Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.
Tác giả Vũ Thế Thành là một nhà khoa học, là chuyên gia về an toàn thực phẩm. Một nhà khoa học viết về ẩm thực, mà còn là ẩm thực Huế sẽ như thế nào? Xin thưa, rất là thú vị. Ông có cách viết rất duyên, dẫn dắt câu chuyện cuốn hút, có đôi lúc còn dí dỏm. Là người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nên khi viết về ẩm thực, ông cũng không quên đưa các kiến thức khoa học vào trong trang viết, nhưng nhẹ nhàng vừa đủ, không mang nặng tính học thuật.
Vũ Thế Thành sinh ra, lớn lên và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện ông đang sống tại Đà Lạt. Ông đã xuất bản nhiều đầu sách và được đông đảo bạn đọc quan tâm như: “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”(4 tập); “Chuyện đời nước mắm”, “Sài Gòn một góc ký ức và bây giờ”, “Những thằng già nhớ mẹ”, “Để ăn không phải băn khoăn” (2 tập, viết chung cùng Bích Hiền), “Một nửa sự thật” (viết chung với Trần Phạm Chí và Phạm Nguyên Quý).
Ông chia sẻ rằng: “Tôi viết ẩm thực Huế như một tùy bút dọc đường ăn bụi ở Huế… Tôi cảm nhận món ăn Huế theo khẩu vị của riêng tôi, của một người Sài Gòn không có ký ức tuổi thơ về những món ăn Huế”. Có rất nhiều món ăn Huế được ông “điểm mặt” như cơm hến, gà bóp, bánh khoái nước lèo, bánh bèo tôm chấy, bún nghệ, cá dìa hấp mồng tơi… Tác giả cho rằng, đó là những món ăn dân dã, bình dị, tự thân nó đã đủ sức làm lay động khẩu vị của người thưởng thức mà không cần phải khoác lên nó một lớp phấn son lấp lánh để “tiến cung”, trở thành ngự thiện như những câu chuyện vẫn được truyền thông đưa đẩy.
Hãy nghe cảm nhận của tác giả khi nếm món gà bóp rau răm của Huế: “Tôi “thành kiến” món gỏi gà cho tới khi đụng phải gỏi gà xứ Huế. Phải nói cho đúng là “duyên gà sét đánh”, “sét đénh vào… lưỡi của người Sài Gòn”. Phải ngon đến cỡ nào mới khiến người lần đầu nếm thử bỗng thấy ngỡ ngàng như sét đánh giữa trời quang? Còn đây là cảm giác của tác giả khi nếm thử nước lèo là ngon quá, ngon đến độ “tê liệt khứu giác, vị giác con nhà người ta rồi”. Một sự bùng nổ vô tận về các giác quan. Để rồi một người không biết nấu ăn, làm bếp như ông cũng muốn lân la hỏi công thức, rồi lại thất vọng: “Công phu, tỉ mỉ thế thì chịu”.
Những bà, những mẹ Huế chế biến món ăn, có món nào mà không công phu, tỉ mỉ. Từ những đôi bàn tay khéo léo cùng sự chắt chiu vun vén trong ngoài, nên dẫu chỉ là món dân dã thì vẫn đạt đến đỉnh cao nhất của sự ngon ngọt. Thế cho nên, dù “Hến có mặt khắp nơi chứ chẳng riêng gì xứ Huế, nhưng chỉ có Huế mới làm nên… lịch sử với món cơm hến trứ danh”. Hay “Cá dìa, cá kình không chỉ riêng Huế mới có, nhưng những thứ này vào tay dân Huế lại trở thành đặc sản”. Rõ ràng, đó là nhờ kỹ năng chế biến món ăn quá tuyệt vời của người Huế. Cũng cá dìa, nhưng người Huế chọn hấp với lá mồng tơi. Thử nếm món cá dìa thịt thơm ngọt, lá mồng tơi mát lành, thì dù Huế giữa những ngày nắng bỏng rát đến mấy cũng trở nên dịu nhẹ.
Đọc “Ẩm thực ven đường Huế”, hẳn đôi lúc bạn cũng sẽ như tôi, bất chợt chạm vào những ký ức thân thương ngày cũ. Rõ ràng là những trải nghiệm của bản thân, chính mình cũng không còn nhớ nữa. Như ngày nhỏ mỗi lần ho là mẹ lật đật đi xào món bún nghệ cho ăn, đi hái me đất chưng với đường cho uống. Nhiều khi không ho hen gì, muốn uống thứ nước chua chua ngọt ngọt thanh thanh ấy, muốn ăn một chén bún xào nghệ cay cay the the, lại giả vờ húng hắng ho, mẹ lại lật đật đội nón ra vườn vơ nắm me hay đào vài củ nghệ. Ký ức ngọt ngào ngày cũ đã ngủ quên trong lớp lớp thời gian, nay bỗng dưng được đánh thức bởi câu nói dí dỏm của tác giả: “Tôi ghen tị với bọn nhóc ở Huế. Thèm ăn bún xào nghệ, chúng chỉ cần giả vờ ho… Nếu tôi là dân Huế hay dân Quảng Trị thì hồi nhỏ chắc mỗi tháng tôi cũng phải ho mấy bận”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ biết, ông “phải lòng” món bún xào nghệ đến thế nào.
Ở “Ẩm thực ven đường Huế” còn có một điều thú vị, là phần cuối sách, tác giả còn “bonus” thêm danh sách địa chỉ những quán ăn ngon, nơi mua quà như là một cẩm nang dành cho những ai muốn đến Huế cùng lời nhắn nhủ vô cùng dễ thương: “Bạn nên hỏi dân địa phương (nhất là mấy bà Huế), họ rất nhiệt tình chỉ dẫn, ngon, rẻ, đẹp, bền”.