menu_open
Mai vàng xứ Huế: Từ giá trị trong nhà vườn đến việc thương hiệu hóa
02/11/2022 3:23:54 CH
Xem cỡ chữ:
Trong quá trình muốn đưa hoàng mai từ văn hóa gia tộc gắn liền văn hóa nhà vườn xứ Huế ra sâu rộng bên ngoài xã hội, ra thương trường, cần xác định, xây dựng được bộ tiêu chí mai vàng xứ Huế, đặc biệt là mai ngự về mặt sinh học và văn hóa, khảo sát hiện trạng những cây hoàng mai quý để có kế hoạch hỗ trợ chủ nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nhân giống; hỗ trợ những người yêu hoàng mai, chơi hoàng mai và nhất là giới kinh doanh để giúp họ kỹ nghệ hóa, thương hiệu hóa nghề trồng hoàng mai. 

1. Mở đầu

Nét riêng của mỗi một vùng đất được cấu thành từ sự chi phối bởi điều kiện địa lý tự nhiên và đặc điểm xã hội suốt một thời gian dài. Từ những giá trị đặc hữu của yếu tố tự nhiên, hệ giá trị chuẩn mực xã hội đã kiến tạo nên cái hồn, cái chất của “thổ sản” mang nhiều giá trị nổi bật, đồng thời cũng “bản địa hóa” các giống loài, yếu tố ngoại nhập khi Huế đóng vai trò Kinh đô nên hội tụ từ bốn phương, càng bổ sung cho hệ thổ sản những sắc thái đặc trưng rặt “kiểu Huế”, “lối Huế”. Chỉ nhìn vào hệ cây xanh, cây cảnh trong vườn Huế, cũng có thể thấy rõ những nét đặc trưng của sự “kỳ hoa dị thảo” đó, trên tinh thần hội tụ của những giá trị bản địa và bản địa hóa của một “bộ cây” mang đậm giá trị truyền thống Huế.

Mai là một loài cây nhiệt đới, có nhiều giống và chính trong mai vàng (hoàng mai) cũng tương tự, làm nên vẻ đẹp phong phú theo lối đa dạng sinh học mà gắn liền với mỗi một vùng đất, nó lại được định vị nhiều giá trị độc đáo qua các thời kỳ, tiêu biểu nhất là các giống mai ngự được trồng, cung tiến vào Đại Nội thời Nguyễn, được chăm sóc cẩn thận, cầu kỳ bởi môi trường đặc biệt chốn cung điện, phủ đệ của hoàng thân quốc thích, quan lại quí tộc, thượng lưu... Với sự khắc nghiệt của thời tiết, hoàng mai xứ Huế khó sinh trưởng và phát triển nên từ đó, lại càng tôn nên vẻ đẹp, sự quí giá và quí phái của mai, từ dáng dấp tổng thể, đến thân, da, cành, lá và đặc biệt là hoa, cả hình thái, màu sắc lẫn hương thơm. Chính cái hiếm cùng những giá trị độc đáo đó, đã mang lại sự quí giá của mai vàng xứ Huế nên nó được định vị một cách trang trọng trong khu nhà vườn và đặc biệt là cả trong đời sống văn hóa Huế, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng riêng có. 

Điểm đáng lưu ý là trong đời sống văn hóa Huế truyền thống, bởi sự quý hiếm mà mai vàng thực sự là một tri kỷ chứng kiến những sự kiện trọng đại trong văn hóa gia tộc, ít được chú trọng giá trị thương phẩm. Cho nên trong bối cảnh xã hội hiện nay, thương hiệu hóa mai vàng xứ Huế là một vấn đề không đơn giản, cần được tiến hành thận trọng, hợp lý để đồng thời bảo lưu được giá trị cổ điển của mai vàng và kỹ nghệ hóa, thương hiệu hóa di sản mai vàng trở thành một thượng phẩm trên thị trường đầy khó tính, khắt khe.

Trong quá trình muốn đưa hoàng mai từ văn hóa gia tộc gắn liền văn hóa nhà vườn xứ Huế ra sâu rộng bên ngoài xã hội, ra thương trường, cần xác định, xây dựng được bộ tiêu chí mai vàng xứ Huế, đặc biệt là mai ngự về mặt sinh học và văn hóa, khảo sát hiện trạng những cây hoàng mai quý để có kế hoạch hỗ trợ chủ nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nhân giống; hỗ trợ những người yêu hoàng mai, chơi hoàng mai và nhất là giới kinh doanh để giúp họ kỹ nghệ hóa, thương hiệu hóa nghề trồng hoàng mai. 

