menu_open
Hải Triều - Từ triết học duy vật đến nghệ thuật vị nhân sinh
Xem cỡ chữ:
Ảnh: tư liệu
Hải Triều, đó là một tên tuổi quan trọng trong sinh hoạt văn chương - học thuật thời kỳ 1930 - 1945. Ông vừa giống vừa khác với thế hệ những đồng nghiệp cùng thời, nếu xét trên phạm vi các mối quan tâm về học thuật.
Ảnh: tư liệu

Trước ông là Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Thiếu Sơn... Sau ông là Hoài Thanh, Đinh Gia Trinh, Kiều Thanh Quế, Trương Tửu... Giống, đó là sự “khoanh vùng” trong phạm vi học thuật, gồm lý luận - phê bình văn học, rộng ra còn là triết học, chính trị và xã hội. Khác, ở xuất phát điểm. Với biệt danh là Xích Nam Tử (Chàng trai đỏ), Hải Triều là người giác ngộ cách mạng rất sớm, mặc dầu ông thuộc “thế gia vọng tộc”. Từ 1928 ông đã tham gia Tân Việt; 1930 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi ngồi tù một năm rưỡi; đến 7/1932 được thả tự do, nhưng vẫn bị theo dõi, quản thúc. Trong hoàn cảnh gần như bị giam lỏng, Hải Triều đã chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực báo chí; lợi dụng tình thế công khai để tuyên truyền các lý thuyết cách mạng; trước hết là triết học duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác, qua cuộc tranh luận về Duy tâm và Duy vật với nhà báo Phan Khôi - trong hai năm 1933 - 1934; để có quyển sách đầu tiên: Duy tâm hay Duy vật (1936). Tiếp đó là lý luận văn học - nghệ thuật trong cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh”, thoạt đầu với Thiếu Sơn, sau đó là Hoài Thanh cùng một số tên tuổi khác như Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều trong hai năm 1935 - 1936, rồi tiếp tục cho đến 1938. Đầu năm 1940 Hải Triều lại phải vào tù cho đến tháng 3/1945 nên mạch viết của ông bị ngắt quãng.

Có thể nói thời kỳ sôi nổi, đưa Hải Triều lên hàng đầu những cây bút gây sóng gió trên trường văn trận bút là thời 1935 - 1938; thời Hải Triều là chủ tướng của một phe gồm nhiều chiến hữu như Hải Vân, Hải Khách, Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang, Bùi Công Trừng... Chỉ có điều đáng lưu ý là các bài viết rất sắc sảo, quyết liệt trong thắng thua của Hải Triều lúc này, phải chờ đến năm 1965, sau khi ông qua đời mới được Hồng Chương sưu tập đưa in, dưới cái tên: Hải Triều - Về văn học - nghệ thuật; còn lúc đương thời Hải Triều chỉ mới đưa in một cuốn sách mỏng, dăm chục trang, có tên Văn sĩ và xã hội (1937). Một tên sách rất lý luận, nhưng nội dung lại là sự giới thiệu ba văn hào nổi tiếng của thế giới, thuộc cánh tả là Rô-manh Rô-lăng, Hăng-ri Bác-buyt-xơ và Maxim Gorki. Một giới thiệu rất đúng lúc, rất kịp thời - vào thời Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939 nên rất trót lọt, rất ấn tượng; trong khi cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh, hiền lành hơn, nhưng do có chữ hành động nên bị tịch thu.

Trở lại cuộc bút chiến giữa hai phe Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Thực ra, có lúc Hải Triều dùng chữ dân sinh, thay cho nhân sinh, để thu hẹp lại cõi nhân gian, và để cụ thể hóa - đám cùng dân lao khổ. Trong tư cách là nhà lý luận được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác, có thể xem Hải Triều là nhà lý luận mác xít đầu tiên ở Việt Nam, là người đã vận dụng chủ nghĩa Mác để tìm hiểu, giải thích và định hướng cho một nền văn hóa mới, một nền văn nghệ mới đang trong giai đoạn hình thành, khi công cuộc hiện đại hóa đã có được hình hài trọn vẹn của nó. Gốc là nhà lý luận, hơn nữa là nhà lý luận mác xít, Hải Triều hẳn đã rất vui, rất sung sướng khi gặp được tập truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, in năm 1935; rồi Lầm than của Lan Khai, in năm 1938, để minh chứng và khẳng định niềm ao ước của mình; ao ước một nền văn học tả thực xã hội (réalisme socialiste). Đáng tiếc là ngoài hai cuốn đó, Hải Triều còn chưa biết, hoặc biết mà ông chưa có dịp viết về Bước đường cùngTắt đèn, với sức chứa hiện thực và sức tố cáo còn cao hơn.
*

