Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt tờ trình Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Tờ trình nêu rõ việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc, đó là: Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đồng thời, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt tờ trình Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (nguồn ảnh: Quốc hội)
Theo tờ trình, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích 4.947,11 km2 và dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 ĐVHC cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Đề án đã có đánh giá tác động kỹ lưỡng; xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc trung ương; phương án sử dụng trụ sở, tài sản công và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã bảo đảm đạt đủ 05 điều kiện quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình và Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình và Đề án (nguồn ảnh: Quốc hội)
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt….
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề xuất tên gọi “thành phố Huế trực thuộc trung ương” với các lý do như đã được lý giải trong Đề án của Chính phủ.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế theo Phương án Chính phủ trình.
Sau khi nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội đã xem phim về Huế. Sáng ngày mai, các đại biểu sẽ thảo luận tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Các đại biểu tham dự kỳ họp (nguồn ảnh: Quốc hội)