2. Mai vàng trong bộ cây thể hiện triết lý sống kiểu Huế

Trong nhà vườn xứ Huế, bàn thờ gia tiên đóng vai trò trung tâm, để phân định đông bình tây quả (tả - hữu), chuối sau cau trước (tiền - hậu), thể hiện cô đọng thế ứng xử đặc trưng, ngoài quan niệm Tam tài theo trục thẳng đứng (Thiên - Địa - Nhân), còn chú trọng đến Tứ phương (Đông - Tây, Nam - Bắc), để con người Thái hòa trong vũ trụ. Chất lượng sống là độ hài lòng, ung dung tự tại với cuộc sống, thấm đẫm quan niệm Vô thường của Phật giáo hay Vô vi của Đạo giáo. Yếu tố cá nhân nhường chỗ cho vị tha với Trời, Đất, đạo lý, tổ tông ông bà, cho mai sau tốt lành. Không gian thiêng đó xuyên suốt chức năng hương hỏa truyền thống, vận hành liên tục dạng tre già măng mọc để phong khí gia tộc hưng khởi, với khát vọng mãnh liệt con hơn cha là nhà có phúc.

Với khát vọng mãnh liệt, con cháu nỗ lực tự thân nhưng luôn khiêm tốn với “nhất duyên nhì phận tam phong thổ, tứ tích âm công ngũ độc thư”, nên nghệ thuật phong thủy và đời sống tín ngưỡng giúp trợ lực, hiện thực hóa nó. Hành hỏa phương Nam đầy vượng khí, nên hướng Nam được coi là trục chủ đạo, lý tưởng. Bình phong - gian thờ được nối kết thông linh để bồi bổ nguyên khí cho gia môn, liên quan trực tiếp tới gian phải - Tây phòng (hành Kim, của gia chủ) và gian trái - Đông phòng (hành mộc, bà chủ). Hướng Đông mặt trời mọc, gắn liền với bếp và thiên chức của người phụ nữ. Trục không gian thiêng Tiền - Trung - Hữu của người đàn ông phụ quyền gắn liền cây Cau nghi lễ; tương tự là biểu tượng cây Chuối trong trục Tiền - Trung - Tả của người phụ nữ, gắn liền khát vọng phồn thực, sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống.

Chuối, mía là cây thiêng trong văn minh cổ Đông Nam Á bởi bộ rễ bám sâu trong lòng đất, nguyên lý sinh sôi nảy nở liên tục, mang lại vị ngọt cho đời (lưu ảnh mía, bẹ chuối trong lễ mở cửa mả ở Huế, để dẫn dắt linh hồn). Gia giáo xưa cố công nuôi dạy con cái nên người, “trai thì cha dạy văn chương, gái thì mẹ dạy trăm đường nết na” để làm tròn chữ hiếu. Sinh con, dưỡng dục là thiên chức, đức hy sinh cao cả của Mạ với gia tộc, từ sáng tới tối, từ bếp lên bàn thờ ra ngõ, từ Nguyên đán đến Trừ tịch, không quản ngại thời gian, công sức, tâm sức. Cây chuối có gốc chắc khỏe, rễ bám sâu lòng đất, lõi chuối lần lượt sản sinh lớp lớp bẹ chuối ôm chặt, làm nên thân chuối mềm dẻo, vững chãi. Có thân như không thân, chuối Mẹ oằn thân, dồn hết sinh lực để sản sinh duy nhất buồng chuối, mang lại quả ngọt rồi lụi tàn nhường chỗ cho con cháu tiếp tục sứ mệnh. Bụi chuối lý tưởng với 3-5 thế hệ sum vầy là tiền đề cho khát vọng hương hỏa tứ - ngũ đại đồng đường, biểu tượng tương Sắc - Không và Luân hồi của Phật giáo. Tre già măng mọc là tư tưởng nhân tâm, nguồn nhân lực chiến lược.

