menu_open
Hình tượng hoa mai trong thơ văn trang trí trên kiến trúc cung đình Nguyễn
06/10/2022 4:12:27 SA
Xem cỡ chữ:
Hoa mai được đúc nổi trên Cửu đỉnh ở Thế Tổ Miếu
Thật không dễ dàng để nhận thấy, hoa mai là loài hoa biểu tượng của mùa xuân được thể hiện trong thơ dưới một hình thức “trang trí nhất thi nhất họa” trên kiến trúc cung đình Nguyễn. Trên các kiến trúc cung đình của nhà Nguyễn, biểu tượng vẻ đẹp của hoa mai đã giữ một vị trí độc tôn cho đến ngày hôm nay.
Hoa mai được đúc nổi trên Cửu đỉnh ở Thế Tổ Miếu
Giới thiệu:

Cho đến nay, hình tượng hoa mai trong nghệ thuật trang trí của người Việt đã ảnh hưởng rộng khắp từ chốn cung đình đến nơi thôn dã, từ những công trình kiến trúc khang trang bề thế đến các vật dụng hằng ngày. Trên các kiến trúc cung đình của nhà Nguyễn, biểu tượng vẻ đẹp của hoa mai đã giữ một vị trí độc tôn cho đến ngày hôm nay.

Với một quá trình tồn tại và phát triển nhiều thế kỉ trong văn hoá Nguyễn, nghệ nhân đã khéo léo tạo nên tính hiện thực nhưng tinh xảo đến từng chi tiết, làm cho hoa mai như được tiếp thêm sinh lực từ ý nghĩa lộc tài - tượng trưng cho ước muốn đất nước thịnh vượng, dồi dào sinh khí…

Nét đặc trưng:

Hiện nay, trên các di tích của Huế đang hiện hữu gần 30 ô thơ của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị mô tả về hoa mai để gửi gắm cho đời sau dưới dạng ô thơ trang trí đi cùng với một bức họa. Ngay trên di tích lăng vua Minh Mạng rất nhiều bài thơ tả cảnh cây hoa, sương buông nhẹ trên lá cây, chim hót líu lo trên cành mai và có nhiều bài thơ tả về nụ hoa mai vào buổi sáng, hoa mai vàng nở báo hiệu thời tiết vào xuân. Đặc biệt bài: Sơn đình mai vũ (山亭梅 雨), mô tả về vẻ đẹp của hoàng mai được trang trí trên điện Long An. Trên di tích lăng vua Thiệu Trị tiêu biểu có rất nhiều bài thơ ca ngợi hương thơm của hoa mai ở cung điện. So với số lần nhắc đến hoa mai ở trên kiến trúc lăng vua Minh Mạng thì ở di tích lăng vua Đồng Khánh có gấp bội ô thơ tả ví von hoa mai được cắm vào bình, về hương thơm và ngợi ca vẻ đẹp của hoa mai vàng..

Ngoài ra, vua Minh Mạng không chỉ giỏi về kinh bang tế thế, trị quốc an dân, mà là vị vua giỏi về thơ văn, nổi tiếng với tập Ngự Chế Thi. Trong đó, nhà vua đã sáng tác rất nhiều thơ để cả ngợi về vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa mai vàng, tiêu biểu bài thơ: Vịnh hoàng mai hoa (咏黄梅花), được vua Minh Mạng sáng tác vào năm 1828.

Nguyên văn: 咏黄梅花

燦爛金葩綴满枝

檀心先喜報春禧

清香既勝玉英豔

紅蒂還呈绰约姿

Phiên âm: VỊNH HOÀNG MAI HOA 

Xán lán kim ba xuyết mãn chi,

Đàn tâm tiên hỉ báo xuân hi.

Thanh hương ký thắng ngọc anh diễm,

Hồng đế hoàn trình xước ước ti (tư).

Dịch nghĩa: VỊNH HOA MAI VÀNG

Xán lán bông hoa vàng điểm khắp nhành cây,

Nhị hoa cười trước tiên, báo mùa xuân tốt lành đã về.

Hương thơm thanh khiết tỏa ngát, đẹp diễm lệ như tinh hoa hạt ngọc,

Núm hoa màu hồng về trình rằng vẻ đẹp mềm mại duyên dáng.

