"Hoàn thiện hạ tầng cho đô thị di sản đặc thù trong tương lai: “Tâm” và “thế” đã sẵn sàng”
12/08/2024 3:53:41 CH
Xem cỡ chữ:
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, diện mạo đô thị Huế có nhiều thay đổi tích cực.

 Liên quan đến việc hoàn thiện hạ tầng tại các xã, phường mới sau ngày 1/7/2021 cũng như công tác chuẩn bị trước khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính thành 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa theo Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, ông Võ Lê Nhật – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế đã có những chia sẻ về nội dung này.

Ông Võ Lê Nhật – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế

PV: Nhìn lại 3 năm mở rộng địa giới hành chính thành phố, Ông có thể cho biết bộ mặt của đô thị Huế đã có những thay đổi gì?

Thực hiện Nghị quyết số 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP Huế đã được mở rộng địa giới hành chính từ 27 phường lên 36 phường, xã. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập các phường, xã vào thành phố diện tích từ 70km2 tăng 265,99km2 (tăng 3,8 lần), dân số hơn 652.500 người (tăng 1,8 lần).

Việc mở rộng TP Huế là bước mở đầu quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Theo đó, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ lập hơn 18 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (ưu tiên các phường, xã mới), chủ động điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp, khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát triển KT-XH; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, phát triển đô thị, xử lý môi trường; tập trung đôn đốc các dự án trọng điểm; lắp đặt hệ thống chiếu sáng trục đường chính và đầu tư nhiều trường học ở các xã, phường sáp nhập; chỉnh trang khu vực trung tâm đô thị và cửa ngõ Thành phố,... phát triển đồng bộ, tạo diện mạo hài hòa giữa đô thị và nông thôn.

Hoạt động Ngày Chủ nhật xanh, các Phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được duy trì thường xuyên, liên tục, lan tỏa đến địa bàn các phường, xã mới sáp nhập đã tạo thành cuộc vận động lớn, qua đó tạo chuyển biến tốt cho diện mạo đô thị. Thành phố Huế cũng được vinh danh là Thành phố Du lịch Sạch ASEAN năm 2024 và đây là lần thứ 3 Huế đạt danh hiệu này.  

Sau 3 năm mở rộng địa giới hành chính, hạ tầng đã và đang được đầu tư, nâng cấp làm thay đổi diện mạo Thành phố, KT-XH phát triển, đời sống của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh so với trước năm 2021; rút ngắn khoảng cách đô thị - nông thôn trên địa bàn, tạo mặt bằng chung cho Thành phố thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; tạo đà cho Huế phát triển năng động, sáng tạo, hội đủ điều kiện lõi trung tâm đô thị di sản đặc thù, đóng góp quan trọng vào việc nhận diện mô hình đô thị di sản đặc thù của thành phố Huế trong tương lai.

Sau 3 năm mở rộng địa giới hành chính, hạ tầng đã và đang được đầu tư, nâng cấp làm thay đổi diện mạo Thành phố, KT-XH phát triển, đời sống của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh so với trước năm 2021; rút ngắn khoảng cách đô thị - nông thôn trên địa bàn, tạo mặt bằng chung cho Thành phố thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; tạo đà cho Huế phát triển năng động, sáng tạo, hội đủ điều kiện lõi trung tâm đô thị di sản đặc thù, đóng góp quan trọng vào việc nhận diện mô hình đô thị di sản đặc thù của thành phố Huế trong tương lai

PV: Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP. Huế đã triển khai nhiều dự án nhằm hoàn thiện hạ tầng ở các địa phương mới sáp nhập, song nhìn chung hạ tầng ở đây vẫn chưa đồng bộ và tương xứng, vậy thời gian tới TP. Huế sẽ tiếp tục triển khai như thế nào, thưa Ông?

Sau khi thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính vào năm 2021, Tỉnh và Thành phố đều ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị tại 9 xã, phường mới sáp nhập nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối trung tâm thành phố với các xã, phường. Ngay trong năm đầu tiên sau khi sáp nhập, Thành phố đầu tư dự án điện chiếu sáng xã Hải Dương và các tuyến đường liên phường, xã thuộc TP. Huế mở rộng; dự án điện chiếu sáng từ cầu Hữu Trạch đến lăng Gia Long (Hương Thọ) và điện chiếu sáng toàn tuyến Tỉnh lộ 2 qua các xã: Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Dương; nâng cấp tuyến đường liên phường xã Phú Thượng - Phú Mậu, đường giao thông nông thôn tại các xã; đường vào các lăng chúa Nguyễn; hệ thống điện chiếu sáng trên trục Quốc lộ 49 kết nối từ xã Hải Dương đến xã Hương Thọ... với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối liên vùng, liên xã. Nhiều dự án khác cũng tạo động lực phát triển kinh tế biển cũng như thu hút du khách tham quan du lịch tại các bãi tắm trên địa bàn. Hiện, các công trình đã hoàn thiện, tạo sự đồng thuận, phấn khởi trong Nhân dân.

Ngoài ra còn có các dự án lớn được Tỉnh quan tâm và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh hạ tầng phục vụ KT-XH như: Cầu vượt cửa biển Thuận An, cầu Nguyễn Hoàng, đường Vành đai 3; đầu tư nâng cấp các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phạm Văn Đồng và rất nhiều các công trình thuộc dự án Green City, Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố...

Cùng với các dự án trên, năm 2024 Thành phố tiếp tục huy động nguồn lực, đầu tư nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật - xã hội nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng cho các xã, phường, đáp ứng các tiêu chí để nâng cấp các xã lên phường. Trong đó, đầu tư hạ tầng khu vực biển Hải Dương, Thuận An, phát triển du lịch sinh thái Rú Chá - Cồn Tè, đường dạo công viên Thiên An, hệ thống thoát nước các khu vực ngập úng phường Hương Hồ, hệ thống điện chiếu sáng đường tránh Huế và chiếu sáng các xã mới sáp nhập vào thành phố. Đã đầu tư, nâng cấp nhiều đình làng, di tích, trường học để hoàn thiện các thiết chế, phục vụ phát triển KT-XH đồng bộ.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng lớn, dàn trải; trong khi đó nguồn lực còn hạn chế nên việc đầu tư có phần chưa đồng bộ. Năm 2024 Thành phố tập trung triển khai thực hiện chương trình trọng điểm nâng cấp các xã lên phường theo Đề án xây dựng mô hình tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục đẩy nhanh các Dự án, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường kiệt theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đặc biệt quan tâm đầu tư các chỉ tiêu của 07 xã lên phường như thoát nước, đường giao thông, điện chiếu sáng... Triển khai các dự án nâng cấp trường học; tiến hành tu bổ các đình làng, di tích, xây dựng các trường học khang trang, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thông, kênh mương nội đồng... Hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu làm cơ sở kêu gọi đầu tư, đầu tư các hạ tầng theo quy hoạch; phối hợp hoàn thiện các dự án trọng điểm của tỉnh làm động lực để phát triển KT-XH...

PV: Tạo tiền đề cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Ông có thể cho biết TP. Huế đã và đang có sự chuẩn bị gì trước khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính thành 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; một số xã, phường sẽ được sáp nhập để thành lập phường mới?

Hiện nay, toàn Tỉnh đang hết sức khẩn trương hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ để trình Trung ương thẩm định, công nhận thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam. Chúng ta nhìn nhận những khía cạnh tích cực để thấy Huế đang trỗi dậy mạnh mẽ, có khát vọng vươn lên.

Với tính chất đặc thù của mô hình Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Huế đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo tâm thế của người dân khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mỗi một người dân của tỉnh, thành phố Huế tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử lịch sự, văn minh với du khách, tham gia giữ gìn trật tự đô thị và an toàn giao thông, bảo vệ cảnh quan, di tích..., chung tay xây dựng để Huế xứng đáng với những danh hiệu đã được khẳng định.

Để xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; thành phố Huế là đô thị trung tâm nên cần triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ; các dự án giải tỏa, chỉnh trang đô thị (trong đó, có dự án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh Thành Huế phần mở rộng)... Dự án xây dựng “thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh”; dự án cải thiện môi trường nước sử dụng nguồn vốn kết dư, dự án mở rộng đường Bà Triệu, đường Dương Văn An nối dài, Quảng trường Văn hóa Thể thao Tỉnh, kè sông Hương, các tuyến đường dọc sông Như Ý, tuyến đường dọc bờ sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa, hoàn thành chỉnh trang công viên đường Lê Huân để khai thác phố đêm; tiếp tục chỉnh trang điểm xanh, công viên và đường dạo dọc 2 bờ sông Hương... Phối hợp giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án thuộc tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An; dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài trên địa bàn TP Huế; dự án cầu vượt sông Hương và đường vành đai 3...

Ngoài ra, Thành phố chỉ đạo quyết liệt công tác chỉnh trang hạ tầng, đô thị, rà soát các chỉ tiêu về giảm nghèo, nước sạch nông thôn, các cơ sở hỏa táng...

Sau hơn hai năm thi công, cầu vượt cửa biển Thuận An (thành phố Huế) dài nhất miền Trung đã vượt tiến độ, dự kiến hợp long trước tháng 12/2024; Dự án trị giá 2.400 tỷ đồng đang dần thành hình khi 45/52 trụ đã hoàn thành. Cầu được khởi công tháng 3/2022, dài 2,36 km, rộng 20 m, nhịp chính mở rộng 23,5 m.Theo kế hoạch, cầu vượt cửa biển Thuận An sẽ hoàn thành trong dịp 30/4/2025, kết nối phường Thuận An và xã Hải Dương. Hai bên cầu sẽ phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch biển, sáp nhập phường Thuận An và xã Hải Dương thành một phường.

Một yếu tố quan trọng nữa là tổ chức bộ máy. Thành phố đã chỉ đạo rà soát số lượng người làm việc và có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý để chuẩn bị cho TP. Huế hiện hữu được thành 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa. Các nội dung đều được triển khai đồng bộ, xuyên suốt, tạo quyết tâm và khí thế rất cao từ cả hệ thống chính trị cho đến từng người dân. “Tâm” và “thế”, tất cả đã sẵn sàng cho mục tiêu chung đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị... Và sự quyết tâm của hệ thống chính trị toàn Tỉnh, Thành phố là nhiệt huyết và hành động; sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của người dân là nhân tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu này./.

Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)