Phật giáo cho rằng có hai hạng người không thể trả ơn hết được, là Mẹ Cha: luôn thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ con cái lớn khôn vô bờ bến. Cha lo đối ngoại và kinh tế - xã hội, Mẹ là Nội tướng, mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng thành người, phụng dưỡng ông bà và thờ cúng tổ tiên. Phật giáo và Đạo thờ cúng tổ tiên có điểm chung hòa quyện hệ giá trị cội nguồn nhân văn. Cây chuối là biểu trưng của lòng Mẹ, tảo tần mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng con cái, cùng với Cha, làm nên cặp đôi đạo hiếu vĩnh cửu, mạch nguồn đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây” thấm đẫm tinh thần nhân văn Việt.

Ở phía sau vườn, gắn liền khu nhà bếp là sự hiện diện của bụi chuối cùng khu thảo mộc mang chức năng gia vị, thực phẩm thiết yếu (cây vả, rau thơm, húng quế, ngò, diếp cá, lá lốt, lá sân...).

Ở phía trước, hàng cau đóng vai trò tiên phong, có thể theo hàng ngang trước sân hoặc tận bìa hàng rào hay cũng có thể được trồng dọc theo lối đi từ cổng ngõ. Đặc biệt, người Huế đã định hình nên một bộ cây quí mang nhiều giá trị từ thân, lá, hoa với nhiều ý nghĩa, phong thái khí chất, màu sắc và hương thơm độc đáo như hoàng mai, mai tứ thời, hải đường, hàm tiếu, dạ hợp, mộc, trà mi, nguyệt quế, ngâu, tử vi, tường vi, soái, hường... Trong đó, một cây hoàng mai thường được bố trí trang trọng ở vị trí trung tâm (tim nhà) cùng với bình phong, bể cạn, non bộ (nếu có). Càng về sau, tùy hoàn cảnh (sở thích của gia chủ, diện tích và kiến trúc khu vườn...), mai còn được bố trí thành hàng ngang phía trước hoặc dọc theo lối đi, hay trồng cặp để tránh dạng thức chơi chữ “mai một” (tương tự trường hợp độc bình phổ biến hiện nay). Cho nên có thể coi cặp đôi cau và mai là hình tượng của người đàn ông - người cha trong gia đình, trong không gian văn hóa nhà vườn xứ Huế. Cùng với sự phát triển của nghề sinh vật cảnh, từ rất lâu, hoàng mai cũng được ươm trồng theo lối bonsai từ nhỏ hoặc theo phương thức bonsai hóa, tức là biến từ cây vườn thành cây bonsai khi được hạ độ cao, tạo dáng, tạo thế, tạo tán.

Chính bộ cây trồng này được định vị theo lối kết cấu sau - trước đã góp phần làm nên những nét riêng trong không gian văn hóa nhà vườn xứ Huế. Điểm đáng chú ý là phát xuất từ khả năng sinh trưởng chậm trong môi trường thời tiết khắc nghiệt của Huế và vai trò, vị trí trang trọng, sang trọng của hoàng mai trong đời sống văn hóa Huế mà yếu tố lão của hoàng mai rất được chú trọng bởi gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của gia tộc. 

Hoàng mai (tục danh bông mai vàng, Bản thảo ghi là lạp mai). Nhất thống chí dẫn bài thơ Vịnh hoàng mai trong Minh Mệnh thánh chế có lược chú rằng: Thân cây cứng và thẳng, lá xanh lợt mà sáng mịn, nhọn, dài, hoa có năm cánh, nhị như ngọc, lòng hoàng đàn, cũng giống mai trắng, nhưng sắc vàng thẫm và thơm hơn; khi hoa rụng thì cuống khô, biến thành sắc hồng, lại giống như hoa, khác hẳn các loại hoa khác(1).  Nhờ những giá trị riêng có đó mà đến thời Minh Mệnh, hoàng mai được khắc trên Nghị đỉnh (cùng với hải đường)(2).

Thông thường, mai vàng được trồng gắn liền với một sự kiện trọng đại của gia tộc như làm nhà, cưới vợ, sinh con, hay quà tặng của một tri kỷ từ một giống mai quí, hay từ một chuyến công cán... Hơn nữa, phát xuất từ đặc tính sinh học và sự chi phối của thời tiết khí hậu vùng Huế làm cho hoàng mai chậm phát triển, thân lại giòn và cứng nên yếu tố lão đã làm nên giá trị cốt lõi của hoàng mai Huế. Nhờ vậy, hoàng mai trở thành tri kỷ, chứng kiến bao biến cố, sự kiện trọng đại lẫn thường nhật của cả gia tộc. Cả nhà thường xuyên chăm bẵm mai trước nạn sâu rầy, kịp thời cắt tỉa những cành không ưng ý, quan sát thời tiết để trảy lá cho mai nở đúng Tết, nhất là tận dụng để cắt tỉa những cành hoàng mai vào cắm trong nhà ngày Tết nhưng cũng là động tác cắt tỉa cành và cây ngày một đẹp hơn, hợp lý hơn. 

