Trong những năm gần lại đây, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp, kéo dài có tác động trực tiếp đến khí hậu Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế đã ảnh hưởng nhỏ đến việc trồng và chăm sóc cây hoa mai vàng xứ Huế (Hoàng mai Huế) sinh trưởng, phát triển tốt và hoa đẹp, trổ đúng dịp tết cổ truyền, đáp ứng nhu cầu đón xuân của người Huế và du khách. Để có được cây Hoàng mai vừa ý người chơi và thực khách thì việc chăm sóc cây mai trong cả năm là rất quan trọng. Quả thật là buồn nếu tết đến mà Huế không có mai vàng năm cánh, chăm sóc mai là một công việc đòi hỏi người trồng mai, người chơi mai (nhà vườn) cần có kỹ thuật và kinh nghiệm về bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa cành, uốn thế, điều khiển trổ đúng vào dịp tết…, nhưng thực tế không phải người nào cũng làm được điều này và càng khó khăn trong điều kiện khí hậu thay đổi thất thường như hiện nay.
Nhằm giúp người trồng mai có được kỹ thuật chăm sóc cây mai vàng, bài viết xin chia sẻ một số kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc cây mai thời gian trước, trong và sau tết.
1. Chăm sóc cây hoàng mai trước thời điểm cận tết: Để có chậu hoàng mai nở hoa đúng dịp Tết, người trồng mai, ngoài việc chăm sóc cây mai phát triển khỏe mạnh, có nhiều nụ hoa, đến đầu tháng 11 âm lịch, nhà vườn cần chú ý đến 4 vấn đề sau để quyết định ngày trảy lá mai và có chế độ chăm sóc điều khiển cây mai phù hợp:
– Thứ nhất: Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh cây hoàng mai trổ hoa
– Thứ hai: Quan sát tình trạng phát triển cây mai thông qua bộ lá mai
– Thứ ba: Quan sát tuổi nụ hoa mai
– Thứ tư: Theo dõi dự báo thời tiết cuối tháng 11 và tháng 12 âm lịch
* Điều kiện ngoại cảnh cây hoàng mai trổ hoa:
– Ánh sáng: Cường độ ánh sáng càng mạnh thì quá trình trổ hoa càng nhanh và ngược lại.
– Nhiệt độ: Cây hoàng mai chỉ trổ hoa khi nhiệt độ không khí trên 20oC.
+ Nhiệt độ dưới 18oC, kết hợp cường độ chiếu sáng yếu cây hoàng mai không trổ.
+ Nhiệt độ 22- 28oC, cường độ chiếu sáng bình thường (tương đương ánh sáng mặt trời 500.000 – 700.000 lux ), hoa nở sau 10-12 ngày nụ cái bong vỏ trấu.
+ Nhiệt độ trên 28oC, kết hợp cường độ ánh sáng mạnh, hoa nở sau 6-8 ngày nụ cái bong vỏ trấu.
– Độ ẩm: Độ ẩm đất thích hợp và không khí cao thì quá trình trổ hoa diễn ra nhanh và ngược lại. Độ ẩm đất thích hợp là từ 70-75%.
– Yếu tố dinh dưỡng: Các yếu tố dinh dưỡng đạm, lân, kali cân đối kết hợp yếu tố ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp thì quá trình trổ hoa diễn ra bình thường. Trong trường hợp, cây mai dư đạm thì quá trình trổ hoa diễn ra chậm lại.
* Quan sát tình trạng phát triển cây mai qua bộ lá mai để chăm sóc, điều tiết sinh trưởng
– Trường hợp bộ lá mai còn xanh, nụ còn nhỏ (nụ hơi dài và nhọn) là hiện tượng trong chậu cây còn dư phân đạm hoặc cây mai đã được trảy lá vào thời điểm giữa năm. Trường hợp này, người trồng mai cần tiến hành quan sát nụ, trảy lá mai sớm hơn so với bình thường. Chậu mai cần được đặt những vị trí có điều kiện ánh sáng mặt trời tốt nhất. Bón bổ sung phân NPK loại 10-30-30 hoặc loại 6-30-30 khoảng 7- 10 ngày/lần để nuôi nụ hoa bằng cách phun qua lá và hòa tưới vào chậu cây theo hướng dẫn trên bao bì. Lưu ý tránh bón phân cho cây vào những ngày mưa và rét.
