Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nghệ An, Bắc Giang và Quảng Ngãi. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Các ý kiến khẳng định, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Phiên thảo luận tại Tổ 3
Góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, việc Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương không chỉ là mong mỏi của cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân Huế mà còn là nguyện vọng chung của cả nước, mong muốn địa đanh có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, có dấu ấn đậm nét, bề dày truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc, có thể phát triển xứng tầm với sự phát triển của đất nước.
Với vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng như vậy, tuy nhiên điều kiện tự nhiên của Huế không quá thuận lợi nhưng đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, địa phương đã nỗ lực rất lớn trong thời gian qua, điều này cũng thể hiện sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Huế.
Đại biểu cũng đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ khi các điều kiện, tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương đều đạt được; đồng thời mong muốn Quốc hội và các địa phương trên cả nước ủng hộ cho chủ trương này và ủng hộ cho sự phát triển của thành phố Huế theo sự vươn mình phát triển của đất nước, xứng tầm với thành phố trực thuộc trung ương.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Thống nhất cao với chủ trương này, tuy nhiên đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ băn khoăn đối với thành phố trực thuộc trung ương, mô hình tổ chức chính quyền có gì thay đổi và có nên thay đổi ngay trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy lần này hay không? Hay sau này mới tiến hành sắp xếp lại?
“Ví dụ như Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương tương tự như Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh thì có nên triển khai ngay mô hình tổ chức chính quyền đô thị để thiết lập một bộ máy hành chính đồng bộ ngay từ đầu, thực thi các chính sách cho hiệu quả. Chính quyền đô thị có những lợi thế để phát triển đô thị. Nhân quyết định này, tại sao chúng ta không quyết định ngay cho thành phố Huế thực hiện mô hình chính quyền đô thị tiêu biểu nào đó, như Hải Phòng chẳng hạn”, đại biểu nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này, để khi Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương có mô hình tổ chức chính quyền đô thị tạo sự khác biệt, tạo ra ưu thế cho sự phát triển, mang tính chất của một đô thị.
Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Thống nhất cao với Tờ trình về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, đại biểu Đặng Ngọc Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, điều này là rất cần thiết, vừa có cơ sở chính trị và pháp lý rõ ràng, dựa trên các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Huế từng là cố đô của Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, do đó, việc thành lập Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương đáp ứng yêu cầu pháp lý và thực tiễn.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Văn Lâm, đại biểu Đặng Huy cho rằng, cần xác định luôn mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Huế như thế nào trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Như vậy, chúng ta không cần một Nghị quyết mới của Quốc hội về việc thành lập, tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Huế. Đề án nêu rõ: “Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, thành phố sẽ triển khai nghiên cứu đề xuất tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Huế, cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và thành phố Huế, giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố Huế, phù hợp với đặc điểm, tính chất của thành phố trực thuộc trung ương là đô thị loại I cấp quốc gia”.
Do đó, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, chúng ta cần có một luật riêng về luật tổ chức chính quyền đô thị, luật về tổ chức chính quyền nông thôn, qua đó làm rõ được chính quyền đô thị loại I sắp xếp ra sao, loại đặc biệt sắp xếp như thế nào. “Còn hiện chúng ta đang thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và tới đây là Hải Phòng. Mô hình mỗi nơi khác nhau, chưa có mô hình chung nào cả”. Vì vậy, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ ban hành riêng luật về tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
Đồng tình với các ý kiến nêu trên, đại biểu Phạm Phú Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý về việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Huế trong thời gian tới. Đại biểu cho biết, nếu Huế được thành lập là thành phố trực thuộc trung ương thì đây sẽ là thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên có đường biên giới.
Đại biểu Phạm Phú Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
“Hiện nay các tỉnh và các địa phương trên toàn quốc không có thành phố trực thuộc trung ương nào có đường biên giới với nước ngoài. Nếu Huế được thành lập thì toàn bộ huyện A Lưới giáp với Lào sẽ có đường biên giới thuộc một thành phố trực thuộc trung ương”, đại biểu Phạm Phú Bình nêu rõ.
Nhấn mạnh các xã biên giới được coi là khu vực đặc thù và có quy định riêng đối với công tác quản lý về tổ chức chính quyền lẫn quản lý liên quan đến công tác biên phòng, đại biểu Phạm Phú Bình cho rằng, việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị cần có đặc thù liên quan đến tổ chức ở các xã biên giới, đây là điểm rất khác biệt nếu chúng ta xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị thống nhất trên toàn quốc.
Nhận thấy nội dung này chưa được nêu rõ trong Đề án của Chính phủ, đại biểu Phạm Phú Bình đề nghị trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội không nêu nội dung này, nhưng Chính phủ và thành phố Huế cần quan tâm hơn về vấn đề này khi xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong thời gian tới.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Các ý kiến nêu rõ, Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Thống nhất cao với chủ trương ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, tuy nhiên, các ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:
Toàn cảnh Phiên họp
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu dự Phiên họp
Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Các đại biểu dự Phiên họp
Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Đại biểu Phạm Phú Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại Phiên thảo luận./.