Chính vì vậy, hoàng mai là tri kỷ của gia đình, của gia tộc, được nhân hóa và thiêng hóa thành chứng nhân và biểu tượng cho khát vọng an khang của gia tộc. Hoàng mai là chỉ dấu của việc định gia lập thất, sinh con đẻ cháu, gắn liền cụ thể với “thằng A, con B...”, với “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, hay một sự kiện gia đình hoặc xã hội (làng xóm, quê hương đất nước, như ngày kháng chiến, hồi hương, giải phóng, đi kinh tế mới, đi học, đi làm...)

Người ta quan niệm hoàng mai mạnh khỏe, sum suê cành lá, hoa nở sắc tươi hương thơm tỏa ngát dịu êm đúng dịp tết như chỉ dấu một năm mới an khang thịnh vượng nên bỏ nhiều tâm sức để chăm sóc, bảo quản. Cho nên một khi cây mai có dấu hiệu không bình thường, chắc chắn dẫn đến hiệu ứng bất an cho cả gia đình và trong cách đặt vấn đề như vậy, việc di chuyển, mua bán hoàng mai hoàn toàn là chuyện bất đắc dĩ, tất yếu gây bất an trên phương diện tâm lý, niềm tin tín ngưỡng. Đây chính là yếu tố thiêng đặc hữu gắn liền văn hóa gia tộc trong không gian nhà vườn truyền thống Huế cần được chú ý bởi nó là mạch nguồn chủ đạo làm nên giá trị độc đáo của hoàng mai xứ Huế, tương tự như câu chuyện cây sanh bonsai ở bể cạn nổi đình nổi đám những năm 2010, được đặc biệt coi trọng nhờ gắn liền phong khí của từng gia tộc cụ thể ở chốn Kinh sư, rất được dân chơi các nơi ưa chuộng.

3. Vấn đề đặt ra

Việt Nam là xứ sở nhiệt đới ẩm gió mùa, trong đó bao chứa nhiều tiểu vùng dạng “vi khí hậu” và những con đèo gắn liền với những vĩ độ đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc làm nên tính địa phương, sự khác biệt vùng miền đó, đáng chú ý là Tam Điệp, Đèo Ngang và Hải Vân. Chính Đèo Ngang (vĩ độ 180 Bắc) và Hải Vân (vĩ độ 160 Bắc) là vùng đệm trung chuyển cho Việt Nam có một nửa ở xứ lạnh và một nửa ở xứ nóng, mà ở đây, đã định hình nên hai cây trồng biểu tượng rõ nét cho mùa xuân của hai miền đất nước là hoa đào miền Bắc và hoa mai phương Nam.

Trong cái khắc nghiệt, nghiệt ngã của thời tiết cũng như nhân quần xã hội với bao biến động, điển chế, lệ định chặt chẽ đến chi tiết, người Huế đã định hình nên một “gout chơi” đầy khắt khe đối với hệ cây cối, từ đại cảnh cho tới tiểu cảnh, nghệ thuật bonsai... Hoàng mai trước nhà thực sự là gia bảo, đồng hành và chứa đựng nhiều giá trị tinh thần gắn liền đời sống văn hóa, niềm tin tín ngưỡng của gia tộc. Hoàng mai tiểu cảnh, bonsai cũng được định hình tương tự trong mối tương giao của tri âm tri kỷ suốt một thời gian dài để có được hình thế, vóc dáng và ý nghĩa biểu tượng, khát vọng mà chủ nhân dày công kiến tạo nên. Yếu tố hàng hóa hay thương hiệu ở đây, hầu như không được chú ý đến bởi đó được coi là một thú chơi tao nhã, kỳ công của chủ nhân với số lượng ít ỏi, tạo nên sự quí hiếm và quí giá... mà không phải là sản phẩm hàng hóa được tạo ra theo cách nhìn của một doanh nhân, nên tính hàng hóa không được chú trọng như đối với những người làm nghề sinh vật cảnh.