– Trường hợp bộ lá mai đã già và chuyển vàng, nụ mai khá to và tròn, chậu mai cần được giảm ánh sáng bằng cách che lưới đen( loại giảm 30- 50 % cường độ ánh sáng) hoặc đặt ở những vị trí dim mát. Chậu mai cần được tưới nước đầy đủ ngày nắng nóng và chống úng trong điều kiện thời tiết mưa nhiều. Bón phân loại NPK 30 – 30 – 30, 7-10 ngày/lần theo hướng dẫn, để dưỡng bộ lá cho xanh lại và lâu rụng; trảy lá muộn hơn so với bình thường.
– Trường hợp lá mai đã già, nhưng vẫn còn xanh, nụ mai lớn vừa có dạng hình trứng, cây mai chỉ cần được chăm sóc bình thường: đảm bảo đủ ánh sáng, nhiệt độ không khí 24-28oC, tưới nước lên cây và chậu đủ ẩm (70-75%) và đợi đến ngày trảy lá đúng như bình thường.
* Quan sát tuổi nụ hoa và quyết định ngày trảy lá mai:
Trong điều kiện thời tiết bình thường, Hoàng mai Huế thường được trảy lá trước Tết khoảng 30-45 ngày khi nu lớn và có dạng tròn.
– Trường hợp bộ lá mai còn xanh đậm, nụ đã lớn, tiến hành trảy lá vào khoảng ngày 15-20 tháng 11 âm lịch.
– Trường hợp nụ lớn, lá già vàng và bắt đầu rụng, tiến hành trảy lá vào ngày 25- 30 tháng 11 âm lịch.
– Trường hợp lá mai già xanh bình thường, nụ vừa, tiến hành trảy lá ngày 20-25 tháng 11 âm lịch.
* Theo dõi thời tiết và chăm sóc chậu mai sau trảy lá
Cây mai sau trảy lá cần được chăm sóc, điều khiển để đảm bảo nụ hoa cái bong vỏ trấu vào ngày 18-20 tháng 12 và bắt đầu trổ vào ngày 28-30 tháng 12 âm lịch.
– Trường hợp điều kiện thời tiết bình thường: Đảm bảo điều kiện ánh sáng bình thường, nhiệt độ 24-28oc, tưới đủ ẩm hoa mai sẽ trổ đúng dịp Tết.
– Trường hợp thời tiết nắng và có nhiệt độ cao trên 30oC: Trường hợp này mai sẽ trổ sớm. Chậu mai cần giảm ánh sáng bằng che lưới đen hoặc đưa chậu mai vào nhà, giảm nhiệt độ không khí xuống 24-26oc, hạn chế tưới nước lên thân, nụ hoa.
– Trường hợp thời tiết lạnh rét: Hoàng mai sẽ trổ hoa muộn so với dịp Tết nên cần tăng cường độ và thời gian chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời kết hợp thắp đèn sợi đốt 4-6m2/bóng loại 50 – 75w, cách ngon cây 40-60cm; tưới nước ấm 30-32oC, 4-6 lần/ngày lên thân và nụ hoa. Nếu trời quá rét, mưa nhiều, chậu mai cần chăm sóc trong nhà kính được xây dựng bằng tre và ni lông màu trong suốt, kết hợp thắp đèn sợi đốt, phun nước ấm và đặt thêm quạt sưởi ấm.
