Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Huế
Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ đồng tình về việc này và hiến kế để phát triển thành phố Huế nhanh, bền vững.
Tiếp thu giải trình ý kiến các ĐBQH về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nội dung này mang tính lịch sử, khi đây là thành phố văn hóa di sản đầu tiên của Việt Nam và là thành phố di sản của thế giới, của nhân loại đã được UNESCO công nhận, vinh danh.
Theo Bộ trưởng, các ĐBQH đã bày tỏ ủng hộ, đồng tình, thống nhất cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ý kiến của các đại biểu chất chứa những kỳ vọng, đồng thời đề xuất những nội dung để đưa Huế xứng đáng trở thành thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương và để làm sao thành phố phát triển nhanh, bền vững như mong đợi.
Theo Bộ trưởng, sau sắp xếp, thành lập, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã).
Có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường).
Bộ trưởng nhấn mạnh, không chỉ tập trung thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương mà còn phải gắn kết sự đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của cả nước hiện nay.
Bộ trưởng cũng tán thành cao các ý kiến góp ý về việc phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, tại kỳ họp này Chính phủ cũng trình Quốc hội 2 báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước mắt, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết này và Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi sơ kết 5 năm, Bộ Chính trị sẽ có kết luận mới và các cơ quan liên quan tham mưu để Quốc hội ban hành nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách vượt trội hơn, mạnh hơn và toàn diện hơn để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa.
Cần kết nối du lịch giữa Huế với các địa phương và quốc gia khác trong khu vực
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị cần có hướng đi cá nhân hóa, tối ưu hóa các đặc trưng riêng trong quá trình phát triển thành phố Huế.
Theo đại biểu, thành phố Huế mang những đặc trưng rất riêng biệt so với các địa phương, các đô thị khác trong cả nước nên để thành phố Huế trực thuộc Trung ương phát triển mạnh mẽ thì việc cá nhân hóa, tối ưu hóa các đặc trưng riêng phải được coi là trục cơ bản xuyên suốt của quá trình phát triển của thành phố Huế trực thuộc Trung ương, không cần thiết phải liệt kê đầy đủ, đồng đều các lĩnh vực phát triển khác như những đô thị khác, như các thành phố trực thuộc trung ương khác.
"Đề án của Chính phủ đã nhấn rất mạnh vào việc tập trung trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế, gắn với phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa phụ trợ cho phát triển du lịch là hướng đi tối ưu", đại biểu đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Tuy vậy, đại biểu Hải Dương cho rằng cần đánh giá cho rõ hơn nữa các tác động không mong muốn, trên thực tế sẽ có mâu thuẫn trong quá trình phát triển giữa một bên là việc bảo tồn, gìn giữ tốt không gian cố đô cùng các di tích, di sản và
một bên là sự phát triển đô thị hiện đại.
Mâu thuẫn này phải được nhận diện chính xác và phải được giải quyết rất hài hòa.
Theo bà, cần chú trọng quan điểm phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế và du lịch là kinh tế mũi nhọn, thành phố Huế là đô thị di sản.
Trong đó, việc kết nối du lịch giữa thành phố Huế với các địa phương khác và các quốc gia khác trong khu vực rất cần được quan tâm, đẩy mạnh. Hiện nay, việc kết nối du lịch của chúng ta cũng chưa được như kỳ vọng.
Ngoài ra, cũng cần tập trung nguồn lực để trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục, công trình trong quần thể di tích Cố đô Huế, coi đây là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế.
Hiện nay vẫn còn rất nhiều công trình, hạng mục trong quần thể chưa được phục dựng, trùng tu, tôn tạo và điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của quần thể di tích Cố đô.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).
Về cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, Thừa Thiên Huế đã đạt tiêu chuẩn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng cho thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện nay thành phố Huế bước đầu thành lập sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề đô thị hóa vì hiện nay mới có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Do đó đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đô thị đặc thù của cố đô.