Dưới thời trị vì của vua Tự Đức (nhà Nguyễn), mỗi mùa Sen đến vào thời điểm khi hoàng hôn rải nắng vàng lên mặt hồ sen, các thiếu nữ thời đó chèo thuyền ra chọn những bông sen đang còn hé nụ và lén bỏ vào một nhúm trà nhỏ. Đêm xuống cánh hoa Sen cúp lại, ấp ủ, những nhúm trà được thấm đẫm hương thơm của sen. Sớm hôm sau khi ánh bình minh chưa chạm tới những đóa Sen, thì các thiếu nữ lại chèo thuyền ra lấy lại những nhúm trà đó. Trà rất thơm hương tự nhiên của đất trời trong suốt đêm dài. Cũng thế, nước pha trà được hứng từ những lá Sen còn đọng sương sớm. Đây chính là thiên cổ đệ nhất trà vào thời bấy giờ.
Để có được một lượng lớn trà ướp hoa Sen và còn cất giữ đến những mùa sau khi đã hết mùa Sen thì người dân phải gỡ lấy hạt trắng ở mỗi nhụy hoa Sen, hạt trắng này thường được gọi là gạo Sen, sau đó đem đi trộn lẫn với trà, rồi ủ kín. Khi gạo Sen khô héo và teo lại, đem đi sấy với lửa liu riu để giữ được mùi hương tự nhiên của hoa Sen. Đây là một quá trình rất công phu, mất nhiều thời gian, nhưng để có được loại trà thơm, ngon thì cũng thật xứng đáng.
Một cân trà ướp hương Sen cần có 1000 đến 1400 bông Sen. Sen được hái khi trời vừa mới ửng sáng, lúc còn e ấp hơi sương, tinh túy của đất trời còn đọng lại trong đài nhụy sen. Bông Sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo Sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 7-9 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp.
Ngày xưa, trong các hoàng cung vua chúa, các bà phi, bà hoàng phải dành rất nhiều công phu, chắt lọc từng giọt sương mai trên búp sen khi mặt trời chưa lên cao. Còn các bậc tiền nhân thường sử dụng nước mưa để giúp chén trà hoa có vị ngọt thanh, sau khi uống hết sẽ cảm nhận được vị ngọt còn vấn vương nơi cổ họng.
Công phu là thế nên một ấm trà Sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương Sen còn ngan ngát.