2. Chăm sóc cây mai trong những ngày tết để hoa trổ đẹp và tươi
– Để chậu mai đẹp đem lại hòa khí của năm mới, chậu mai cần được ở vị trí trang trọng, đảm bảo đầy đủ ánh sáng, thông thoáng, tưới đủ nước, và thuận tiện chăm sóc trong những ngày tết; tránh đặt chậu mai gần bóng đèn có công suất lớn làm hoa nỡ nhanh, nhanh tàn, héo nụ, cháy cành, thân.
– Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí trượng thủy văn Trung ương, trong tháng 12 âm lịch năm nay ở các tỉnh Trung Trung Bộ trở vào phía nam phổ biến ít mưa, lượng mưa có xu hướng thấp hơn trung bình, nhiệt độ phổ biến cao hơn giá trị trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0.5 đến 1.5 độ C. Do vậy các nhà vườn cần chú ý để có chế độ chăm, điều khiển kịp thời.
3. Chăm sóc cây hoàng mai sau khi chưng tết
Để giúp cây mai sinh trưởng, phát triển mạnh khỏe ngay đầu năm, nhà vườn cần tiến hành những công việc như sau: Cắt bỏ toàn bộ nụ, hoa, quả và tỉa cành vô hiệu (cành lỗi, cành dư, cành sâu bệnh) trước ngày 20 tháng giêng, đưa cây mai ra vị trí có đủ không gian sinh trưởng, bón phân đầy đủ, cân đối theo nhu cầu của cây, tưới nước đủ ẩm, chống úng, phòng trừ sâu bệnh hại, cắt tỉa, điều chỉnh tạo dáng thế, bổ sung đất mới, thay chậu,…
Cây mai đảm bảo nhận đủ ánh sáng và không gian sinh trưởng, cây mai là một cây ưa sáng, do đó cần đặt chậu mai ở những vị trí có thể nhận đủ ánh sáng mặt trời. Chú ý cần luyện sáng cây mai chưng tết trước lúc đưa ra vườn, bằng cách che lưới đen có độ che sáng 30-50% trong 5-7 ngày đầu và sau đó tăng dần. Tránh đặt chậu mai ở những vị trí có nhiều tán cây cạnh tranh ánh sáng.
Bón phân cân đối, đầy đủ, cây mai rất cần phân bón để phục hồi sau quá trình trút lá và trổ hoa. Đây là giai đoạn cây mai cần bón phân và chăm sóc kích thích cây sinh trưởng theo hướng phát chồi, ngọn lá, cành (tán cây). Kỹ thuật bón phân như sau:
– Tiến hành bón phân lúc cây đã phát lộc và chuyển sang lá bánh tẻ(sau phát lộc 15-20 ngày), bón kết hợp phân NPK 16-16-8 có vi lượng(TE, SE,…), phân bón dưỡng lá – kích chồi ngọn loại 30-30-10, 60-60-20,…
– Hòa NPK với nước sạch theo tỷ lệ 1 phân:100 nước và tưới cho 10-15 chậu có đường kính 50-60 cm, sâu 30-35cm (tương đương 0,8-1,0 m3 đất). Phun phân bón qua lá ướt đều 2 mặt lá theo đúng hướng dẫn trên bao bì. Bón phân lúc trời dim mát, đất trong chậu đủ ẩm, tốt nhất tiến bón vào chiều mát và cần rửa phân dính trên lá, mặt chậu bằng vòi tưới phun nhẹ lên mặt chậu. Khoảng 20-30 ngày/lần bón NPK, 10-15 ngày/lần phun bón phân qua lá.
Lưu ý: áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong quá trình bón phân cho cây (bón đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng, đúng cách bón).
Tưới nước đủ ẩm, cây mai là cây chịu hạn, khả năng chịu úng kém, độ ẩm đất thích hợp 70-75%. Do đó cần được tưới nước sạch theo định kỳ đủ ẩm, đảm bảo khả năng thoát nước ở đáy chậu tốt đối với những ngày mưa. Tránh tưới nước vào những thời điểm nằng nóng trong ngày và tránh dùng nước phèn, chua, nước nhiễm mặn để tưới cho mai.
Phòng trừ sâu bệnh hại, bảo vệ lứa lộc xuân đầu năm là rất quan trọng, giúp cây phục hồi nhanh sau kỳ trút lá, ra hoa và đây cũng là thời điểm sâu, bệnh phát triển rất mạnh và phá hại nặng. Do đó, nhà vườn cần tiến hành áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh hại.
– Đối với nhóm sâu hại: Mai thường có các loại sâu hại như Bọ trĩ, sâu cắn lá, sâu đục thân, rầy rệp các loại và nhện đỏ. Áp dụng các biện pháp như dẫn dụ bắt bướm(ngài), hạn chế bướm đẻ trứng trên cây bằng cách phun vòi nước mạnh, quét vôi,…Kết hợp dùng các loại thuốc BVTV như Confidor, Trebon, Danitol, Sherpa, Politryl, Supracid, … hòa với chất bám dính phun liên tục 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 đến 7 ngày. Phun lần 1 lúc cây chuẩn bị nhú lộc, phun lần 2 sau lần 1 khoảng 1 tuần.
– Đối với nhóm bệnh hại: Bệnh gỉ sắt, đốm lá, nấm hồng, … là các loại nấm hại thường gặp trên cây mai. Để phòng trừ nấm, nhà vườn cần bón phân cân đối, chăm sóc tốt để cây kháng bệnh, đạt chậu những vị trí cao, thoáng giá, đầy đủ ánh sáng, kết hợp phun các loại thuốc phòng trừ nấm tổng hợp như Benlat, bavistin, Zenb,… theo hướng dẫn trên bao bì. Tiến hành phun lần 1 khi cây chuẩn bị phát lộc (nhú lộc), lần tiếp theo sau lần trước từ 7-10 ngày đến khi lá chuyển già hoàn toàn.
Cắt tỉa cành, điều chỉnh dáng – thế, tiến hành cắt tỉa và điều chỉnh dáng thế mai vào thời điểm cây đã phục hồi, trên cây lá chuyển già ổn định, không có lộc non, mạnh khỏe.
– Tiến hành tỉa bấm ngọn tỉa cành 2 tháng/lần. Cắt, tỉa những cành vượt, những ngọn cành vươn quá dài, loại bỏ những chồi vượt mọc từ trong thân. – Những cành ở xung quanh tán vươn dài bấm để lại từ 2-4 nách lá. Tỉa thoáng cành mai để ánh sáng chiếu trực tiếp vào tất cả những thân cành trên cây mai.
– Áp dụng các biện pháp tạo tác dáng thế để điều chỉnh cây theo ý muốn.
Bổ sung đất mới, thay chậu, tiến hành bổ sung đất mới kết hợp bón phân, xới xáo và thay chậu khi cây đã ổn định tầng lá (lộc xuân đã chuyển gia hoàn toàn).
– Bổ sung đất mới kết hợp bón phân và xới xáo những chậu cây mới thay đất, trong chậu còn dinh dưỡng bằng hỗn hợp đất trộn được ủ sau khoảng 1 tháng(hỗn hợp đất trồng). Hỗn hợp đất trồng bao gồm được chuẩn bị như sau: 50-70% đất pha cát +20-30% phân chuồng hoai mục + 1-2 kg NPK 16-16-8/m3 + 40-50kg phân hữu cơ vi sinh/m3 + 3-5 bao loại 50kg chất độn hữu cơ như trấu, thân vỏ đậu, xơ dừa,… được trộn đều, điều chỉnh độ ẩm và ủ khoảng 1 tháng.
– Tiến hành thay chậu và thay đất bằng hỗn hợp đất trồng những cây có chậu nhỏ so với cây, hết chất dinh dưỡng.
Trên đây là một số kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc mai, điều khiển cây hoàng mai Huế trổ hoa đúng vào dịp Tết, xin được góp phần cho Hoàng mai Huế khoe sắc, tô thêm vẻ đẹp mảnh đất Cố đô và ban tay cần cù, tài hoa xứ Huế.