Tất cả những vạc đồng này có kích thước to lớn, nặng từ vài trăm đến vài ngàn cân. Hiện nay, trong vườn thuộc khu Đại Nội - Huế có bảy chiếc vạc đồng lớn được đúc từ thế kỷ XVII dưới thời các chúa Nguyễn chiếm cứ Đàng Trong. Theo kiểu dáng, kích thước, niên đại và phong cách nghệ thuật trang trí, có thể chia bảy chiếc vạc trên thành hai nhóm.
1. Nhóm vạc đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn
Nhóm này có ba chiếc, gồm một chiếc ở trước nền điện Kiến Trung đúc năm Thịnh Đức thứ 7 (1659); một chiếc ở trước nhà Tả Vu, đúc năm Thịnh Đức 8 (1660) và một chiếc ở trước nhà Hữu Vu, đúc năm Thịnh Đức thứ 10 (1662). Những chiếc vạc này đều có thành đứng thẳng, miệng loe rộng và cong ngửa, có bốn quai vặn thừng gắn trên miệng vạc, bố cục theo băng ngang vòng quanh vạc, từ trên xuống có chín băng cách nhau bởi những đường gờ nổi vuốt tròn mặt ngoài, trong đó các băng (tính từ trên xuống) 3-4-6-7 hẹp để trơn, các băng 1-9 rộng vừa phải có hoa dây uốn sóng chạy liên tục thành vòng kín, các băng 2-5-8 rộng hơn và là phần trang trí chính được các nhóm vạch thẳng đứng chia thành các ô chữ nhật bằng nhau xếp lệch nhau nửa ô, mỗi ô là một đồ án hoa văn riêng. Riêng băng 5 của chiếc vạc trước điện Kiến Trung không bị cắt ngang, hoa văn chạy thành vòng kín. Ba chiếc vạc này nặng và to xấp xỉ nhau. Chiếc vạc ở trước nhà Tả Vu nhỉnh hơn cả: nặng 2582 cân (ta); đường kính miệng 2,2m; đường kính trong lòng 1,83m, cao 1,05m (kể cả quai cao 1,30). Lối trang trí theo băng ngang vòng quanh khép kín vốn được ưa chuộng từ văn hóa Đông Sơn, trong có những băng chạm hoa dây uốn sóng gây nhịp điệu động rộn.
Hoa văn trang trí gồm có hoa, lá, chim và thú. Chiếc vạc đúc năm 1695 chỉ hoa và lá, nhưng sang hai chiếc vạc đúc năm 1660 và 1662 đã có thêm chim và thú. Chim và thú trang trí trên vạc 1660 đều chuyển động ngược chiều kim đồng hồ, nhưng sang chiếc vạc 1662, đã thấy có con đi theo hướng ngược lại.
2. Nhóm vạc đúc cuối và sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn
Nhóm vạc này hiện còn 4 chiếc gồm 3 chiếc mang niên đại Cảnh Trị và một chiếc có niên đại Chính Hòa. Chiếc vạc đúc năm 1670 chỉ sau chiếc vạc muộn của nhóm vạc trước có 8 năm, nhưng kể về kiểu dáng, bố cục và hoa văn và kích thước đã hoàn toàn khác trước, mở ra một hướng phát triển mới. Hai chiếc vạc đúc năm 1762, một chiếc ở bên xế bên trái sau điện Thái Hòa, một ở bên phải trên nền điện Càn Thành, chiếc vạc đúc năm 1684 cũng ở nền điện Càn Thành nhưng về bên trái.
Hoa văn họa tiết trên vạc đồng thời chúa