menu_open
Cửu Vị Thần công
Xem cỡ chữ:
Cửu Vị Thần công
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long ra lệnh tập trung tất cả khí dụng bằng đồng tịch thu được đúc thành 9 khẩu thần công để "làm kỷ niệm muôn đời" về chiến thắng của mình.
Cửu Vị Thần công
Tình trạng: Được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012

Giới thiệu:

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và lên ngôi, vua Gia Long cho thu thập đồng trong cả nước để đúc “Cửu vị thần công” (chữ Hán: 九位神仰), tức 9 khẩu súng thần công, làm biểu tượng cho sức mạnh của triều Nguyễn. 

Chín khẩu thần công này được đánh giá là lớn nhất của Việt Nam và là một trong những tác phẩm nghệ thuật bằng đồng có giá trị cao. Cửu vị thần công chưa bao giờ được dùng trong trận mạc, mà chỉ dùng để bắn các phát súng lệnh ở Kinh Đô khi diễn ra các nghi lễ cung đình như Mừng Khánh Thọ vua, Lễ, Tết, hay Tế Đàn Nam Giao, tuy nhiên vị trí của các khẩu súng thần công này luôn được xem trọng vừa như là một vị thần linh vừa là vật thiêng bảo vệ kinh thành Huế.

Năm 2012, Cửu Vị Thần Công được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam theo quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Lịch sử hình thành:

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long ra lệnh tập trung tất cả khí dụng bằng đồng tịch thu được đúc thành 9 khẩu thần công để "làm kỷ niệm muôn đời" về chiến thắng của mình. Công việc được bắt đầu vào ngày 31-1-1803, hoàn tất vào cuối tháng 1 năm 1804.

Để đúc Cửu vị thần công, vua Gia Long đã đích thân tìm những người thợ ưu tú nhất, không chỉ giỏi tay nghề mà còn phải có đạo đức để đặt trọn niềm tin. Việc đúc súng đặt dưới sự giám sát của Đô Thống chế Nguyễn Văn Khiêm, Chánh quản cơ Hoàng Văn Cẩn, Phó quản cơ Ích Văn Hiếu và Tham tri Bộ Công Phan Tấn Cẩn. Ông Phan Tấn Cẩn bấy giờ vừa được thăng làm Tham tri bộ Công, đã cẩn thận với từng bản vẽ, áp dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không bỏ qua yếu tố truyền thống mang tính phong thuỷ, thuật số.

Sau khi hoàn thành, “Cửu vị thần công” được đặt ngay phía trái cổng chính Ngọ môn ở Kinh thành Huế, được cắt cử đội binh lính túc trực bảo vệ. Đến năm 1917 thời vua Khải Định thì các khẩu thần công được di chuyển đặt tại Kỳ Đài như ngày nay.

Nét đặc trưng:

Chín khẩu thần công được chia làm 2 nhóm: Nhóm "Tứ thời" gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông và nhóm "Ngũ hành" gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Trước kia, cửu vị thần công được đặt trước Ngọ Môn - cửa chính của Hoàng thành, trong hai dãy Pháo xưởng; nay được đặt ở cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và cửa Quảng Đức (cửa Sập) của Kinh thành Huế.

Mỗi khẩu thần công có chiều dài 5,1m với đường kính trong của nòng là 22,5cm; trên thân có khắc nhiều chi tiết hoa văn trang trí tinh xảo và các bài văn ngắn nói về lai lịch của thần công. Chuôi thần công có khắc tên và thứ bậc của mỗi khẩu, như khẩu Xuân được mệnh danh là "Đệ nhất cửu vị thần uy"... Trên gối đỡ có khắc bài văn nói về cách pha chế thuốc đạn.

Tranh trong tập san “Bulletin des Amis du Vieux Hué” (Những người bạn Cố đô Huế) số 2 Avril-Juin 1914. Bản dịch của NXB Thuận Hóa. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Chín khẩu súng đều có kích thước và trọng lượng rất lớn, trung bình mỗi khẩu là 11.000kg. Mỗi khẩu súng được kê trên cái giá bằng gỗ chạm trổ rất công phu. Hai bên giá có 4 bánh xe bằng gỗ viền sắt để tiện cho việc di chuyển. Thân súng có khắc chữ, khắc hoa văn trang trí.

Ngoài tên súng, niên đại năm Gia Long thứ 3 (1804), thân súng còn được khắc trọng lượng từng khẩu theo đơn vị cân ta (khẩu nặng nhất 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất 17.200 cân). Đối xứng với mỗi chỗ ghi trọng lượng trên mỗi khẩu còn có một bài văn ngắn nêu lý do đúc súng, cách chế thuốc đạn để bắn. Vào năm 1816, vua Gia Long sắc phong cho cả 9 khẩu đại bác này danh hiệu: "Thần Oai Vô địch Thượng tướng quân". Danh hiệu này và nội dung bài sắc phong đều được khắc trên cả 9 khẩu.

Ngoài ra, có các hoa văn trang trí bằng hoa, lá và có gắn hai quai lớn hình hai con lân rất tinh xảo. Trên súng cũng khắc tên những người điều khiển thi công đúc các khẩu súng này là Đô thống chế Nguyễn Văn Khiêm, cai cơ Hoàng Văn Cẩn, cai cơ Cái Văn Hiếu và Tham tri bộ công Phan Tiến Cẩn.

Giá trị nghệ thuật:

Ngoài giá trị lịch sử, Cửu vị thần công còn được coi là tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ, thể hiện nghệ thuật - kỹ thuật luyện kim và đúc đồng đỉnh cao thời Nguyễn. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam, một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc. Trải qua hơn 200 năm, cửu vị thần công vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn, hiện diện như một phần quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Video Youtube:

Bản đồ:

Các bài khác