu tím lôi cuốn sự sáng tạo, cảm giác lãng mạn và tăng thêm tính tinh tế cho thiết kế của bạn. Có nhiều màu sắc trong bảng màu của nhân loại, nhưng hình như có một màu tím, người ta chợt nhận ra một cách thấm thía bởi cảm xúc hơn là bằng thị giác: Dịu, lạnh, và kín – những cảm giác đan xen nhau làm cho người ta có một thứ xúc cảm thật khó tả. Màu tím còn là màu đại diện cho sự lãng mạn, tinh tế và sâu sắc cũng do vì trong nó đã mang cả hai yếu tố của âm và dương, đại diện cho sự hiện diện và kết hợp giữa người nam và người nữ. (Phải chăng thế nên Huế được xem là miền đất của thi ca nhạc hoạ?). Thứ ba, màu tím trong thiên nhiên rất hiếm và ngày xưa việc có được màu tím nhân tạo là một thành tựu đáng giá. Màu tím đồng thời cũng là bước sóng mạnh nhất của cầu vồng – nó là màu có nghĩa lịch sử và phát triển theo thời gian….

Từ cuộc trò chuyện với anh Trung, tôi như được ngộ ra nhiều điều. Thơ thẩn dạo bước trên con đường 23/8, ngắm nhìn bóng hoàng hôn nhuốm màu trên từng viên gạch rêu phơi của Đại Nội, tôi bất chợt nhận ra rằng màu tím ấy lại sinh ra như chỉ để dành cho Huế - một Huế rủ bóng lầu son gác tía, đền đài thành quách in dấu dòng thời gian hơn cả trăm năm quyền uy dưới vương triều nhà Nguyễn. “Lầu son, gác tía”. Tía chính là mầu tím. Màu cao quý của các hoàng tộc, vương tôn. Và trong cái bảng lảng của bóng tịch dương sắp khuất, trước mắt tôi, sắc hoàng hôn với ánh cam nhàn nhạt trên Kinh thành Huế thoắt hoá thành màu tím lavender huyền bí, không dễ kiếm tìm. Giờ tôi mới hiểu vì sao lũ bạn tôi vẫn truyền tai nhau rằng Huế đẹp nhất vào lúc hoàng hôn. Bởi trong khoảnh khắc ấy, hoàng hôn của Huế mang màu tím, đầy quý giá, không phải nơi nào cũng có được. Cũng giống như trong thiên nhiên, màu tím hình như chỉ có thể được tìm thấy trong hoa oải hương, hoa vilolet và trong những buổi chiều tà…

Màu tím chính là màu được người Huế ưa thích. Người trẻ tuổi thì xem màu tím là màu của hạnh phúc, không vướng bận. Những người lớn tuổi thì xem nó là sự sâu sắc, thâm trầm. Áo dài tím Huế cứ thế, in dấu trên cầu Tràng Tiền, trên thành quách cổ kính và cùng với vành nón bài thơ nghiêng nghiêng soi bóng trên nền trời đất cố đô như một vầng trăng khuyết đến từ nghìn năm…

“Tà áo tím, trót thương tà áo tím

Nón ai nghiêng hờ hững đứng giữa dòng

Mắt lệ buồn rơi mấy nhịp cầu cong

Hơn đôi lần cố đô sầu môi mắt

Anh về Huế tìm dáng em không thấy

Thẫn thờ tìm, thờ thẫn, thuở em xinh

Ai quên ai đất Thần Kinh rêu phủ

Khói thuốc anh hư ảo tựa dáng hình”

(Tìm Huế - Huỳnh Minh Nhật)

Văn Thị Kim Dung