Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế, sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương thông qua các văn bản, Nghị quyết, tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống.
Vào lúc 08h26 phút ngày 30/11/2024, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ rất cao: 95,62%.
Đây là đề án có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành phố Huế trực thuộc trung ương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau khi thành lập, thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm (78 xã, 48 phường và 7 thị trấn), giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã.
Đặc biệt, Thành phố Huế cũ sẽ được tách thành 2 quận là Phú Xuân và Thuận Hoá. Huyện Phong Điền trở thành Thị xã Phong Điền. Huyện Nam Đông sẽ được sáp nhập vào huyện Phú Lộc và lấy tên là Phú Lộc.
Việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn đóng góp thiết thực cho miền Trung, cho đất nước.