Tiếp cận vấn đề theo lý thuyết dị biệt hóa sản phẩm, thì “kiểu Huế” hầu như phù hợp hơn với việc lựa chọn phân khúc thị trường cao cấp, xa xỉ, tiêu biểu như trường hợp diều Huế, với bao công phu, tâm huyết, qui mô mới tạo nên được một con diều đẹp và ý nghĩa về mỹ thuật, văn hóa, bay cao hài hòa về kỹ thuật và đương nhiên phải được định giá hàng triệu, hàng chục triệu đồng. Mai vàng xứ Huế cũng trong diễn trình tương tự, nhường phân khúc “bình dân” và phổ thông hơn cho mai vàng, mai hồng diệp các vùng nổi tiếng như Bình Định, Phú Yên vào đến các tỉnh miền Nam.

Vấn đề đặt ra là cần chú ý đến quá trình biến chuyển, lan tỏa giá trị cốt lõi của hoàng mai xứ Huế một cách sâu rộng, phổ quát hơn từ không gian văn hóa gia đình, nhà vườn đến các không gian cảnh quan cộng đồng, công sở, đường phố, tóm lại là từ nhà ra ngõ và thậm chí ra khỏi Huế. Muốn vậy, cần bảo lưu tốt hơn nữa hệ giá trị cổ điển và “thú chơi” và tìm cách để kỹ nghệ hóa, thương hiệu hóa “nghề chơi” mai vàng xứ Huế, với một số điểm cần lưu ý:

3.1. Thống nhất, qui chuẩn hóa, tiêu chí hóa mai vàng xứ Huế, đặc biệt là các giống mai ngự nổi danh với nhiều di sản giai thoại, truyền khẩu ly kỳ, độc đáo, cả về đặc tính sinh học cũng như trên phương diện thẩm mỹ, văn hóa đúng nghĩa “kiểu Huế” hay “theo lối Huế”.

3.2. Khảo sát hiện trạng các cây hoàng mai Huế thuộc dạng “cổ điển” (cổ, kỳ...), bao gồm cả những lão mai trồng vườn và các lão mai trồng chậu bonsai, ở Huế và các địa phương để kịp thời có nguồn nhân giống và tham vấn chủ nhân qui trình kỹ thuật, nghệ thuật, cũng như hỗ trợ chủ nhân những vấn đề cần thiết nếu có thể và có nhu cầu. Có được kết quả này, sẽ là một kho tàng tri thức độc đáo đặc biệt mà lâu nay ít được quan tâm tìm hiểu và văn bản hóa. Đơn vị cảnh quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện từ rất sớm việc ươm tạo cây con từ các giống mai ngự là rất đáng trân trọng, cần được khuyến khích, cổ súy, thậm chí phải ưu tiên thương hiệu hóa, biến thành hàng hóa như một mặt hàng đặc biệt có nhiều lợi thế cạnh tranh một cách chính danh. Đây cũng là nguồn dữ liệu đặc biệt quan trọng cho việc lập hồ sơ pháp lý trên phương diện đăng ký thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý cho mai vàng xứ Huế trong thời gian tới.

3.3. Khuyến khích phát triển làng nghề, doanh nghiệp đầu tư phát triển mai vàng xứ Huế, từ những đơn vị chính danh như phòng Cảnh quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Công ty Công viên cây xanh Huế, các doanh nghiệp sinh vật cảnh trên địa bàn, và cả những làng nghề nổi tiếng như Thế Chí ở Điền Hòa (Phong Điền), Phú Ngạn, Đông Xuyên ở Quảng Thành (Quảng Điền)... Đặc biệt chú ý đến phân khúc thị trường bậc trung và phổ thông như trường hợp diều Huế mà phần trên đã đề cập để đa dạng hóa sản phẩm mai vàng xứ Huế.

3.4. Đối với các lão hoàng mai được trồng tại các tư gia, hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân và chắc chắn được toàn tâm toàn ý nâng niu chăm sóc, bảo quản. Tuy nhiên, thực tế xã hội hiện nay đang nảy sinh nhiều tình huống nhạy cảm, có nguy cơ làm phương hại đến văn hóa nhà vườn xứ Huế nói chung và hoàng mai nói riêng: trường hợp con cháu sinh sống và làm ăn xa xứ, vấn đề thừa kế đất đai dẫn đến tình trạng cắt xẻ để làm nhà cũng như mua bán nhà đất, vấn đề đô thị hóa... Hoàng mai gắn liền với an khang, việc di chuyển vị trí lão mai dễ gây nên tâm lý bất an, làm tổn hại đến sức sống của cây nên nguy cơ mai một là rất lớn.