Trong nội dung thơ có kèm chú thích như sau: 按北朝蠟梅亦有此名言蠟色黄又與梅同開故強名耳比此更復不同南朝之黄梅北地似乎無有故不著于詩歌此本樹身勁直其葉淺绿色而光潤尖長花則冬春盛開夏秋亦間有頗花草之類多備四時乃南土之常非止此耳其花五瓣青蒂檀心似白梅但色正黄而芬芳馥烈過之英落時其蒂枯轉成紅色望之復似花令人可愛此復與眾更異故錄之。

Phiên âm: Án Bắc triều lạp mai diệc hữu thử danh ngôn lạp sắc hoàng hựu dữ mai đồng khai cố cường danh nhĩ bỉ thử cánh phục bất đồng Nam triều chi hoàng mai. Bắc địa tự hồ vô hữu cố bất trứ vu thi ca. Thử bổn thụ thân kính trực kì diệp thiển lục sắc nhi quang nhuận tiêm trường. Hoa tắc đông xuân thịnh khai hạ thu diệc gian hữu pha hoa thảo chi loại đa bị tứ thời. Nãi Nam thổ chi thường phi chỉ thử nhĩ kỳ hoa ngũ biện thanh đế đàn tâm tự bạch mai đãn sắc chính hoàng nhi phân phân phức liệt. Quá chi anh lạc thời kỳ đế khô chuyển thành hồng sắc vọng chi phục tự hoa, lệnh nhân khả ái thử phục dữ chúng cánh dị cố lục chi.

Dịch nghĩa: Loài lạp mai (蠟梅) của Bắc triều [lạp (蠟) sáp ong] cũng có tên gọi là hoàng mai; vì sáp ong có màu vàng, loài này lại ra hoa cùng thời điểm với hoa mai nên mới có tên gọi như vậy. Nhưng sự thật loài lạp mai lại không phải cùng họ hoàng mai - loài mai của Nam triều. Ở phương Bắc dường như không có loài hoàng mai này nên trong thơ ca cũng không thấy nhắc đến. Lạp mai có thân cứng và mạnh, dáng thẳng, lá có màu xanh nhạt, trơn bóng, nhọn, dài; hoa thường nở rộ vào tiết đông xuân; hai mùa hè thu thì nhường chỗ cho những loài hoa khác, bốn mùa thay phiên nhau khoe sắc. Hoàng mai của phương Nam ngoài những đặc điểm trên, loài hoa này có 5 cánh, cuống xanh, nhị hoa màu đỏ lợt giống bạch mai nhưng có màu vàng thuần nguyên, lại thơm hơn. Khi cánh hoa già rụng xuống, cuống hoa khô dần và chuyển thành màu đỏ giống như một bông hoa vậy làm cho người xem rất yêu thích, điều này thật khác lạ so với các loại hoa khác nên mới ghi chép lại .

Trong thư tịch Đại Nam nhất thống chí ghi chép là hoa hoàng mai: tục gọi  hoa mai vàng, bản thảo chép là lạp mai, kính xét: Bài thơ “Vịnh hoàng mai”. Trong Minh Mệnh thánh chế có lược chú rằng: thân cây cứng và thẳng, lá xanh lợt mà sáng mịn, nhọn dài, hoa có năm cánh, nhị như ngọc, lòng hoàng đàn cũng giống như mai trắng, nhưng sắc vàng thẩm và thơm hơn; khi hoa rụng thì cuống khô, biến thành sắc hồng, lại giống như hoa, khác hẳn với các loại hoa khác. Mai vàng ở Sa sơn đạo Quảng trị có nhiều. Cứu hoang bản thảo nói: hái hoa luộc chín, rửa sạch, trộn với dầu muối để ăn. Trong bài: Bồn mai tảo khai tam thủ (盆梅早開三首). Bài thơ tả về chậu mai ở phương Nam nở sớm, được vua Minh Mạng sáng tác vào năm Canh Dần (1830). Ngoài ra có bài: Mai 梅 (Hoa mai), được vua Minh Mạng sáng tác vào năm Canh Dần (1830). Cùng thời điểm này có bài: Quan mai tác (觀梅作) được vua Minh Mạng sáng tác vào năm 1830 . Khoảng thời gian này, nhà vua sáng tác một chùm bài thơ về hoa mai. Tiêu biểu hình tượng hoa mai trang trí ở bức bình phong được thể hiện qua bài: Họa bình mai ảnh (畫屏梅影). Vẽ hình hoa mai lên bình phong, được vua Minh Mạng sáng tác vào năm 1830. 

Bên cạnh đó, nổi tiếng có bài: Vịnh lạp mai (咏蠟梅). Bài này miêu tả rõ giống mai Khánh khẩu (thuộc họ lạp mai), nhị hoa màu đỏ nhạt và có hương thơm. Được vua Minh Mạng sáng tác vào năm 1830.

Nguyên âm: 咏蠟梅 

樹樹叢枝茂

青青對葉揚

本非千朶白

別是一家黃

磬口雖無色

檀心自有香

栢松何讓節

桃李屑爭長

Phiên âm: VỊNH LẠP MAI

Thụ thụ tùng chi mậu, 

Thanh thanh đối diệp dương.

Bổn phi thiên đóa bạch,

Biệt thị nhất gia hoàng.

Khánh khẩu tuy vô sắc,

Đàn tâm tự hữu hương.

