Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương
01/08/2024 10:12:55 SA
Xem cỡ chữ:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bức ảnh Bác Hồ. Ảnh: TL
Nghị quyết (NQ) số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xuyên suốt “đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” in đậm dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi mới “manh nha” và đích đến đang ở rất gần.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bức ảnh Bác Hồ. Ảnh: TL

Tháng 11/2019, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một phiên làm việc đặc biệt của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận (KL) số 48 của Bộ Chính trị. Đây chính là bước ngoặt quan trọng để rồi sau đó gần 1 tháng (10/12/2019), NQ 54 ra đời.

Tiền đề quan trọng

Kết luận tại phiên làm việc này, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận: Bộ Chính trị cơ bản tán thành những nội dung đã nêu tại Tờ trình và hai Báo cáo tổng kết. 

Đánh giá tổng kết thực hiện KL48 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng trong đổi mới tư duy, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế tăng trưởng khá. Thành phố Huế được ghi nhận là Thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch ASEAN; Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm thực hiện.

Tổng Bí thư lưu ý thêm với Thừa Thiên Huế, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm phát triển của Thừa Thiên Huế. Đó là vấn đề văn hóa, du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển, kinh tế đầm phá, kinh tế phía tây, nâng cao đời sống của đồng bào, Nhân dân phía tây của tỉnh. Trên cơ sở đó có một kế hoạch bứt phá hơn nữa, nổi trội hơn nữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào các dân tộc xã Hồng Hạ, huyện A Lưới trong chuyến công tác tháng 3/2014. Ảnh: TL

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng lưu ý các giải pháp, trước hết là quy hoạch theo tinh thần phải đồng bộ, phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội - môi trường, hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, hài hòa giữa phát triển bền vững với nhịp độ tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế nhưng phải bảo đảm hài hòa cả văn hóa, du lịch, y tế… Chú ý công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xác định kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Bộ Chính trị lưu ý Thừa Thiên Huế cần hết sức quan tâm đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và cần lưu ý 3 điểm. Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy với một tinh thần chủ động, tự lực vươn lên, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực tại chỗ tốt hơn nữa. Phát huy khai thác mọi nguồn lực gồm cả nguồn lực, tài lực, vật lực. Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần chú ý vừa toàn diện nhưng chú ý trọng tâm, trọng điểm, tạo bước đột phá, bứt phá; với tinh thần chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa. Ba là, cần chú ý phát huy nguồn lực tại chỗ với liên kết vùng và bản thân tỉnh cũng phải phát huy vai trò lan tỏa, festival tạo dấu ấn tốt, nhiều lễ hội văn hóa làm tốt.

Bên cạnh các kết quả đạt được, phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên Huế. Cải cách hành chính, công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy trên một số mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Với những tình cảm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là động lực để Thừa Thiên Huế thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

“Sợi chỉ đỏ” Nghị quyết 54

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cần triển khai nghiêm túc và thực hiện hiệu quả NQ, phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trên cơ sở những gợi mở, định hướng của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 10/12/2019, một bước ngoặt lịch sử đến với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thông điệp cơ bản của NQ 54 của Bộ Chính trị cũng chính là tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư: Thừa Thiên Huế nhất thiết khẳng định được mình trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không gì khác là trên nền tảng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đây chính là kết tinh của trí tuệ tập thể, trong đó vai trò “hạt nhân” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm dấu ấn.

Những lời dạy của Tổng Bí thư luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh “khắc cốt, ghi tâm” và biến thành những chương trình hành động, NQ, đề án nhằm cụ thể hóa NQ 54. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế ưu tiên nguồn lực để thực hiện thắng lợi NQ 54 của Bộ Chính trị. 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá để về đích, giữ vai trò then chốt, quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong đó có mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, UBND tỉnh đã và đang tập trung rà soát các nội dung công việc đề ra từ đầu năm, xác định những nhiệm vụ có tiến độ chậm, chưa hoàn thành để tổ chức chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thành các kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành các thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính; Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí loại 1...

Tập trung rà soát, đôn đốc các quy hoạch, đề án, dự án đã đề ra trong chương trình công tác năm 2024 để chỉ đạo thực hiện bảo đảm chất lượng và tiến độ. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động kịch bản tăng trưởng nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm. Đồng thời, căn cứ tình hình, kết quả thực hiện đến nay để sớm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Với những tình cảm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là động lực để Thừa Thiên Huế thực hiện thành công NQ 54 của Bộ Chính trị, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

THÁI BÌNH