3.5. Kiến tạo những không gian hoàng mai Huế trong vai trò là những không gian cảnh quan và điểm đến đặc hữu Huế, tương tự như những vườn/đồi thông, trúc, mộc, nguyệt quế, ngâu, hải đường, hàm tiếu... Vườn hoàng mai hay con đường hoàng mai của Công ty Công viên cây xanh Huế từ hơn chục năm trước, gắn liền ý tưởng của giám đốc Phan Đình Ngôn nay đã dần dần được hiện thực hóa ở khu vực Nhà Đồ - Bạch Hổ.

3.6. Xây dựng, hoàn chỉnh dữ liệu và hồ sơ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý hoàng mai xứ Huế là căn cứ pháp lý quan trọng để từng bước kỹ nghệ hóa và thương hiệu hóa mai vàng xứ Huế trên nền tảng truyền thống, trở thành một sản phẩm đặc trưng, hội tụ đầy đủ hệ giá trị bản sắc riêng có để tạo thành một thượng phẩm mang nhiều lợi thế so sánh “rặt Huế” trong bối cảnh xã hội hiện nay.

---
Tài liệu tham khảo:

(1)  QSQ triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của Viện Sử học), Huế: Nxb. Thuận Hóa, tập 1, tr. 334.

(2) QSQ triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), tập V, H.: Nxb. Giáo Dục, tập 5, tr. 23.

- Diêm Ái Dân (2001), Trung Quốc cổ đại đích gia giáo [Gia giáo Trung Quốc cổ] (Cao Tự Thanh d.), Tp.HCM: Nxb Trẻ.

- Đỗ Bang, Trần Đình Hằng (1997), “Đặc điểm đạo thờ cúng tổ tiên của cư dân vùng Huế”, trong Kỷ yếu HTKH Tôn giáo miền Trung & Tây Nguyên, Huế: Khoa Lịch Sử ĐHKH Huế & Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

- Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (bản dịch Viện Sử học), Huế: Nxb. Thuận Hóa. 

- Nguyễn Hữu Thông (2009), Nhà vườn xứ Huế, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Hữu Thông [Chb], Trần Đình Hằng, Lê Anh Tuấn (2007), Mạch sống của hương ước trong làng Việt Trung Bộ: dẫn liệu từ các làng ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

- Phan Thanh Đà Hải (2021) “Ngày Xuân nói chuyện hoa Mai”, Báo Tài nguyên và Môi trường, https://baotainguyenmoitruong.vn/ngay-xuan-noi-chuyen-hoa-mai-320194.html

- QSQ triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), tập V, H.: Nxb. Giáo Dục.

- QSQ triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của Viện Sử học), Huế: Nxb. Thuận Hóa.

- Trần Ðình Hằng (2004), “Yếu tố gia phong trong văn hoá Huế”, Kỷ yếu HTKH đề tài KHÐL cấp nhà nước Vai trò gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa”, Viện NC Thanh Niên TW Ðoàn TNCS HCM & Trường ÐHKH Huế, 3/2004.

- Trần Đình Hằng (2011), “Đào tạo Nội tướng trong gia giáo truyền thống Huế qua một bài thơ - giáo trình nữ học năm 1888”, Tham luận tại Hội thảo Phong vị ẩm thực Việt, UBND Thành phố Huế & Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Huế, 5.2011, tr. 89-100.

- Trần Đình Hằng (2014), “Tín ngưỡng Khai canh và văn hóa gia tộc trong đời sống làng Việt vùng Huế”, Trong sách Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại: Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam, Nhiều tác giả, H.: Nxb. VHTT.

- Trần Đình Hằng (2021), “Cây chuối - lòng Mẹ với chuyện hương hỏa xứ Huế”, Liễu Quán, số 24, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 7-11.

- Võ Nhân (2012), “Mai vàng xứ Huế - Giấc mơ còn để ngỏ” http://doanhnghiephue.com.vn/News.aspx?ArticleID=1263

TS. Trần Đình Hằng