Bách tùng hà nhượng tiết,

Đào lý tiết tranh trường.

Dịch nghĩa: VỊNH LẠP MAI

Cây cối cành nhánh rậm rạp,

Xanh xanh màu lá xanh.

Vốn chẳng có ngàn đóa hoa trắng,

Mà riêng một nhà hoa vàng.

Hoa khánh khẩu (mơ) tuy không sắc,

Nhị hoa tự có hương thơm.

Khí tiết đâu thể nhường cây tùng cây bách,

Tuổi thọ thì tranh cùng cây đào, cây mận.

Vua Thiệu Trị là vị vua giỏi về thơ ca, sáng tác rất nhiều bài thơ tả về hoa mai, trong đó có bài: Đông mai 冬梅 (Mai mùa đông), nội dung nói về mai Khánh khẩu 磬口, nhị hoa có màu đỏ nhạt. Thơ được vua Thiệu Trị sáng tác vào năm Nhâm Dần (1842). Ngoài ra, vua Thiệu Trị có sáng tác bài: Nam mai 南梅 (Cây mai phương Nam), vào năm 1844 . Dưới thời vua Thiệu Trị (1845) còn có sáng tác bài: Bạch mai 白梅 (Mai trắng), nói về hoa mai trắng là loại hoa có mùi thơm. Bên cạnh đó, vua Thiệu Trị sáng tác bài: Lạp mai 臘梅 , trong bài có nói đến mai Khánh khẩu (thuộc họ Lạp mai), giống hoa có mùi thơm. Vua sáng tác vào năm Ất Tị (1845). 

Nguyên âm: 臘梅 

旖旎臨風半掩嚬

花懸磬口暗嘲春

尋常肯許知深淺

懷抱芳聞與日新

Phiên âm: LẠP MAI

Y nỉ lâm phong bán yểm tần,

Hoa huyền khánh khẩu ám triều xuân.

Tầm thường khẳng hứa tri thâm thiển,

Hoài bão phương văn dữ nhật tân.

Dịch nghĩa: HOA LẠP MAI

Hoa bay phất phơ trước gió, che nửa nét nhíu mày,

Hoa treo đóa mai khánh khẩu, ngầm chào xuân.

Tầm thường cũng được, mà hiểu rõ sâu cạn,

Chất chứa mùi thơm với ngày mới.

Rất nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị sáng tác có liên quan đến hoa mai được trang trí trên cung điện, tiêu biểu có bài:  Hữu mai 右梅 (Hoa mai), nội dung thơ  nói về  loài mai Khánh khẩu, giống hoa có nhị màu đỏ nhạt. Bài này thuộc tập thơ ‘Đề ngũ bằng Quân Tử Hiên ’ 題五朋君子軒 (Năm bằng hữu trước hiên Quân Tử). Vua Thiệu Trị sáng tác vào năm 1846. Ngoài ra, cũng sáng tác vào năm 1846 vua Thiệu Trị có bài: Hữu mai đê xuân sắc 右梅堤春色 , nói về mai Khánh khẩu, giống hoa có nhị màu đỏ nhạt và có mùi thơm. 

Biểu tượng hoa mai trên kiến trúc cung đình và cổ vật triều Nguyễn

Theo Bắc triều cái tên lạp  mai là do sắc vàng của sáp ong giống màu sắc hoa mai, cho nên căn nguyên cái tên lạp mai là như vậy, điều này không giống với hoàng mai của Nam triều. Bắc thổ dường như không có thơ ca gì mấy về loài hoa này, thân của loài cây này cứng và mạnh, dáng thẳng, lá có màu xanh nhạt, trơn bóng, nhọn, dài; hoa thường nở rộ vào tiết đông xuân; hai mùa hè thu thì nhường chỗ cho những loài hoa khác, bốn mùa thay phiên nhau khoe sắc. Hoàng mai của Nam thổ ngoài những đặc điểm trên, loài hoa này có 5 cánh, cuống xanh, chính giữa hoa đỏ lợt giống bạch mai nhưng có màu vàng thuần nguyên lại thơm hơn. Khi cánh hoa rơi xuống, cuống hoa khô dần và chuyển thành màu đỏ giống như một bông hoa vậy, điều này khác với các loại hoa khác làm người xem thích thú vô cùng. Cây mai 梅 của Việt Nam, nhất là Hoàng mai (mai vàng) phổ biến từ miền Trung (Quảng Trị) vào đến miền Nam. Cùng là chữ mai (tiếng Hán: 梅) nhưng mai ở Việt Nam lại khác về loại so với mơ, mận của Trung Quốc. Bởi mai ở Việt Nam là cây mai ở vùng khí hậu nhiệt đới, nên nó phổ biến là hoàng mai/lạp mai (mai vàng) hoặc bạch mai (mai trắng). 