Thời kỳ 1930 - 1945 chứng kiến nhiều cuộc tranh luận học thuật, nhưng phải nói là cuộc tranh luận giữa hai phe - Hải Triều một bên và Hoài Thanh, Thiếu Sơn một bên, là sôi nổi và để lại nhiều bài học cho hậu thế hơn cả. Những tranh luận học thuật, nhất là những cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm vào mục tiêu chính trị, một cách trực tiếp, và trong bầu không khí căng thẳng của thời cuộc thường có ý vị gay gắt; và theo cách nói của Lênin, quả khó tránh những “đòn thừa”. Trên chiến tuyến phân đôi hồi 1935 - 1939, giữa một bên là Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Thiều Quang... và một bên là Hải Triều, Hải Khách, Hải Vân, Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang, Bùi Công Trừng... dường như ít có điểm gặp nhau; cho đến khi kết thúc cuộc luận chiến, vào năm 1938, họ vẫn còn xa nhau. Ngay khi tưởng là có điểm gặp nhau như cùng khen Kép Tư Bền, thì cách khen và nội dung khen giữa hai phái cũng là khác nhau. Phái vị nhân sinh quả là rất quyết liệt và rạch ròi trong phân tuyến; nhưng sự thật thì phái vị nghệ thuật không phải không có những điểm khả thủ. Người đọc dễ nhận ra sự vô tâm, có phần cao ngạo và tự mãn khó đồng tình với Thiếu Sơn, khi nhà phê bình viết: “Các ông muốn cải tạo xã hội để tô điểm cho sự sống của loài người. Tôi không biết cải tạo xã hội là cái gì, nhưng sự sống của tôi, tôi không cần các ông phải tô điểm. Tự nó đã mãn nguyện rồi. Nếu trong thiên hạ còn nhiều người biết yêu mến nghệ thuật, nhờ thưởng thức những công trình của chúng tôi mà quên đi những nỗi nhỏ nhen, ti tiện của cõi đời, để sống chung với chúng tôi trong một cảnh thế giới, đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn thì chúng tôi há lại chẳng có công với xã hội loài người đấy ư?”. Hoặc thái độ muốn đứng lên trên mọi giai cấp, để vươn đến một thứ “văn chương muôn đời”, một “nền văn chương hướng về con người viết hoa, con người của Nhân loại”, ở Lưu Trọng Lư, người “không muốn vì cái này mà bỏ cái kia, vì giai cấp này mà bỏ giai cấp nọ”2. Nhưng ý kiến sau đây của Hoài Thanh về mục đích văn chương lại không phải là không có khía cạnh đúng: “Một bài văn hay là một bông hoa. Làm sao người ta lại cứ ép bông hoa phải thành quả là nghĩa gì? Một tí hương man mác lúc canh trường, những màu xanh tươi rung rinh dưới ánh trời khi ban sớm, khiến cho khách giang hồ quên những nỗi nhọc nhằn mà trong chốc lát hưởng những phút say sưa, như vậy há chẳng đủ cho một đời hoa hay sao!”3. Và trong yêu cầu của Hoài Thanh: “Văn chương phải là văn chương”4 vốn từng bị phê phán là một thứ quan niệm nghệ thuật thuần túy, một chủ nghĩa duy mỹ, không phải không có những hạt nhân hợp lý, khiến cho chính tác giả, sau này, khi đã trải nhiều cân nhắc, vẫn thấy không nên bác bỏ, mà chỉ nên bổ sung cho rõ hơn quan niệm của mình: “Mọi thứ nghệ thuật, cái đích của nó là phục vụ nhân sinh; nhưng muốn phục vụ nhân sinh cho tốt, cũng phải có cái say sưa vì nghệ thuật”5.