Tuy nhiên trong bài viết của tác giả Sogny trên tạp chí  B.A.V.H 1914 ghi rõ rõ mai 梅 (cây mai)... chứ không phải chú thích cây mận. Cây mận khác hoàn toàn với cây mai. Mận thì phổ biến ở Tàu và miền Bắc, nhưng đây (hình ảnh cây mai trên Nghị đỉnh) là cây hoa năm cánh, được tạo dáng/thế rõ ràng, không phải là cây mận như của Tàu. Nói thêm về đoạn giải thích của tác giả Sogny: mai 梅 (cây mai) le prunier- la fleur est blanche et à cinq pétales".  Ông Sogny là người phương Tây, ông không rành về các thể loại thực vật hoa quả ở miền nhiệt đới phương Đông, trong đó có Việt Nam (mà điều đó cũng khá bình thường), thế nên, ông giải thích theo những cách hiểu và tri thức của ông về cây mai mà thôi. Tức, cách hiểu của ông không thể gọi là tuyệt đối chính xác. Nếu là người Việt, là quan lại cấp cao hoặc vua chúa vương thân trong triều Nguyễn mà giải thích như vầy, thì ta còn có thể tạm gọi là giá trị cao, có thể chính xác. Chứ người phương Tây, họ nói về loại " Le Prunier" (họ nhà cây Mận) - đây là cách giải thích theo cách hiểu của Phương Tây. Vì loại "Le Prunier" này phổ biến ở các nước phương Tây, Canada, Úc... song họ nhà Mai  梅 (hoàng mai/lạp mai) của ta thì thuộc họ Ochna integerrima . Sự phân loại này có lẽ vào thời điểm 1914 chưa được xác lập, vậy nên ông Sogny chưa nắm rõ, bèn tạm giải thích theo cách hiểu của ông mà thôi.

Hình ảnh cây mai đã đi vào tiềm thức vua Minh Mạng. Nhà vua dùng hình ảnh mai thể hiện ở trong thơ để nói lên quan điểm của mình. Điều này được sử ghi chép vào năm Minh Mệnh thứ 11 [1830], mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, ban ân chiếu cho trong ngoài…. [Vua bảo bầy tôi rằng: “Từ hôm sang xuân đến nay chưa được một tuần mà được mưa 5 lần, lòng Trẫm thực là mừng rỡ. Vả năm nay gặp khánh tiết tứ tuần của Trẫm, sớm thấm ơn trời, dầm dề như thế chẳng những thương đến mình ta mà nông dân nhờ được mưa này có thể đoán là được mùa vậy. Phàm vương giả gia ân, người hưởng có hạn, sao bằng trời cho được mùa luôn khiến dân ta đều được no ấm, thế mới chịu ơn vô cùng. Vậy hạ lệnh cho bộ Lễ tư hỏi các hạt thành trấn đã được mưa hay chưa thì tâu ngay”. Nhân đưa bài thơ “Triêu âm” cho bầy tôi xem, mà bảo rằng: “Mùa xuân này mưa thấm thía. Nhưng Trẫm đêm xem sao Thái bạch lúc sắp lặn thì ánh sao lại đỏ, sợ đến tháng 2 tháng 3 chưa khỏi khô hạn nên không thể yên tâm được”. Lại đưa bài thơ “Bồn mai thịnh khai” (Cây mai chậu nở hoa nhiều), bảo bọn Phan Huy Thực, Lê Văn Đức và Hà Quyền đều dịch ý thơ ra. Bọn Thực tâu rằng: “Thơ thánh sâu thẳm bọn thần nông nổi, chỉ có thể hiểu được muôn một thôi”. Vua cười nói rằng: “Vua tôi nghĩa như xương thịt, lúc nhàn rỗi vui cười có ý kiến gì cứ nên bày tỏ thẳng, Trẫm há lại lấy văn tự mà tranh hay với thần hạ sao? Đời trước Tuỳ Dạng Đế nhân câu “Không lương lạc yến nê” ( ) của Tiết Đạo Hành mà sinh lòng ghét, Trẫm rất khinh bỉ. Phàm vua mà mở lòng dung nạp, thì tài trí của thiên hạ đều là tài trí của mình. Vì bằng thánh như Nghiêu Thuấn, nếu không biết nghe người nói, nộp lời can ngăn, bỏ ý riêng theo người, thì dẫu có các quan như tứ nhạc ( ) cửu mục ( ) thì có ai ra sức trung thành với mình].