Mặt khác, nếu có một cách nhìn rộng ra khỏi các yêu cầu chính trị trực tiếp, để bao quát toàn diện đời sống văn hóa - tinh thần của dân tộc thì sự phát triển của văn học những năm 1930, trên tất cả các mặt của nhu cầu canh tân và hiện đại hóa, cũng cần được xem là một đòi hỏi của lịch sử. Và trong bối cảnh của nền chính trị thuộc địa, nếu sự thoát ly và quay lưng với cách mạng là đáng chê trách, phê phán; thì ở một phía khác, sự quay lưng với giai cấp thống trị, sự không hợp tác với chế độ hiện hành, cũng là điều cần lưu ý, để không đẩy họ về phía đối lập. Một thái độ phi chính trị, muốn trung lập, muốn không là “vụ lợi” trong văn chương học thuật đã đành là không có lợi cho cách mạng; nhưng cũng không hẳn là đứng về phía giai cấp thống trị, là có lợi cho kẻ thù. Nếu được hiểu như vậy, ta sẽ thấy quan niệm và cách đánh giá như sau của phái vị nhân sinh là có mặt thiếu bao dung, mà cũng không hoàn toàn đúng với sự thật: “Xem thế, chúng ta thấy rằng: ngoài hai thứ văn học căn bản hợp với tiến hóa, trái với tiến hóa ra, chúng ta còn thấy một thứ văn học thứ ba tự xưng là không dính gì với tiến hóa của nhân sinh, kỳ thật nó
cũng chỉ là một chi phái của thứ văn học trái với tiến hóa đó thôi (...).

(...) Cái thứ văn học đó nó đã không tiến hóa gì, mà nó cũng không ăn dính gì với sự tiến hóa của nhân sinh; vì thế nên cái số mệnh nó rất ngắn ngủi, mà cái công dụng của nó cũng rất hẹp hòi, hẹp hòi đến nỗi chỉ làm tài liệu tiêu khiển cho các cô thiếu nữ ở buồng thêu, xin lỗi các ngài, thật thế”6. Và “... ai lấy nghệ thuật làm món “chơi riêng”, lấy nghệ thuật làm nghệ thuật, lấy nghệ thuật làm bùa mê người đều là vô tâm hay hữu ý đã nối giáo cho những cái lực lượng phản tiến hóa. Hạng nghệ sĩ ấy, xin lỗi ông Thiếu Sơn, là hạng nghệ sĩ gian trá, hạng nghệ sĩ quái quỷ vậy. Những tác phẩm của họ rồi sẽ theo với những cái chế độ xã hội hủ bại mà đồng bộ đào thải đi vậy”7. Thái độ khắt khe và quyết liệt như trên do sự phân đôi trận tuyến là có cơ sở giải thích trong bối cảnh và khí hậu chính trị thời kỳ Mặt trận Bình dân, thời kỳ cả một thế hệ các chiến sĩ cách mạng và văn hóa cách mạng cùng nồng nhiệt trong một bầu máu nóng, một chí hướng vươn tới lý tưởng xã hội chủ nghĩa và thế giới đại đồng. Thời kỳ của sự quán triệt ý thức giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản như trong bài thơ của Dương Lĩnh:

Đội quân Quốc tế ngọn cờ hồng

Vô sản là ta, ta tấn công

Diệt lũ Frăng-cô mà cướp lấy

Madrit thành ấy của ta chung

Dĩ nhiên khí hậu tư tưởng trên cũng chiếm lĩnh toàn bộ tư duy lý luận một thời, trong đó có Hải Triều, với nét đặc trưng là sự quyết liệt và triệt để, trong tư thế phê phán, bất kể đó là cách hiểu hai chữ “văn học” của bậc tiền bối Phan Bội Châu: “Cụ Sào Nam giải thích chữ văn học thế là sai lắm”, hoặc là ý kiến của bất cứ ai trong phe “nghệ thuật vị...”. Lý thuyết “vị nghệ thuật” của Théophile Gautier8, chủ trương “đoạn tuyệt giữa cái đẹp và cái có ích” trong bối cảnh xã hội và nghệ thuật Pháp giữa thế kỷ XIX đem gán vào xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX là không hợp; bởi nó xuất phát từ một mỹ học của phương Tây có khác với mỹ học phương Đông; một bên nhằm tạo các vương quốc riêng trong thế giới tinh thần, một bên gắn rất chặt với đời sống xã hội.