Hình ảnh cây mai hoàng mai/ lạp mai và bạch mai đã đi vào trong điển chế trang trí của các công trình kiến trúc triều Nguyễn. Hoa mai nói chung là hiện thân của vẻ đẹp mỏng manh, kín đáo và ý nhị. Nó cũng gắn liền với nhiều biểu tượng khác đề cao vẻ đẹp nhân cách, tinh khiết và tao nhã. Hình tượng hoa mai kết hợp với kiến trúc tạo nên một khí chất sinh động qua các nhân tố tạo hình. Từ trang trí chạm khắc ở kiến trúc cung đình đến các mảng chạm, phù điêu tư gia khiến hoa mai mang một nét đẹp sâu sắc. 

Hoa mai còn xuất hiện trên bờ nóc Thế Tổ Miếu với đồ án vẽ bằng bột màu và được thể hiện bằng sành sứ ghép mảnh liên chi hoa ở mặt ngoài phần móng của ngôi điện này. 

Hoa mai xuất hiện ở cửa Sùng Công môn với trang trí mai, cúc ở hai bên hoành phi tên cửa.

Ở Diên Thọ Cung, hoa mai có mặt trên bình phong phía trước chính điện với đồ án mai thạch và tứ quý ở trên cổ diềm của chính điện bằng thủ pháp đắp vữa kết hợp vẽ màu. Ngoài ra, họa tiết mai – điểu thể hiện trên bình phong cung Diên Thọ. Dù thể hiện dưới hình thức tứ thời hay hình thức trang trí nào đi nữa, thì hình ảnh hoa mai vẫn đứng vị trí đầu trong đề tài trang trí.

Ở Thái Hòa Điện, hoa mai xuất hiện ở bờ quyết chính điện trong đồ án mai điểu đắp bằng vữa.

Ở Long An Điện (nay Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), là ngôi điện còn khá nguyên vẹn, xây dựng thời vua Thiệu Trị, được đánh giá là cung điện đẹp nhất của Kinh thành Huế xưa. Phần trang trí nội thất và ngoại thất, bên cạnh kiểu “nhất thi nhất họa” còn có trang trí các đồ án: mai điểu, tứ thời... trong các ô hộc khảm trực tiếp bằng các chất liệu ngà voi, xương, xà cừ đã tạo nên những nét đẹp tinh tế.

Bên cạnh đó, hoa mai xuất hiện ở hầu khắp ở các chi tiết trang trí trên nhiều công trình kiến trúc khác thuộc quần thể di tích Cố đô Huế như: lăng Gia Long, Thái Bình Lâu, lăng Khải Định, một số cổng, cửa như Trường An Môn, Tam Tòa – Cơ Mật Viện…

Trong nội thất Khải Thành Điện (lăng Khải Định), hoa mai xuất hiện với mật độ dày đặc trong các đồ án: tứ quý, tứ bình, mai thọ… kèm với những vần thơ tán tụng như: Sổ điểm mai hoa thiên địa tâm (Mấy cành hoa mai như trái tim của trời đất) hay thiên hạ vô song phẩm. Nhân gian đệ nhất chi (Phẩm chất vô song miền hạ giới. Nhân gian đệ nhất nhánh mai này).

Trong Ngưng Hy Điện (lăng Đồng Khánh) có hai bức tranh sơn mài thếp vàng, chạm nổi hình hoa mai, mẫu đơn và liễu, được các nhà nghiên cứu mỹ thuật nhìn nhận là những tuyệt phẩm của nghệ thuật sơn mài Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, còn một số chủ đề trang trí liên quan đến hoa mai ở trên cấu kiện kiến trúc ngôi điện này.

Biểu tượng hoa mai đã trở thành một phần quan trọng trong vốn di sản văn hóa của người Việt. Đây không chỉ đơn thuần là một thành tố văn hóa hữu hình mà hơn thế nó còn là những hiện vật trong “nhà bảo tàng sống” - nơi chứa đựng các yếu tố văn hóa vô hình có giá trị hết sức to lớn trong nền văn hóa Việt Nam. Những đồ gỗ, đá xuất hiện trong chạm khắc hình bông mai ở mỹ thuật thời Nguyễn là nét điển hình riêng của phong cách các ông vua triều Nguyễn. Từ trang trí chạm khắc kiến trúc đến các mảng chạm trang trí và phù điêu ở tư gia trên các đồ vật dụng người ta vẫn thấy hoa mai mang nét đẹp sâu sắc như những người phụ nữ phương Đông. Trên những chiếc đĩa chạm bằng nhiều chất liệu khác nhau, những tráp đựng, rương án, các chân bàn, chân ghế, những rường mái chồng diêm đến những vật dụng sang quý ở cung đình Huế, bên cạnh các loài hoa và các mô típ trang trí khác, hoa mai chiếm một vị trí quan trọng.

Hình ảnh hoa mai đã đi vào trong trang phục, đặc biệt với ý nghĩa biểu cảm cho sự thanh tao. Hoa mai thường biểu trưng cho khí tiết, đức tính cao thượng, phẩm chất trong sạch của người quân tử. Năm cánh hoa mai là hình ảnh năm vị thần may mắn, của ngũ phúc. Mai cũng được xem như biểu tượng của sự trường thọ. Và hình ảnh hoa mai được thể hiện trên trang phục. Trong Đại Nam Thực lục có chép: “…Tân mão, năm Minh Mệnh thứ 12 [1831] (Thanh Đạo Quang năm thứ 11), mùa xuân, tháng giêng… … Bắt đầu chế đồ ngự phục, áo cổn và mũ miện. (Kiểu mẫu : Mũ miện, trên vuông dưới tròn, đính hai chữ “Vạn thọ” bằng vàng, 12 hình rồng mây bằng vàng, … … Tấm : che gối bằng đoạn bát ty màu vàng chính sắc sáng bóng lót bằng lụa đỏ, thêu rồng, mấy ngọn lửa bốn bên riễu bằng đoạn gấm lan can, màu lam già thêu hoa mai bằng chỉ, bốn bên bịt bằng gấm đoạn hoa mai màu bảo lam lan can thuần bạc, xen vào bằng đoạn bát ty hoa hồng sáng bóng, viền bằng gấm hạng nhất hoa sen thuần vàng, móc vàng nút vàng đều 4 cái. Dải thao lớn màu thanh thiên bóng sáng thêu rồng mây, thủy ba, cổ đồ, phía trên bịt hình bán nguyệt bằng đoạn bát ty hoa hồng bóng sáng thêu rồng mây, trên xen lan can bằng kim tuyến, bên bịt bằng gấm đoạn hoa mai màu bảo lam lan can thuần bạc, viền bằng gấm hạng nhất hoa sen thuần bằng vàng màu bảo lam, trong lót lụa màu vàng dưới tết dải bằng các thứ ngọc, chỉ nhung, lưới hai bên tả hữu có hai tua rủ, làm bằng trừu dùng xen các màu vàng, đỏ, trắng ; 4 cái móc bạc, 7 cái cúc vàng”.

Đến năm Ất Mùi, Minh Mệnh năm thứ 16 [1835], Vua ban thưởng cho các quan trang phục, trong đó mô tả rõ có thêu hình cây mai “...Tham tán Phạm Hữu Tâm, Hồ Văn Khuê, Trần Văn Trí, mỗi người: 1 cái áo rộng tay, bằng sa dày, nửa tơ, màu tím dệt hình con mãng, mây, thủy ba, con lân; 1 cái áo mổ bụng bằng thung thúc màu tím; 1 cái áo chẽn bằng sa mỏng toàn tơ, màu tím, hoa tam cúc; 1 cái áo chẽn bằng sa mỏng, toàn tơ, màu thâm, có hoa bát bảo phật thủ và hoa lựu; 1 cái quần nhiễu điều Lai lộ, có hoa; 1 cái quần nhiễu Song kinh, màu ngọc lam, dệt hoa hình cây đống chi, cây mai, cây trúc; 1 cái quần nhiễu điều Song kinh trơn; 1 cái quần trừu, màu tuyết bạch, hai hàng hoa bông hình con phượng. Lãnh binh mỗi người 4 áo, 3 quần. Vệ uý, thự Vệ uý, thực thụ Phó vệ uý thuộc Kinh binh mỗi người 3 áo, 3 quần. Thự Phó vệ uý và quyền sung, quyền sai, thí sai, quyền nhiếp quản vệ thuộc Kinh binh và Chánh, Phó quản vệ các tỉnh, mỗi người 3 áo, 2 quần. Thự Quản vệ quyền sung, quyền sai, thí sai, quyền nhiếp quản cơ các tỉnh mỗi người 3 áo, 1 quần. Suất đội, phó suất đội và quyền sung, quyền sai, ngoại uỷ, quyền nhiếp suất đội [các tỉnh] mỗi người 2 áo, 1 quần”

Dưới thời vua Bảo Đại (1926 – 1945), ta có thể thấy hoa mai hiện diện trên trang phục áo dài truyền thống. Điển hình nhất là chân dung Hoàng hậu Nam Phương với áo dài có họa tiết hoa mai được chụp khoảng những năm 1939 – 1943 dưới đây.

Đặc biệt, trên chín đỉnh đồng đặt trong Thế Miếu, có hình mẫu hoa mai năm cánh quen thuộc nhưng lá cành được cách điệu rất độc đáo, lại thêm thân cây được tách nhánh từ lớp sóng trên dòng kênh. Lá cành lướt trên mặt nước nhưng tách theo hai hướng và nối kết hai nhánh mai chính là bọt sóng. Hai chùm mai đăng đối hai bên tạo thế cân bằng trong dáng vẻ phá thế rất tự nhiên đã làm cho hoa mai sinh động hơn. Cũng là mai, nhưng cây mai trên Nghị đỉnh, được biến hình và kiểu thức hóa thành hình con tuần lộc. Từ gốc cây mai to đậm, chắc khỏe với sự điểm xuyết các hoa cánh to, rồi thân mai thu nhỏ dần một chút, lại bỗng chốc vươn lên theo hướng chếch chéo, bất ngờ một nhành mai tách ra ngả ngang bên song song với mặt đất nối dài như sừng hươu với chùm hoa nhỏ và các tua lá non mềm mại. 