Nghệ thuật bắt nguồn từ lao động, xét từ các khởi nguyên của nó, đúng như Hải Triều đã phân tích, trong bài Nghệ thuật với nhân sinh. Nhưng trên sự phát triển của lịch sử loài người, nghệ thuật còn đón nhận thêm nhiều nguồn mạch mới, để mở rộng phạm vi hoạt động và sức tác động, trong đó, nhu cầu giải trí cũng là một nguyên cớ cho văn chương - nghệ thuật xuất hiện, tồn tại và phát triển. Lý luận về đấu tranh giai cấp hình dung một thế giới chia đôi, và do vậy thế giới văn học cũng bị chia đôi, như Hải Triều trình bày. Trong sự chia đôi này, phần tích cực, tiến bộ, cách mạng là thuộc về văn học “tả thực xã hội”: “Bên cái nền văn học thần bí dâm ô của giai cấp phú hào, đã bắt đầu gây dựng lên một nền văn học mới của giai cấp vô sản. Nền văn học này quyết nhiên là một nền văn học cách mạng. Cái hình thức của nó khuynh hướng hẳn về tả thực mà nội dung của nó là về xã hội. Cái triều lưu văn học này ta có thể bao gồm trong một danh từ là: tả thực xã hội (le réalisme socialiste). “Văn chương của giai cấp vô sản tất là văn chương tả thực xã hội vậy”9.

Chúng ta tán thành nhiệt tình của nhà lý luận, cổ vũ cho một nền văn học mới của giai cấp vô sản và phục vụ cho giai cấp vô sản, ở thời điểm bấy giờ. Nhưng cách phân đôi rạch ròi thế giới văn học theo tiêu chí giai cấp như trên là quá đơn giản, không bao quát được đầy đủ diện mạo đời sống văn chương. Xem tất cả những gì không thuộc về văn chương tả thực, đều là “thần bí, dâm ô”, và “phục vụ cho giai cấp phú hào”, một cách phân tuyến và gạt bỏ triệt để như vậy quả là không ổn. Và sự định vị giá trị văn chương theo hai tiêu chí hiện thực và xã hội như trên càng không thể chứng minh có biết bao áng thơ văn bất hủ trong di sản văn học dân tộc và nhân loại, không thể lọt vào cái khung trên, cũng không gắn với bất cứ hiệu ứng giáo dục cụ thể nào, vẫn cứ trường tồn với con người.

Một cách nhìn, một thái độ rộng rãi, khoan dung chỉ có thể có khi cuộc sống đi trọn quá trình của nó, và làm hiện rõ cùng lúc hai nhu cầu lớn của đất nước: cách mạng và canh tân (hoặc đổi mới), giải phóng và phát triển. Hải Triều cùng các đồng chí của ông chưa thể vươn tới cái nhìn đó trong bối cảnh đương thời. Điều cần ghi nhận ở đây là bầu nhiệt huyết của ông, là tư thế chiến đấu của ông cho sự thắng lợi của một tư tưởng mới, trong buổi đầu thâm nhập vào Việt Nam đã có ngay khả năng đáp ứng cho nhu cầu chính trị cấp bách của thời cuộc. Thời của sự triệt để trong ý thức giai cấp, của nhiệt tình truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa và ý thức quốc tế vô sản trong những thể nghiệm đầu tiên đầy sức hấp dẫn. Ông khó tránh những “đòn thừa” của một chiến binh sôi nổi; và cố nhiên cũng chưa thể đòi hỏi ở ông sự chín chắn, già dặn của một triết gia, một chuyên gia về triết học hoặc lý luận nghệ thuật.

Nhưng trên nhiệt tình triển khai lý luận văn nghệ mác xít, trên ý thức cổ vũ cho văn học tả thực xã hội trong nước và văn học xã hội chủ nghĩa thế giới... vẫn có những phần đất nhất định cho Hải Triều đi vào các yêu cầu nghệ thuật của nền văn học mới và của thế giới văn chương nói chung. Ở tư cách nhà lý luận văn chương tả thực xã hội, thì đây quả là phần đất Hải Triều đã thật sự có những đóng góp chắc chắn còn có ý nghĩa bền lâu đối với sự phát triển của văn học mới, như một bộ phận của văn học nhân loại trên con đường phát triển theo chiều hướng chủ nghĩa hiện thực: “Một nhà văn khuynh hướng về chủ nghĩa tả thực xã hội chỉ nên phụng sự sự thật, chứ không nên buộc sự thật phải phụng sự mình. Trong khi đem hết văn tài, đem hết tình ý để diễn tả cuộc đời một cách tinh vi và linh hoạt, như thế là nhà văn đã giữ kín cho văn chương ít nhiều xu hướng rồi. Nhưng cái xu hướng ấy không phải là xu hướng của tác giả mà chính là xu hướng khách quan của sự vật ở đời, cái xu hướng tất nhiên của các phần tử trong xã hội vậy (...). Tôi nghĩ một thiên tiểu thuyết hay cũng giống như cái điệu đàn đã thoát tiếng tơ mà nhà văn sĩ biết trọng nghệ thuật chắc không bao giờ lại đi bắt chước thằng cha nhắc tuồng, vọt ra ngồi chỏm ngỏm giữa sân khấu”10.

Đọc lại Hải Triều hôm nay quả không khó khăn trong việc nhận ra những mặt chưa đầy đủ hoặc còn sơ hở trong các lĩnh vực triết học duy vật và lý luận nghệ thuật tả thực xã hội mà Hải Triều chủ trương, nhằm bảo vệ, cổ vũ cho việc xây dựng một nền nghệ thuật mới của giai cấp vô sản, của cách mạng xã hội chủ nghĩa, theo tấm gương Liên Xô và Cách mạng Tháng Mười. Nhưng việc nhận lại những mặt còn sơ hở, hoặc để ngỏ của lý luận không làm giảm nhẹ niềm ngưỡng mộ của chúng ta đối với Hải Triều, người chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực văn hóa, người xây nền móng cho nền văn hóa mới Việt Nam từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ mà những yêu cầu về chính trị đặt ra cho dân tộc phải chiếm vị trí hàng đầu. Dẫu có bàn về văn hóa, văn học, nghệ thuật, hoặc bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội và tinh thần cũng không được phép xa rời đời sống chính trị, và các yêu cầu của chính trị. Chính ở sự nhạy cảm đó mà tất cả mọi nội dung được Hải Triều đề cập, từ các vấn đề lý luận chung của triết học, của văn hóa và văn học - nghệ thuật cho đến sự bình luận về một tác gia hoặc tác phẩm cụ thể đều được tác giả soi nhìn từ một góc độ mới, để có thể qua đó nhận dạng về ông như một chiến sĩ văn hóa trước khi nói đến một nhà văn hóa, một tư thế chính trị hóa văn hóa trước khi nói đến văn hóa hóa chính trị. Từ nhận thức trên, có thể nói đến một Hải Triều, một ánh lửa Hải Triều trong sự tỏa sáng của nhiệt tình và trí tuệ.

*
Từ sau 1945 đến 1954, Hải Triều phải đảm trách nhiều công việc quan trọng trên lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, nên ông không còn nhiều thời gian để viết cho lý luận văn học nghệ thuật, ngoài cuốn Chủ nghĩa Mác phổ thông, được khởi thảo từ 1937, rồi được in sau 1945, và trở thành tài liệu học tập quan trọng cho Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác - được thành lập sau khi Đảng tuyên bố tự giải tán và rút vào bí mật vào ngày 11/11/1945; cho đến tháng 2/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao động Việt Nam.

Mất ở tuổi 46, rõ ràng không chỉ là quá sớm đối với Hải Triều, mà còn là quá sớm và rất đáng tiếc đối với giới tuyên truyền, nghiên cứu, lý luận văn học và báo chí Việt Nam sau 1954. Bởi, dường như hầu hết, nếu không nói là tất cả những tên tuổi tiêu biểu của báo chí và văn chương sau 1945 đều đặt hy vọng rất lớn vào vai trò của ông như một trong những người dẫn đầu. Nhớ Hải Triều, tôi lại nghĩ đến Nam Cao, người sinh sau ông bảy năm, nhưng lại mất trước ông ba năm; cả hai tuy ra đi quá sớm, nhưng vẫn đủ để lại một gương mặt thật sáng giá thuộc thế hệ Vàng của văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại.

Tháng 7/2024
P.L
(TCSH426/08-2024)

-----------------------
1 Tao đàn; số 3; 1/4/1939.
2 Dẫn theo Hồ Xanh; bài trên báo Tiến bộ: 23/1/1936.
3 Văn chương là văn chương - Tràng An; số 48; 13/8/1935.
4 Một lời vu cáo đê hèn; Tràng An; số 80; 3/12/1935.
5 Chuyện thơ; Tác phẩm mới; H. 1987; tr.57.
6 Sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh; Sách Về văn học - nghệ thuật; in lần 3; Nxb. Văn học; 1983; tr.45.
7 Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh; Sđd; tr.65.
8 1811-1872. Thủ lĩnh trường phái Thi Sơn, chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật” được đề cập chủ yếu trong cuốn Tiểu thư
De Maupin
(1835).
9 Văn học và chủ nghĩa duy vật; Sđd, tr.98.
10 Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương; Những khuynh hướng trong tiểu thuyết; Sđd; tr.102

PHONG LÊ