Vào năm Đinh Dậu, Minh Mệnh năm thứ 18 [1837] (Thanh Đạo Quang năm thứ 17). Mùa xuân, tháng giêng “…Ngày Quý Mão, đặt 9 cái đỉnh ở trước sân Thế miếu. Trước đây đúc 9 cái đỉnh to (cao hơn 5 thước, đến hơn 6 thước, vòng lưng to 11 thước 6 tấc đến hơn 8 tấc, nặng 4.100 cân hay 4.200 cân có lẻ). Phàm các thứ chim cá, giống thú cây cỏ cùng đồ binh khí, xe, thuyền cho đến thiên văn địa lý trong nước, lớn nhỏ đều đủ, đều theo hình ấy mà đúc.. …. 5. Nghị đỉnh, khắc các hình: sao Nam đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.” 

Hình ảnh hoa mai cũng được có mặt ở các thẻ bài bằng ngọc. Năm Tân Hợi, Tự Đức năm thứ 4 [1851], mùa thu, tháng 7 “… … Xuống dụ thưởng cho Kinh lược đại sứ Hữu kỳ(1) là Nguyễn Đăng Giai gia 1 cấp cũng bằng quân công và bài đeo bằng ngọc, kim tiền, các hạng đoạn, sa, sâm, quế (cái bài đeo bằng ngọc tốt chạm khắc hoa mai, 1 đồng kẽm tiền hạng lớn có khắc 4 chữ “Vạn thế vĩnh lại”(2) 1 tấm đoạn tốt, 3 tấm sa tốt, 1 tấm nhiễu hoa, 5 chi thổ mộc nhân sâm và 4 thanh quế tốt ở kho của vua dùng”.

Giá trị nghệ thuật:

Hình tượng hoa mai với điển chế ban đầu dưới dạng tứ thời đã được biến thể và có mặt khắp nơi trên các cung điện, cổng, bờ nóc, bờ khuyết, trên bình phong, trên trang phục, và trên các vật dụng sinh hoạt trong cung đình và lan tỏa ra dân gian.

Cho đến nay, hình tượng hoa mai trong nghệ thuật trang trí của người Việt đã ảnh hưởng rộng khắp từ chốn cung đình đến nơi thôn dã, từ những công trình kiến trúc khang trang bề thế đến các vật dụng hằng ngày. Với một quá trình tồn tại và phát triển nhiều thế kỉ trong văn hoá Nguyễn, nghệ nhân đã khéo léo tạo nên tính hiện thực nhưng tinh xảo đến từng chi tiết, làm cho hoa mai như được tiếp thêm sinh lực từ ý nghĩa lộc tài - tượng trưng cho ước muốn đất nước thịnh vượng, dồi dào sinh khí… Hoa mai còn xuất hiện trong hầu hết các loại hình nghệ thuật, từ các mô thức nhỏ bé đến những hình mẫu phức tạp, mai không đơn lẻ mà gắn kết cùng những biểu tượng khác làm tăng thêm tố chất thẩm mỹ cho thảo mộc, cây cỏ và tự nhiên mang theo vượng khí và tinh thần an lạc được gửi gắm nơi tâm hồn sáng tạo của nghệ nhân. Riêng việc hoa mai vàng xuất hiện nhiều trong thơ văn, cổ vật và các trang trí kiến trúc thời Nguyễn xứng đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn với các kiến giải từ đa diện góc nhìn như lịch sử, xã hội, tâm lý, thẩm mỹ…

...

Chú thích:

 - (2): Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nxb Thuận Hóa - 2021, tr.417, 399-400, 418-419, 424, 435
 - (3): Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nxb Thuận Hóa - 2021, tr.492, 505 - 506, 512, 519, 524, 525, 544, 545, 554, 555, 560 -561, 569. 570.
 - (4) Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nxb Thuận Hóa - 2021, tr.465 - 466,
 - (5) Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nxb Thuận Hóa - 2021, tr. 653, 654, Hoa mai vàng cũng được thể hiện bằng câu văn và bài thơ trên di tích lăng vua Thiệu Trị: tr. 662, 663, 664, 671, 675,  677.
- (6)Minh Mạng ngự chế thi, sơ tập, quyển 2, tờ 50a, 50b, 51a.
- (7)Đàn tâm檀心: nhị hoa màu đỏ nhạt. Thi nhân Tô Thức đời Tống trong bài Hoàng Quỳ 黃葵 có câu: “Đàn tâm tự thành vựng, thúy diệp sâm hữu mang” 檀心自成暈,翠葉森有芒 (nhị hoa tự thành vầng sáng, lá xanh um tùm mà sum xuê)
- (8)Ngọc anh 玉英: tinh hoa của hạt ngọc (phiếm chỉ những gì tinh túy, tuyệt đẹp). Với bông hoa, thì đây là cách gọi tôn vinh vẻ đẹp lộng lẫy của nó.
- (9): Bản dịch Thầy Vĩnh Cao - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
- (10):  Bản dịch Thầy Vĩnh Cao - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
- (11)Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb KHXH, Hà Nội, 1969, tập 1, tr. 251.
- (12)Minh Mạng ngự chế thi, sơ tập, quyển 8, tờ 5a, 5b.
- (13)Minh Mạng ngự chế thi, sơ tập, quyển 9, tờ 16a, 16b.
- (14)Minh Mạng ngự chế thi, sơ tập, quyển 10, tờ 12b.
- (15) Minh Mạng ngự chế thi, sơ tập, quyển 10, tờ 16b.
- (16)Khánh khẩu 磬口: tức khánh khẩu mai 磬口梅, một loài mai nở vào mùa đông, có cánh hoa tròn, màu vàng đậm, tim tím có mùi thơm đặc trưng, còn gọi là đàn hương mai 檀香梅. 
- (17):  Lạp mai: Lý Thời Trân (⁕) trong tác phẩm “Bổn thảo cương mục” có chép: Lạp mai蠟梅 (lạp蠟: sáp ong) được giải thích với tên gọi hoàng mai hoa (hoa mận? có màu vàng), nhưng lại không thuộc họ cây mai. Vì loài lạp mai ra hoa cùng thời điểm với hoa mai, mùi thơm của nó với hoa mai cũng gần giống nhau, màu sắc thì tương tự màu của sáp ong, nên mới có tên gọi như vậy. Trong tác phẩm “Hoa kính” có chép: lạp mai 蠟梅 (lạp蠟: sáp ong) tục gọi là lạp mai臘梅 (lạp 臘: tháng chạp, hoa nở vào tháng chạp), còn có tên gọi khác là hoàng mai, nhưng vốn không thuộc họ cây mai, vì lạp mai và hoa mai nở cùng mùa, hương thơm của chúng tương tự nhau, màu sắc giống màu sáp ong, lại cùng nở vào tháng chạp nên mới có tên gọi như vậy. Màu vàng của loài lạp mai giống màu sáp ong, nở vào đầu năm, ưa nắng nhưng cũng chịu được râm, chịu lạnh, chịu hạn tốt. Là một trong những loài hoa nổi tiếng nhất Trung Quốc, có tới 16 loài như loại hoa vàng, xanh tằm, trắng sữa, tím sẫm…Lạp mai nở vào mùa đông, chống chọi với sương gió, giá lạnh, mà vẫn kiêu sa, biểu hiện tính cách không bao giờ khuất phục…
  Minh Mạng ngự chế thi, sơ tập, quyển 10, tờ 20b, 21a.
  Thiệu Trị ngự chế thi, sơ tập, quyển 12, tờ 32a, 32b.
  Thiệu Trị ngự chế thi, tập 2, quyển 14, tờ 41a.
  Thiệu Trị ngự chế thi, tập 3, quyển 9, tờ 35b.
  Thiệu Trị ngự chế thi, tập 3, quyển 9, tờ 35b.
  Y nỉ 旖旎: dáng cờ bay phấp phới trước gió.
  Thiệu Trị ngự chế thi, tập 3, quyển 20, tờ 39b.
  Thiệu Trị ngự chế thi, tập 4, quyển 1, tờ 20a, 20b.
  Lạp (蠟): Sáp ong. Thứ vàng gọi là hoàng lạp 黃蠟, thứ trắng gọi là bạch lạp 白蠟 (Từ điển Thiều Chửu).
  https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_v%C3%A0ng
(1) Không lương lạc yến nê : bùn chim én rơi ở nhà vắng vẻ.
(2) Tứ nhạc : chỉ chư hầu bốn phương.
(3) Cửu mục : chỉ mục bá ở chín châu.
  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.9.; Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 64, tờ 8a, 8b, 9a (bản chữ Hán)).
(1) Hữu kỳ : tức Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.
(2) Vạn thế vĩnh lại : muôn đời nhớ mãi.
  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo Dục, 2004, tập 7, tr.210.

(Bài viết được trích rút từ tham luận "Biểu tượng hoa mai trong trang trí mỹ thuật cung đình Nguyễn" của tác giả Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, được trình bày tại Hội thảo "Định hướng phát triển mai vàng Huế" do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 10/2/2022)

Ảnh nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế